
Cầu Hàm Rồng, TP Thanh Hóa hôm nay. Địa danh Hàm Rồng được đặt tên cho một phường sau sắp xếp đơn vị hành chính đợt này - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Sáng 19-4, Thành ủy TP Thanh Hóa triển khai sắp xếp đơn vị hành chính với dự kiến tên gọi 7 phường sau sắp xếp là Hạc Thành 1, Hạc Thành 2, Hạc Thành 3, Hạc Thành 4, Đông Sơn 1, Đông Sơn 2 và Đông Sơn 3.
Tuy nhiên thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Ban Thường vụ thành ủy TP Thanh Hóa đã nghiên cứu kỹ, thận trọng trên cơ sở các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương và đề nghị đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp trên địa bàn thành phố gồm 7 phường sau:
Thành lập phường Hạc Thành trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường: Trường Thi, Phú Sơn, Điện Biên, Lam Sơn, Ba Đình, Ngọc Trạo, Đông Sơn, Đông Hương, Đông Hải và điều chỉnh địa giới hành chính phường Đông Vệ (từ đường Võ Nguyên Giáp về phía Bắc), phường Đông Thọ (từ đường Lý Thiên Bảo - sông Hạc về phía Nam).
Thành lập phường Quảng Phú trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường: Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Thành, Quảng Đông, Quảng Thịnh và điều chỉnh địa giới hành chính phường Quảng Cát (từ đường Nguyễn Doãn Chấp về phía Tây), phường Đông Vệ (từ đường Võ Nguyên Giáp về phía Nam).
Thành lập phường Đông Sơn trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã, phường: Rừng Thông, Đông Thịnh, Đông Tân, Đông Hòa, Đông Minh, Đông Hoàng, Đông Khê và Đông Ninh.
Thành lập phường Đông Quang trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã, phường: An Hưng, Quảng Thắng, Đông Vinh, Đông Quang, Đông Yên, Đông Văn, Đông Phú và Đông Nam.
Thành lập phường Đông Tiến trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã, phường: Đông Lĩnh, Đông Tiến, Đông Thanh, Tân Châu (huyện Thiệu Hóa), Thiệu Giao (huyện Thiệu Hóa), Thiệu Khánh và Thiệu Vân.
Thành lập phường Hàm Rồng trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường: Thiệu Dương, Đông Cương, Hàm Rồng, Nam Ngạn và điều chỉnh địa giới hành chính phường Đông Thọ (từ đường Lý Thiên Bảo - Sông Hạc về phía Bắc).
Thành lập phường Nguyệt Viên trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường: Tào Xuyên, Long Anh, Hoằng Quang, Hoằng Đại.
Địa danh Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
Cách đây hơn 220 năm (1804), sau kỳ ra Bắc lần đầu, vua Gia Long đã chọn được địa thế thuận lợi định vị đô thành tỉnh lỵ Thanh Hóa. Ông cho dời trấn thành Thanh Hoa từ làng Dương Xá (nay là phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) về làng Thọ Hạc (nay là TP Thanh Hóa) gọi là Hạc Thành.
Hạc Thành là đất "thông địa", bốn phương tám hướng đều có đường thủy, bộ đi lại thuận tiện, tốt cho việc xây thành, đóng đinh, dựng trại.
Sau khi cho dời trấn thành, năm 1804 vua Gia Long cho dời lăng miếu nhà Lê ở Thăng Long về Thanh Hóa. Năm 1805 cho dựng nhà học và năm 1807 cho lập trường thi hương ở Thọ Hạc.
Ngày nay, dấu ấn của Hạc Thành xưa là các địa điểm lâu đời ở TP Thanh Hóa như Bến Ngự, cửa Tả, cửa Hữu, Thọ Hạc, Hạc Thành, Cốc Hạ, Hàng Đồng, Hàng Than...
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, ngoài TP Thanh Hóa, 25 huyện, thị xã, TP còn lại của tỉnh Thanh Hóa cũng đang triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Trong đó tất cả các địa phương đều lấy địa danh gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử vùng miền để đặt tên cho xã mới sau sắp xếp.
Các địa phương đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong ngày 21 và 22-4 để tổng hợp, báo cáo cấp trên.
BÌNH LUẬN HAY