
Sách Tiếng gọi chân trời - Ảnh: NXB Trẻ
Từ tựa đề, Tiếng gọi chân trời xoáy vào những con người buộc phải văng mình vào những cuộc đi - về, bị giằng kéo bởi quê nhà và nơi xa, đi vì những mối ràng buộc hoặc để cởi bỏ những ràng buộc.
Đó là những người trẻ ở các làng quê ngày càng thưa dần bóng dáng thanh niên, đó là những đứa con xa rời mái nhà thơ ấu, vì tự do, tương lai: "Tụi nó rậm rật đi theo tiếng gọi của bạn bè, của những đứa con trai (con gái) mà mình thầm thương nhớ, của những cơn gió mùa, của những chân trời xa xôi".
Qua trang văn Nguyễn Ngọc Tư, người đọc thấy con người không thể thôi ngóng về nơi xa, mong tìm được một mảnh trời thuộc về mình.
Có lẽ đó là bản chất của con người, dù trong hoàn cảnh nào ta cũng cất bước vì biết đâu còn vệt sáng phía chân trời.
Tập sách này cũng đặc biệt lưu tâm đến thân phận người phụ nữ. Đó là những người đã từ bỏ "đôi cánh", vùng vẫy trong mái nhà, cơ thể của mình. Họ bị ràng buộc bởi bổn phận, trách nhiệm làm vợ làm mẹ.
Chính những điều đó đóng khung con người họ, khiến họ dường như không còn là ai cả: "Đàn ông không có cánh, họ chỉ giấu cánh vợ mình"; "Chừng nào mẹ không có cánh, thì chừng ấy mẹ còn ở bên mình".
Nỗi khắc khoải về môi trường và khí hậu của một miền Tây lao khổ cũng nặng trĩu trong từng câu chữ của sách.
Đó là khi hạn mặn, thiếu nước ngày càng đe dọa con người nghiêm trọng hơn: "Cả vùng đất trọng bịnh, những triệu chứng không còn âm thầm nữa, chúng phát tác ra những bề mặt".
BÌNH LUẬN HAY