Tỉnh, thành nào ở miền Tây từng chia tách trước khi 'về lại mái nhà xưa'?

Nhiều tỉnh, thành ở miền Tây từng là một tỉnh, sau đó được chia tách để phù hợp từng thời kỳ phát triển và nay lại trở về 'mái nhà xưa'.

Miền Tây - Ảnh 1.

Một góc của thành phố Bạc Liêu - đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Bạc Liêu ngày nay - Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Theo tư liệu lịch sử, trước thời Pháp thuộc, vùng đất Cà Mau ngày nay ban đầu thuộc trấn Hà Tiên, sau đó dưới triều Nguyễn thuộc tỉnh Hà Tiên rồi tỉnh An Giang. 

Cà Mau và Bạc Liêu từng là tỉnh Minh Hải

Năm 1882, thực dân Pháp thành lập địa hạt Bạc Liêu (bao gồm cả phần đất Cà Mau). 

Đến năm 1899, tỉnh Bạc Liêu được chính thức thành lập, Cà Mau là một trong hai quận đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu (quận Cà Mau và quận Vĩnh Lợi).

Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, tỉnh Cà Mau được thành lập trên cơ sở các quận cũ của tỉnh Bạc Liêu là Cà Mau, Quảng Xuyên, Ngọc Hiển, Cái Nước, Châu Thành và nhập thêm huyện Thới Bình tách ra từ tỉnh Rạch Giá. 

Thị xã Bạc Liêu và các huyện còn lại của tỉnh Bạc Liêu cũ nhập vào tỉnh Sóc Trăng.

Sau khi đất nước thống nhất, tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu sáp nhập thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Minh Hải (có hiệu lực từ ngày 10-3-1976).

Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Cà Mau, nay là thành phố Cà Mau.

Sau 20 năm, Quốc hội ban hành nghị quyết về việc chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh là Cà Mau và Bạc Liêu, đi vào hoạt động từ ngày 1-1-1997.

Tỉnh Cà Mau có tỉnh lỵ đặt tại thị xã Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu có tỉnh lỵ đặt tại thị xã Bạc Liêu (nay là thành phố Bạc Liêu).

Kể từ đó tới nay, hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu là "láng giềng" với nhau, đều được biết đến là những tỉnh có tiềm năng thủy sản nổi trội bậc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Hai tỉnh này có nhiều đường kết nối. Trong đó có hai tuyến chính là tuyến quốc lộ 1 nối hai đô thị tỉnh lỵ thành phố Cà Mau và thành phố Bạc Liêu, và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp nối một số huyện của tỉnh Bạc Liêu như Hồng Dân, Phước Long, thị xã Giá Rai với thành phố Cà Mau của tỉnh Cà Mau.

Tỉnh, thành nào ở miền Tây từng chia tách trước khi 'về lại mái nhà xưa'? - Ảnh 2.

Cà Mau và Bạc Liêu có thế mạnh chung là nuôi trồng và chế biến thủy sản với sản phẩm chính là tôm - Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Theo kế hoạch, dự kiến ngày 19-4 UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ thông xe kỹ thuật dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Gành Hào nối huyện Đông Hải (Bạc Liêu) với huyện Đầm Dơi (Cà Mau). 

Đây là dự án kết nối hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau ở khu vực ven Biển Đông ngay trước thời điểm sẽ "về một nhà" trong thời gian tới.

Cần Thơ - Sóc Trăng - Hậu Giang trở về "mái nhà xưa"

Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, dự kiến việc sáp nhập thành phố Cần Thơ với hai tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần Thơ (mới) sẽ trở về "mái nhà xưa" từng có tên gọi Hậu Giang.

Theo một số tài liệu lịch sử, năm 1876 (thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng), soái phủ Sài Gòn ra nghị định lập ra hạt Cần Thơ, và đến năm 1889 Pháp đổi đơn vị hành chính cấp hạt thành tỉnh. 

Đến năm 1956 chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh.

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 Chính phủ ban hành nghị định sáp nhập tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ để lập tỉnh mới với tên Hậu Giang, tỉnh lỵ là thành phố Cần Thơ.

Đến cuối năm 1991, Quốc hội ra nghị quyết tách tỉnh Hậu Giang thành hai tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng (tỉnh Cần Thơ lúc đó bao gồm cả tỉnh Hậu Giang ngày nay), đi vào hoạt động từ tháng 4-1992).

Từ ngày 1-1-2004, tỉnh Cần Thơ tách thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ như ngày nay. Thành phố Cần Thơ từ thời điểm đó là thành phố trực thuộc trung ương. 

Đến năm 2009 thành phố Cần Thơ được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc trung ương. 

Trong suốt giai đoạn từ năm 2004 - 2025, cấp có thẩm quyền có nhiều quyết định sắp xếp nhưng chỉ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, còn đơn vị hành chính cấp tỉnh (thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang) vẫn hoạt động ổn định. 

Tỉnh, thành nào ở miền Tây từng chia tách trước khi 'về lại mái nhà xưa'? - Ảnh 4.

Con sông ở Cái Cui là địa giới hành chính giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, sắp tới dự kiến đều là địa bàn thành phố Cần Thơ (mới) - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho biết trong lịch sử, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng từng được sáp nhập tỉnh và chia tách nhiều lần để phù hợp với điều kiện hành chính và phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ.

Tỉnh Hậu Giang trước đây từng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, thủy sản.

Giai đoạn đổi mới từ năm 1986, Hậu Giang là địa phương đi đầu trong sản xuất lúa, xuất khẩu nông sản, đóng góp quan trọng vào phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Theo ông Hiệp, chia tách tỉnh Hậu Giang vào các năm 1991, 2004 đã đáp ứng yêu cầu phát triển trước đó, nhưng cũng còn hạn chế trong liên kết vùng. 

"Mái nhà chung" Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng sẽ tạo ra một thực thể hành chính mạnh mẽ hơn, giúp phát huy tối đa tiềm năng kinh tế - xã hội của khu vực.

Tỉnh, thành nào ở miền Tây từng chia tách trước khi 'về lại mái nhà xưa'? - Ảnh 5.Sáp nhập tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị: Tuyệt đối tránh phân biệt ‘tỉnh tôi - tỉnh anh’

Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã có buổi làm việc bàn bạc các nội dung liên quan đến sáp nhập tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu phải tuyệt đối tránh tư tưởng phân biệt "tỉnh tôi - tỉnh anh".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0