
Toàn bộ nhôm, thép được bán vào Mỹ sẽ chịu mức thuế 25% tác động không nhỏ đến thị trường thép toàn cầu, trong đó có Việt Nam - Ảnh: N.NGHI
Thế nhưng, chờ đợi và thấp thỏm vẫn là tâm lý chung của nhiều ngành hàng xuất khẩu vào Mỹ. Nhiều đơn vị đã họp bàn để chuẩn bị ứng phó với chính sách thuế trên.
Họp bàn chủ động ứng phó
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) cho hay vừa tổ chức hội thảo cập nhật chính sách thị trường Mỹ vào ngày 1-4 với sự tham gia của 40 nhà sản xuất, đơn vị xuất khẩu đã và đang có xu hướng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Tại đây, các chính sách mới của Tổng thống Trump được cập nhật, tập trung vào thuế quan với đối tác thương mại của Mỹ và đối tác thương mại trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đại diện VAA cho biết ngoài bàn đến việc sắt và nhôm đã bị áp thuế trước đó, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo về các sắc thuế có thể sớm được đưa ra đối với Việt Nam như thuế đối ứng và cảnh báo các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại trong tương lai gần (năm 2026).
"Việc cung cấp thông tin sớm nhằm giúp cho doanh nghiệp (DN) chuẩn bị dữ liệu và sẵn sàng ứng phó, tham gia các vụ việc khi cần nhằm bảo vệ quyền lợi của mình tại thị trường Mỹ. Từ đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu", đại diện VAA chia sẻ.
Một lãnh đạo của DN nhôm xuất khẩu sang Mỹ cũng cho hay nếu DN hiểu và áp dụng luật hải quan Mỹ thì sẽ có lợi cho DN mình. Ví dụ như việc tìm hiểu các loại hàng hóa, mã HS tương ứng để tìm mã phù hợp với mức thuế quan thấp nhất nhưng đảm bảo không vi phạm luật hay lẩn tránh thuế...
"Cùng với đó là việc xem xét về nguồn cung nguyên liệu, xem xét lại hợp đồng để phân bổ rủi ro tăng thuế và cho phép đàm phán lại với đối tác. Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nguồn cung đầu vào và địa điểm sản xuất, hoặc có thể dịch chuyển sản xuất sang nước khác có thuế suất tốt hơn...", vị lãnh đạo DN nói thêm.
Ngoài ra, VAA cũng khuyến nghị các DN cần thận trọng với các hình phạt của Mỹ khi trốn thuế. Bởi hiện nay Chính phủ Mỹ cho phép có thể hình sự hóa một số trường hợp nếu trốn thuế, lẩn tránh thuế lớn.
Vì vậy các DN khi xuất khẩu cần tiến hành trao đổi thông tin về các giải pháp cụ thể trong bối cảnh thuế quan thị trường xuất khẩu lớn nhất đang có nhiều biến động.

Các doanh nghiệp kỳ vọng các chính sách ứng phó được Chính phủ đưa ra sẽ giúp hàng Việt Nam vào Mỹ né được thuế - Ảnh: N.NGÂN
Mừng vì Chính phủ kịp thời có đối sách
Trước tuyên bố áp thuế đối ứng của ông Trump và khi sản phẩm gỗ đã vào "tầm ngắm", ông Ngô Sỹ Hoài, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho hay đã liên tục có những kiến nghị tới Chính phủ và bộ ngành về việc đưa ra giải pháp ứng phó như việc đưa thuế suất nhập khẩu gỗ từ Mỹ về 0%.
Do vậy, việc Chính phủ ban hành nghị định 73 ngày 31-3 vừa qua về việc giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó đưa thuế nhập khẩu tất cả các sản phẩm gỗ từ Mỹ về bằng 0%, được kỳ vọng sẽ góp phần giúp cho quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ phát triển bền vững và ngành gỗ tránh bị áp thuế hơn.
Theo ông Hoài, năm ngoái Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trên 9 tỉ USD sản phẩm gỗ, chủ yếu là hàng tinh chế và đồ nội thất, với thuế suất được hưởng chủ yếu là 0% hoặc rất thấp.
Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 332 triệu USD, trong đó 301 triệu USD là gỗ tròn và gỗ xẻ nguyên liệu với mức thuế bằng 0%; còn lại trên 20 triệu USD sản phẩm gỗ với mức thuế từ 15 - 25%.
Vì vậy ông Hoài cho rằng việc giảm thuế với các loại sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Mỹ này về 0% của Chính phủ là hành động kịp thời để ứng phó nhanh với chính sách thuế của nước ngoài.
"Cộng đồng DN ngành gỗ, đặc biệt là DN chế biến xuất khẩu gỗ vào Mỹ, rất phấn khởi trước quyết định trên và kỳ vọng Mỹ có phản ứng tích cực, công bằng và minh bạch, thỏa đáng để sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất vào Mỹ không bị đánh thuế đối ứng.
