
Sữa bột được người dân sử dụng với mong muốn bổ sung dinh dưỡng cho người già, trẻ nhỏ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Sản phẩm bổ sung vi chất, dinh dưỡng cho trẻ nhỏ liên tục bị làm giả.
Mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Hàng giả bổ sung vi chất, dinh dưỡng
Ngoài sữa giả, thuốc giả, mới đây cơ quan công an lại tiếp tục phát hiện thêm công ty sản xuất sản phẩm bổ sung vi chất, dinh dưỡng cho trẻ nhỏ bị làm giả. Hai sản phẩm trong số 200 sản phẩm mà công ty này sản xuất được xác định làm giả giấy kiểm nghiệm.
Baby Shark - một trong những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty TNHH công nghệ Herbitech sản xuất, với công dụng được công bố là bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ từ sơ sinh bị gầy yếu, đề kháng kém, biếng ăn.
Tuy nhiên kết quả điều tra cho thấy cơ quan giám định đã xác định sản phẩm này là hàng giả.
Theo điều tra của công an, từ năm 2016 nhóm làm hàng giả này đã thành lập, điều hành nhiều công ty để hợp thức hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến sản xuất, đóng gói bao bì, tiêu thụ trên thị trường.
Cảnh sát xác định nhóm sử dụng thủ đoạn in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu... nhưng trên thực tế chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, mua trôi nổi trên thị trường. Người tiêu dùng mà nhóm này nhắm tới bán sản phẩm chủ yếu là người già, trẻ em.
Còn tại Thanh Hóa, công an cũng triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả. Trong đó có 4 sản phẩm làm giả loại thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép. Các loại thuốc này là thuốc kháng sinh, thuốc dùng cho trẻ mắc bệnh lý đường hô hấp.
Tất cả những sản phẩm giả có điểm chung là nhắm tới trẻ nhỏ, người bệnh để tiêu thụ.
Hơn 3 tuần sau khi đường dây sữa giả bị triệt phá, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là các bà mẹ và người thân của người bệnh đã từng sử dụng các sản phẩm vẫn chưa hết bàng hoàng, bức xúc.
Đến nay các sản phẩm được kỳ vọng bổ sung dinh dưỡng, nâng cao đề kháng cho trẻ nhỏ, người bệnh lại tiếp tục được phát hiện là hàng giả.
Nhắm vào nhóm yếu thế
Bị mất sữa sau khi sinh con, chị N.V. (Lào Cai) đã phải cho con dùng sữa ngoài từ lúc mới sinh ra. Được sự tư vấn của cửa hàng bán sữa "với công dụng tăng đề kháng, tăng cân, nhiều dinh dưỡng, được nhiều mẹ tin dùng", chị V. đã lựa chọn sản phẩm bị giả mà không nghi ngờ.
Dù con uống sữa, được chăm sóc kỹ càng, con chị vẫn liên tục bệnh, thiếu máu, thiếu chất, suy nhược cơ thể.
"Con tôi sinh ra khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác. Chỉ đến khi đường dây sản xuất sữa giả bị triệt phá, tôi mới biết hóa ra hơn năm nay con tôi đã dùng sữa giả do các công ty này sản xuất", chị V. nói.
Còn chị T.O. (Bắc Kạn) vào những tháng cuối thai kỳ cũng đã mua sẵn sữa bột cho con dùng ngay khi chào đời. Chị cũng cẩn thận lựa chọn sản phẩm để đảm bảo an toàn cho bé. Khi đến bệnh viện, chị O. được nhân viên y tế tư vấn mua sữa Hapomil cho trẻ nhỏ nên đã mua về sử dụng.
Khi đọc thông tin về đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa giả với số lượng lớn lên tới 500 tỉ đồng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, chị O. phát hiện hộp sữa Hapomil cũng là sữa do các công ty này sản xuất. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cũng đã có thông báo dừng tư vấn, hỗ trợ khách hàng hoàn trả sản phẩm.
Thế nhưng điều các bà mẹ này lo lắng nhất là thành phần trong sữa có chất gây hại cho sức khỏe con mình không. Sau vụ việc, không ít người chia sẻ đã từng cho người thân vừa phẫu thuật, đang điều trị bệnh uống các loại sữa trong đường dây này.
