
Cơ địa béo phì, bé gái 10 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng, rối loạn đông máu, tổn thương gan, suy hô hấp - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 15-5, BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết vừa cứu bé gái H.N.G.H. (10 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) bị sốc sốt xuất huyết nặng, rối loạn đông máu, tổn thương gan, suy hô hấp nặng trên cơ địa béo phì (nặng 50kg, độ tuổi này khoảng 30 - 32kg).
Khai thác bệnh sử ghi nhận bé H. sốt cao liên tục 2 ngày. Đến ngày thứ 3, bé đau bụng, ói ra dịch nâu, tay chân lạnh. Người nhà đưa bé đến bệnh viện địa phương và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 3.
Bé được điều trị tích cực truyền dịch chống sốc theo phác đồ, nhưng tình trạng diễn tiến nặng hơn nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
Tại đây, bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 3, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp nặng trên cơ địa thừa cân béo phì.
Các bác sĩ truyền dịch cao phân tử, chống sốc, thở máy, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp. Tuy nhiên tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng hơn nên bé được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, điều trị hỗ trợ gan...
Kết quả qua gần 12 ngày điều trị, bé H. bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan, thận trở về bình thường.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo, vào mùa mưa, muỗi vằn sinh sôi nảy nở, bệnh sốt xuất huyết dễ tấn công trẻ em và cả người lớn. Người dân phòng bệnh bằng cách diệt muỗi, loăng quăng, ngủ mùng, dọn dẹp vật chứa, ngủ trong mùng cả vào ban ngày.
Khi thấy trẻ sốt cao trên hai ngày, có một trong các dấu hiệu: bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, đau bụng, ói, tay chân lạnh, lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống... thì cần đưa đến bệnh viện ngay.
Hiện nay đã có vắc xin tiêm ngừa sốt xuất huyết dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn.
Ngoài ra phụ huynh lưu ý cho trẻ ăn uống theo chế độ ăn hợp lý theo lứa tuổi, được tư vấn bởi chuyên gia dinh dưỡng để tránh nguy cơ dư cân béo phì. Trẻ béo phì mắc sốt xuất huyết điều trị rất khó khăn, dễ bị biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, thận…
Cảnh giác mùa dịch sốt xuất huyết bắt đầu
Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn gần đây tình hình sốt xuất huyết trên thế giới tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Còn ở nước ta hiện đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số ca mắc hằng năm có xu hướng tăng cao nhất từ tháng 5 đến 11.
Ngay cả trong mùa khô, số ca mắc vẫn có xu hướng gia tăng, cho thấy sự thích ứng và lây lan khó kiểm soát của vi rút Dengue.
Tại TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết từ ngày 5 đến 11-5, TP ghi nhận 256 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 5,4% so với trung bình 4 tuần trước. Tuy nhiên tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2025 đến tuần 19 là 7.398 ca, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2024.
Các chuyên gia y tế nhận định biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những nguyên nhân sâu xa làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trong năm 2025.
Biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, cùng với sự nóng lên toàn cầu khiến gia tăng độ ẩm và nhiệt độ, tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi vằn sinh sôi mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận