25/05/2025 18:12 GMT+7

'Thuốc bổ gan' lại không bổ được gan như nhiều người nghĩ

Một cảnh báo đáng lo ngại từ hội nghị khoa học thường niên Hội Da liễu TP.HCM: tổn thương gan do thuốc, đặc biệt từ những sản phẩm “thuốc bổ gan” chưa được kiểm chứng.

'Thuốc bổ gan' lại không bổ được gan như nhiều người nghĩ - Ảnh 1.

PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường báo cáo tại hội nghị - Ảnh: H.NGUYÊN

Ngày 25-5, hội nghị khoa học thường niên Hội Da liễu TP.HCM đã diễn ra tại TP.HCM. Tại hội nghị, PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường - trưởng khoa y Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho hay hiện nay trên thị trường bán nhiều loại "thuốc bổ gan". Tuy nhiên, theo PGS Khánh Tường, không nên lạm dụng những thuốc "bảo vệ gan" này.

Vì đến nay thiếu dữ liệu lâm sàng để chứng minh những loại thuốc "bảo vệ gan" bảo vệ được gan. Thuốc hỗ trợ gan chưa được kiểm chứng.

Chưa kể ngay cả khi sử dụng các loại thuốc "bảo vệ gan" nguy cơ tổn thương gan do thuốc vẫn tồn tại.

"Sử dụng bất cứ loại thuốc nào đều có thể bị tổn thương gan do thuốc, cho dù đó là thực phẩm chức năng, hay lá cây…

Cho dù có thuốc bảo vệ gan đi chăng nữa, gan đã muốn tổn thương sẽ tổn thương, không thể ngăn ngừa được", PGS Khánh Tường cho hay. 

Cũng theo PGS Khánh Tường, việc sử dụng thuốc, đặc biệt thuốc gan nên dựa trên chỉ định cụ thể và có sự giám sát của các bác sĩ chuyên khoa. 

Một số thuốc hạ men gan đôi khi sẽ gây tương tác thuốc hoặc che giấu những triệu chứng, làm chậm chẩn đoán và điều trị. 

Bệnh gan thường không có triệu chứng, khi có triệu chứng thường là xơ gan giai đoạn cuối hoặc suy gan cấp. 

Đã có nhiều cảnh báo của các tổ chức trên thế giới về việc sử dụng thuốc "bảo vệ gan" như: tổn thương gan do thuốc có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc nào. 

Cần loại trừ nguyên nhân khác, không khuyến nghị dùng thuốc bổ gan tùy tiện. Cảnh báo tổn thương gan do thuốc từ cả thuốc Tây và thảo dược. Không khuyến nghị dùng thực phẩm chức năng để bảo vệ gan nếu không có chỉ định.

Thực tế có nhiều ca tử vong do bệnh nhân bị suy gan cấp khi sử dụng những loại thuốc rất đơn giản, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS.BS Nguyễn Trọng Hào - chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chủ tịch Hội Da liễu TP.HCM - cho biết một số bệnh da mạn tính cần phải điều trị bằng thuốc toàn thân dài ngày làm cho người bệnh lo ngại ảnh hưởng đến gan, từ đó phát sinh nhu cầu sử dụng thuốc bổ gan.

Tuy nhiên, thuốc bổ gan cũng cần được chỉ định phù hợp với tình trạng người bệnh và thông tin kê toa đã được cấp phép. Tránh lạm dụng thuốc bổ gan không cần thiết vì gây tốn kém và tiềm ẩn những nguy cơ phản ứng thuốc.

Tổn thương gan do thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan cấp

PGS Khánh Tường cho biết tổn thương gan do thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan cấp tại Mỹ, liên quan đến hơn 1.000 loại thuốc và thảo dược.

Tổn thương gan mạn tính do thuốc chiếm khoảng 20% các trường hợp tổn thương gan do thuốc, có thể tiến triển thành xơ gan và cần ghép gan.

Bệnh nhân da liễu mãn tính thường phải sử dụng thuốc kéo dài làm tăng nguy cơ tổn thương gan, đặc biệt khi có các yếu tố nguy cơ như bệnh gan nền, tuổi cao, béo phì, tiểu đường hoặc sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc… sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến gan.

"Thuốc bổ gan" lại không bổ được gan như nhiều người nghĩ! - Ảnh 2.Người bệnh đái tháo đường có cần dùng thuốc bổ gan?

Rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường khi được hỏi đang điều trị thuốc gì thì sẽ lôi ra 1 hộp thuốc “bổ gan”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0