Đến nay các bên đã phản ứng tích cực, quyết liệt và kịp thời, nên chúng tôi hy vọng với nền quan hệ chính trị ngoại giao tốt, việc thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện sẽ giúp Mỹ xem xét và có quyết định phù hợp, đảm bảo tình thế đôi bên cùng có lợi", ông Hoài hy vọng.
Những bước đi kịp thời

Ông Đỗ Ngọc Hưng, tham tán thương mại, trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, phân tích việc đánh thuế đối ứng là biện pháp được đưa ra có thể để tái khởi động việc phê duyệt Đạo luật Thương mại có đi có lại.
Tổng thống Mỹ có quyền nâng mức thuế quan với lý do an ninh quốc gia hoặc để trả đũa những hành vi thương mại không công bằng.
Nếu bất kỳ quốc gia nước ngoài nào áp dụng mức thuế đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất cao hơn mức thuế do nước này áp dụng, tổng thống Mỹ sẽ có thẩm quyền áp dụng mức thuế có đi có lại đối với hàng hóa của quốc gia đó.
Đến nay, khả năng áp thuế hiện chưa có thông báo chính thức, song ông Hưng cho biết với quy mô thương mại giữa hai nước, DN Việt Nam phải luôn sẵn sàng ứng phó và chủ động trong trường hợp Mỹ áp thuế đối ứng với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ trong đó có Việt Nam.
Tuy vậy, ông Hưng cho rằng chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, với vai trò là đặc phái viên của Thủ tướng, đã làm việc với các cơ quan, trong đó có cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), vào giữa tháng 3 vừa qua được đánh giá là tích cực.
Từ đó giúp hai nước tăng cường và ổn định quan hệ kinh tế, thương mại song phương trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã ký kết năm 2023.
Đáng chú ý, trong chuyến thăm, ông Diên cũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là mong muốn xây dựng mối quan hệ quan hệ kinh tế - thương mại hài hòa, bền vững, ổn định, đôi bên cùng có lợi.
Việt Nam không có ý định tạo ra bất cứ cản trở nào có thể gây phương hại đến người lao động hay an ninh kinh tế, an ninh quốc gia của Mỹ. Vì vậy, Việt Nam đang triển khai nhiều nhóm giải pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Mỹ một cách toàn diện, hài hòa và bền vững, tương xứng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hiện nay giữa hai nước.

Việt Nam cũng đã tăng cường việc nhập hàng hóa đến từ thị trường Mỹ. Trong ảnh: người dân mua hàng hóa của Mỹ trong siêu thị tại TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Ông NGUYỄN QUỐC ANH (chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM):
Không nên quá lo
Thời gian qua các doanh nghiệp ngành cao su - nhựa đã dự liệu những kịch bản sẽ xảy ra nếu Mỹ áp thuế đối ứng với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ. Trường hợp Mỹ áp thuế đối ứng với tất cả các quốc gia với một mức đồng đều thì các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng không cần quá lo ngại.
Chúng ta chỉ lo ngại khi Mỹ nhắm mục tiêu thuế quan vào các quốc gia cụ thể có thặng dư thương mại lớn với họ, chẳng hạn như Việt Nam hay Trung Quốc, Hàn Quốc...
Bởi khi nhắm vào một số quốc gia cụ thể, thuế suất đối với quốc gia đó sẽ cao hơn các quốc gia còn lại, làm hạn chế xuất khẩu của quốc gia đó mà tạo điều kiện xuất khẩu với các quốc gia khác. Còn khi áp thuế đồng loạt thì các quốc gia đều chịu ảnh hưởng như nhau.
Đối với những sản phẩm mà Mỹ không sản xuất trong nước, ví dụ như túi ni lông và lốp xe, họ vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong trường hợp tất cả các quốc gia xuất khẩu đều phải chịu mức thuế như nhau, tình hình cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể.
Lợi thế trước đây của Việt Nam trong việc xuất khẩu lốp xe sang Mỹ do mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc đã giúp Việt Nam đạt được kim ngạch xuất khẩu lốp ấn tượng - khoảng hơn 3 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, nếu Mỹ áp dụng thuế chung, lợi thế này có thể sẽ không còn nữa và đây cũng là một điều đáng tiếc.
* Ông PHẠM XUÂN HỒNG (chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM):
Tạm ổn, nhưng vẫn còn "bóng mây"
Việc Mỹ áp thuế đối ứng toàn cầu lên hàng nhập khẩu từ các nước, bao gồm cả các nước châu Á, có thể gây ra những tác động khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam hiện có lợi thế là mức thuế nhập khẩu vào Mỹ nếu có vẫn thấp hơn so với các quốc gia khác.
Đồng thời Việt Nam cũng đang có những bước ngoại giao linh hoạt, hợp tác thương mại với Mỹ và cũng không áp thuế cao đối với hàng hóa Mỹ vào Việt Nam. Do đó doanh nghiệp dệt may Việt hiện nay theo dõi sát tình hình và giữ thái độ bình tĩnh bởi đã có những dự liệu từ trước.
