
Cán bộ phòng cảnh sát giao thông giám sát hệ thống camera xử lý phạt nguội - Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN
Thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Quốc hội chiều 16-5, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk - đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy lên tới 200 triệu đồng
Vì sao phải tăng mức phạt vi phạm giao thông đến 200 triệu đồng là câu hỏi được rất nhiều người dân quan tâm.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Tâm, Đoàn luật sư TP.HCM, chia sẻ ý kiến xung quanh vấn đề này.
Mức phạt vi phạm giao thông đã cao hơn nhiều lần
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 phân biệt mức phạt tiền tối đa giữa lĩnh vực giao thông đường bộ với đường sắt, đường thủy.
Đối với giao thông đường bộ là 40 triệu đồng, còn đối với giao thông đường sắt, đường thủy là 75 triệu đồng.
Đến năm 2020, qua 5 lần sửa đổi, bổ sung thì luật này mới quy định mức phạt tối đa bằng nhau đối với cả giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Theo đó, nếu nghị định 100/2019 chỉ quy định mức phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm giao thông đường bộ là 40 triệu đồng thì nghị định 123/2021 nâng lên thành 75 triệu đồng và hiện tại nghị định 168/2024 giữ nguyên mức 75 triệu đồng.
Điều đáng lưu ý là tuy có cùng mức phạt tối đa nhưng mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm của nghị định 168/2024 cao hơn nhiều lần so với nghị định cũ.
Đơn cử, đối với xe máy, lỗi vượt đèn đỏ từ mức 800.000 - 1 triệu đồng thì nay là 4-6 triệu đồng.
Vi phạm về nồng độ cồn từ mức tối đa là 8 triệu đồng thì nay là 10 triệu đồng.
Lỗi chạy vào đường cao tốc từ 2-3 triệu đồng thì nay là 4-6 triệu đồng…
Đối với ô tô, lỗi mở cửa xe, để mở cửa xe không bảo đảm an toàn có mức phạt tăng 36-50 lần so với quy định cũ (trước đây mức phạt là 400.000 - 600.000 đồng, nay nếu không gây tai nạn giao thông mức phạt là 4-6 triệu đồng, nếu có gây tai nạn giao thông mức phạt lên đến 20-22 triệu đồng).
Hay lỗi vượt đèn đỏ từ 4-6 triệu đồng thì nay là 18-20 triệu đồng; lỗi chạy ngược chiều hay lùi xe trên đường cao tốc từ mức 16-18 triệu đồng thì nay là 30-40 triệu đồng…
Chưa kể tương ứng với nhiều quy định mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì nghị định 168/2024 cũng quy định nhiều hình thức chế tài mới như trừ điểm giấy phép lái xe.
Cụ thể giấy phép lái xe có 12 điểm, số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chẳng hạn ô tô vượt đèn đỏ hay người lái xe dùng tay cầm và sử dụng điện thoại khi đang lái xe ngoài việc đóng phạt còn bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe; lái xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h bị trừ 6 điểm.
Hay lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/lít khí thở bị trừ 10 điểm…
Nếu bị trừ hết điểm thì không được phép lái xe trong thời hạn 6 tháng.
Sau đó muốn được phục hồi đủ 12 điểm thì cá nhân phải đạt yêu cầu kỳ kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định.
Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông gần 3 lần, có thêm tính răn đe?
Chính vì cách thức xử phạt nghiêm khắc nêu trên mà theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, sau 3 tháng đầu thực hiện nghị định 168/2024, số vi phạm giao thông đường bộ giảm được gần 1/3 so với cùng kỳ.
Vậy nay có nên tăng mức tối đa 75 triệu đồng thành 200 triệu đồng để có thêm sự răn đe như ý kiến của một đại biểu Quốc hội?
Thiết nghĩ các đề xuất thay đổi đều cần có căn cứ cụ thể, xác đáng để có sự thuyết phục, tránh cảm tính, chủ quan.
Khi nghị định 168/2024 đang được thực thi hiệu quả thì các dự kiến nâng mức phạt tối đa cao hơn nữa chỉ nên được đặt ra khi thực sự cần thiết và phải bảo đảm được tính khả thi, phù hợp với thu nhập của người dân và mức chịu đựng của số đông người vi phạm.
BÌNH LUẬN HAY