
Những kỳ vọng nghề nghiệp cao đang khiến nhiều bạn gen Z rơi vào khủng hoảng cảm xúc trong quá trình tìm việc - Ảnh do AI tạo
Vốn dĩ gen Z được đánh giá cao nhờ đặt ra chuẩn mực tích cực như xây dựng văn hóa làm việc lành mạnh, hỗ trợ người đi trước và theo đuổi các công việc tự do. Song chính những kỳ vọng nghề nghiệp cao giờ đây khiến nhiều người trẻ rơi vào khủng hoảng cảm xúc trong quá trình tìm việc.
Làm việc là trải nghiệm sống
Andy Kurtzig - CEO của Pearl.com, dịch vụ cho phép người dùng đặt câu hỏi và nhận câu trả lời trực tuyến có tính phí từ các chuyên gia - nói gen Z tận dụng AI để trở thành những "solopreneur" (tạm dịch: doanh nhân độc lập).
Một khảo sát toàn quốc tại Mỹ cho thấy sinh viên gen Z đặt tiêu chuẩn cao khi tìm việc. 40% nói môi trường độc hại là điều không thể chấp nhận, 27% không chấp nhận tình trạng thiếu minh bạch tài chính hoặc lương thấp.
Họ mong muốn mức lương tốt nhưng cũng ưu tiên sự cân bằng công việc và cuộc sống, ý nghĩa công việc, giờ làm linh hoạt và sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên có vẻ như thị trường lao động năm 2025 không đáp ứng được những điều đó.
"Gen Z không chỉ đang tìm việc, họ đang chọn trải nghiệm sống" - Mina Ozdemir, phụ trách truyền thông của trang dạy học trực tuyến Superprof, nhận định và nói thêm: "Họ muốn công việc phù hợp với giá trị cá nhân, tạo cơ hội phát triển và không khiến họ kiệt sức. Nếu không "rung cảm", họ sẽ rời đi".
Quy trình tuyển dụng có lỗi thời?
Michael Baynes, CEO của Clarify Capital, cho rằng vấn đề không phải do tiêu chuẩn của gen Z quá cao mà do hệ thống tuyển dụng hiện tại quá lỗi thời. Quy trình tuyển dụng năm 2025 trở nên kém hiệu quả và khó tiếp cận. Tin tuyển dụng giả, phản hồi tự động và yêu cầu trả phí để ứng tuyển khiến nhiều người bỏ cuộc trước cả khi nộp hồ sơ.
Ông nói thêm quy trình phỏng vấn nhiều vòng, lọc bằng AI và chi phí cao khiến công việc đầu đời của gen Z giờ trở nên xa xỉ. "Với gần 90% không có tiết kiệm và một nửa không nhận được lời mời, vấn đề tìm việc hiện nay vừa không bền vững tài chính vừa gây tổn thương tinh thần", Baynes nhấn mạnh.
Trong khi đó Joseph Semrai, CEO của công ty cung cấp dữ liệu và phân tích Context, cho biết AI đang khiến cơ hội cho sinh viên mới ra trường càng ít đi do các vị trí sơ cấp dần biến mất. Ông kêu gọi các công ty cần tái cấu trúc các vị trí đầu vào để không đẩy gen Z ra rìa.
"AI đang thay đổi cục diện của công việc đầu đời giống như robot từng thay đổi ngành sản xuất. Những việc như xử lý dữ liệu cơ bản, soạn tài liệu, lập trình sơ cấp đang bị tự động hóa khiến gen Z khó có cơ hội rèn kỹ năng nền tảng", Semrai nói.
Giải pháp không phải là hạn chế AI mà là tái thiết kế cách đào tạo và học việc. Semrai cho rằng thế hệ trẻ nên tiếp cận sâu AI, kiểm tra logic đằng sau các quyết định tự động, chất vấn các giả định và học cách điều chỉnh kết quả.
Nghiên cứu từ Trường kinh doanh MIT Sloan cũng cho thấy nhân sự sơ cấp học được nhiều nhất khi tương tác chủ động với AI chứ không chỉ sử dụng kết quả.
Kỳ vọng cao liệu có phản tác dụng? Một khảo sát của Clarify Capital với 1.000 người cho thấy gen Z đang trả giá về mặt cảm xúc và tài chính trong một hệ thống tuyển dụng không ổn định. Đó là chi phí sinh hoạt tăng, không có quỹ dự phòng và phải đối mặt với các quảng cáo việc làm giả, tuyển dụng chạy theo KPI thay vì chất lượng ứng viên.
Kết quả, 60% bỏ cuộc giữa quá trình nộp đơn vì quá mệt mỏi hoặc không đủ chi phí để ứng tuyển, 49% không nhận được bất kỳ lời mời nào dù đã nộp hàng chục hồ sơ, 46% vướng vào lừa đảo tuyển dụng, 87% không có khoản tiết kiệm cho quá trình tìm việc. Chỉ 18% tìm được việc, đa số rơi vào trạng thái kiệt sức.
BÌNH LUẬN HAY