Nhẫn tâm kiếm lời trên sức khỏe người dân
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Hoàn (34 tuổi, Hà Nội) nói: "Tâm lý của mọi người là luôn dành những thứ tốt nhất cho con cháu và người ốm đau. Có lẽ lợi dụng tâm lý này nên những công ty làm hàng giả mới nhắm vào đó để sản xuất những mặt hàng dễ bán - lời cao như vậy. Họ bất chấp vì thu lợi nhuận mà kinh doanh trên sức khỏe người dân".
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng), cho rằng những sản phẩm dinh dưỡng bị làm giả khiến sức khỏe người dùng bị đe dọa. Những sản phẩm dinh dưỡng vốn là yếu tố giúp người bệnh phục hồi sau ca mổ, hóa trị, bởi vậy khi thành phần dinh dưỡng không đạt có thể khiến bệnh nhân chậm phục hồi, thậm chí suy kiệt.
"Bên cạnh đó tổn thương tâm lý khi dùng sản phẩm giả, gây hoang mang, lo lắng kéo dài. Thậm chí mất niềm tin vào hệ thống y tế, các sản phẩm trong nước", bác sĩ Hoàng nhận định và cho rằng vụ sữa giả không chỉ là lỗi cá biệt của một doanh nghiệp hay vấn đề ở một bệnh viện.
Khi người dân mất niềm tin vào sự an toàn trong chính bệnh viện thì thiệt hại không chỉ là kinh tế hay sức khỏe, mà còn là một sự mất mát về lòng tin, đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại một cách nghiêm túc và quyết liệt.
Ai bảo vệ người tiêu dùng?
Đến nay chưa ai quan tâm giải quyết vấn đề người tiêu dùng chịu ảnh hưởng ra sao, phải làm gì sau khi sử dụng những loại sữa giả này. Họ tiếp tục chờ đợi hướng dẫn của cơ quan chức năng trong lo lắng.
Quy định đang tạo điều kiện thông thoáng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhưng đang tạo "môi trường" cho các doanh nghiệp đưa các sản phẩm giả ra thị trường.
Nghị định 15 về quản lý các sản phẩm này đang được sửa đổi và đã đến lúc siết chặt quản lý những sản phẩm này, để không còn cơ hội cho các doanh nghiệp "kiếm lời" bất chấp trên sức khỏe người dân.
Không thể chỉ dựa vào ý thức "tự giác" của doanh nghiệp

Sữa được bán tràn lan khắp nơi, len vô bệnh viện và các cửa hàng - Ảnh: CHÍ TUỆ
Sau những vụ việc vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc không thể dựa vào ý thức tự giác của doanh nghiệp trong việc kinh doanh, sản xuất các sản phẩm thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe như hiện nay.
Thực tế sau vụ sữa giả đã cho thấy lỗ hổng trong hậu kiểm các sản phẩm này. Tại Hòa Bình, nơi các công ty đăng ký công bố, tự công bố hơn 300 sản phẩm, trong 3 năm địa phương chưa hậu kiểm được bất kỳ sản phẩm nào. Nguyên nhân là do "không có sản phẩm trên địa bàn, không có phản ảnh về sản phẩm" nên không thể hậu kiểm.
Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đăng ký công bố hơn 200 sản phẩm cũng chưa phát hiện sai phạm dù đã tiến hành hậu kiểm tại một công ty vì "sản phẩm đã bán hết, không còn lưu kho".
Không chỉ không thể hậu kiểm, Công ty TNHH công nghệ Herbitech (Hà Nội) vừa bị cơ quan công an làm rõ vi phạm làm giả hồ sơ kiểm nghiệm, nghĩa là làm giả ngay từ bước đầu tiên khi chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường.
Sản phẩm đưa ra thị trường không đúng như công bố hay sản phẩm không đạt chuẩn cũng được "sửa" thành đạt chuẩn để qua mắt lực lượng chức năng. Những doanh nghiệp tìm đủ "ngách" để đưa những sản phẩm ra thị trường mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trong khi đó, theo nghị định 15, hiện nay những sản phẩm thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, các công ty được đăng ký công bố sản phẩm và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường.
BÌNH LUẬN HAY