Tuy nhiên việc Mỹ đánh thuế cao lên tất cả các thị trường có thể làm tăng lạm phát và gây khó khăn cho thu nhập của người tiêu dùng Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến sức tiêu dùng hàng dệt may, tác động đến doanh số của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt. Nhìn chung ngành dệt may Việt Nam hiện tại "tạm ổn" nhưng trước mắt vẫn còn "bóng mây" chưa rõ về thuế quan và sức tiêu thụ của thị trường Mỹ.
Mỹ trước "Ngày giải phóng"
Ngày 2-4 là thời điểm được Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là "Ngày giải phóng" (Liberation Day). Đây là thời điểm mà rất nhiều nước trên thế giới đang hướng sự chú ý về những biện pháp thuế quan đối ứng mới mà ông dự kiến áp đặt lên tất cả các nước.
Ông Trump giải thích "2-4 là Ngày giải phóng đối với đất nước chúng ta vì cuối cùng chúng ta cũng sẽ thu được tiền". Theo Đài CNBC, đây sẽ là đợt áp thuế lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ.

Thị trường ô tô toàn cầu giờ đây đang điêu đứng khi mức thuế 25% của Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 3-4 - Ảnh: Reuters
Các nước lên kế hoạch đáp trả
Liên minh châu Âu cam kết sẽ "đáp trả kịp thời, mạnh mẽ và cân đối" với chính sách của Washington. Các chuyên gia cảnh báo rằng những chính sách thuế mới này có thể làm suy giảm sản lượng, tăng giá cả hàng hóa và châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.
Còn báo Guardian thông tin theo một khảo sát của YouGov tại các quốc gia châu Âu như Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh, đa số người dân đều ủng hộ việc đáp trả thuế đối ứng lên hàng hóa Mỹ. Tại Đức và Pháp, nơi các doanh nghiệp sản xuất ô tô và rượu vang phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ, gần 2/3 người dân tham gia khảo sát đều ủng hộ biện pháp trả đũa.
Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong cũng đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về chính sách thuế mới của Mỹ trong cuộc gặp với Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer. Trung Quốc cũng đã nhanh chóng áp thuế trả đũa 10 - 15% đối với hàng hóa của Mỹ, đồng thời tăng cường các biện pháp chống trừng phạt nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng triển khai chiến lược linh hoạt hơn bằng cách củng cố quan hệ thương mại với các quốc gia khác, mở rộng hợp tác với châu Âu và các nước châu Á nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Việt Nam cần uyển chuyển, linh hoạt
Đó là ý kiến của TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách.
Theo ông Việt, để ứng phó, Việt Nam cần chú trọng mở cửa thị trường và cải thiện những yếu tố mà phía Mỹ cho rằng Việt Nam đang bảo hộ, cạnh tranh không lành mạnh như kiểm soát tỉ giá hối đoái, tiền tệ cần minh bạch hơn, các chính sách trợ giá doanh nghiệp trong nước cần minh bạch, rõ ràng, công bằng, không gây méo mó thị trường.
Việt Nam cần học hỏi và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về điều kiện mở cửa thị trường, nhất là những lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao từ Mỹ. Làm được điều này sẽ là điểm nhấn giúp giảm thâm hụt thương mại, tạo kết nối bền vững giữa thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư từ Mỹ.
Còn ông Vũ Tú Thành, phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, thông tin Chính phủ Việt Nam đã đưa ra ba nhóm giải pháp ứng phó. Nhóm thứ nhất khẩn trương thúc đẩy các hợp đồng có giá trị giao dịch lớn với phía Mỹ.
Thứ hai, vừa rồi Bộ Tài chính cũng công bố kế hoạch giảm thuế của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Và thứ ba là tháo gỡ những rào cản còn lại (không liên quan đến thuế) với hàng nhập khẩu từ Mỹ. "Ba giải pháp này nếu được thực hiện đồng bộ sẽ thúc đẩy việc nhập khẩu hàng hóa Mỹ vào Việt Nam, qua đó cải thiện cán cân thương mại với Mỹ", ông Thành nhận định.
* Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh:
Mở cửa với dịch vụ tài chính
Bộ Thương mại Mỹ vừa ban hành báo cáo rà soát các trở ngại thương mại đối với nước Mỹ, trong đó có tám trang về Việt Nam. Báo cáo này đưa ra một số quan ngại với Việt Nam như chính sách nhập khẩu, hàng rào thuế quan, chính sách về đầu tư mà phía Mỹ quan tâm.
Trong đó, nhiều lĩnh vực thế mạnh của Mỹ khi vào Việt Nam vẫn còn những rào cản như vấn đề công nghệ thông tin, dịch vụ phim ảnh, lĩnh vực tài chính ngân hàng. Từ những quan ngại của phía Mỹ trong báo cáo này, Việt Nam cần xem lại điểm nào có thể thay đổi để ứng phó, đàm phán.
Ngoài ra, để giảm mất cân bằng thương mại với Mỹ, cần kiểm soát tốt hơn tình trạng sản phẩm của nước thứ ba gắn mác Việt Nam để xuất khẩu qua Mỹ.
BÌNH LUẬN HAY