09/02/2025 11:24 GMT+7

Hà Nội nên cân nhắc đề xuất tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông

Luật sư và chuyên gia giao thông cho rằng dù có cơ sở pháp lý nhưng Hà Nội nên cân nhắc khi quyết định tăng nặng mức xử phạt vi phạm giao thông.

Hà Nội nên cân nhắc đề xuất tăng nặng mức xử phạt vi phạm giao thông - Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông xử phạt lỗi vượt đèn đỏ (không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu) - Ảnh: HỒNG QUANG

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về tờ trình dự thảo nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Thành phố dự kiến nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với nghị định 168 với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thời hạn áp dụng từ tháng 7-2025. Một số hành vi có thể bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng.

Theo UBND TP Hà Nội, việc điều chỉnh mức phạt tập trung vào ba nhóm hành vi chính: Các vi phạm phổ biến, diễn ra hằng ngày, ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen của người dân và mỹ quan đô thị.

Các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc. Các vi phạm gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng và kết cấu hạ tầng giao thông.

Mục đích được đưa ra đối với đề xuất này là nhằm kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông.

Cân nhắc thời điểm tăng mức phạt

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay khi Chính phủ tăng mức xử phạt tại nghị định 168, đa số ý kiến cho rằng mức xử phạt như vậy đã rất nghiêm khắc, nhất là với các hành vi vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, chuyển làn sai, vi phạm nồng độ cồn...

Dù chưa có sơ kết đánh giá thực tiễn, tuy nhiên thời gian qua việc thực hiện nghị định này đã đảm bảo tính hiệu lực hiệu quả, góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông và giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, nhất là trong dịp Tết.

"Đa phần ý kiến của người dân cho rằng mức xử phạt như vậy là rất nghiêm khắc, đã tác động mạnh đến ý thức của người tham gia giao thông.

Do vậy nếu có địa phương vẫn tiếp tục đề xuất điều chỉnh văn bản dựa trên chính sách đặc thù để tăng mức xử phạt cao hơn mức nghị định 168 ở thời điểm này có vẻ chưa thực sự cần thiết", luật sư Cường nói.

Luật sư Cường phân tích về lý, căn cứ vào Luật Thủ đô thì Hà Nội hoàn toàn có cơ sở pháp lý để xem xét tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cao hơn so với quy định tại nghị định 168/2024. Việc tăng này chỉ cần không vượt quá khung mà quy định của pháp luật cho phép.

Song ông Cường cho rằng cần cân nhắc thời điểm tăng mức xử phạt cũng như tính khả thi của quy định mới khi tăng mức xử phạt, đảm bảo hiệu lực hiệu quả trong việc áp dụng các văn bản pháp luật.

Bởi theo luật sư Cường, mỗi văn bản quy phạm pháp luật sẽ có những tác động trực tiếp đến xã hội, đặc biệt là các văn bản về giao thông đường bộ có thể tác động đối với mọi chủ thể trong xã hội.

Trong khi với nhiều người, việc tham gia giao thông là hoạt động mưu sinh. Nếu không may bị xử phạt vi phạm hành chính với mức cao vượt quá khả năng nộp phạt của họ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế, thậm chí là hạnh phúc gia đình và vấn đề mưu sinh.

"Việc tăng mức xử phạt theo mỗi giai đoạn là cần thiết, nhưng mức tăng cũng phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hiệu lực hiệu quả trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông nói riêng và trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nói chung chỉ có thể hợp lý nếu như mức xử phạt cũ không còn phù hợp, không đủ sức răn đe. Hoặc mức xử phạt cũ không đảm bảo yếu tố giáo dục ý thức chấp hành pháp luật.

Còn nếu mức xử phạt trong văn bản của Chính phủ đã phù hợp, đảm bảo hiệu lực hiệu quả và có tính răn đe mạnh mẽ thì Hà Nội nên cân nhắc chưa tăng mức xử phạt dù pháp luật cho phép", luật sư Cường nêu quan điểm.

Chỉ nên chọn những hành vi vi phạm đặc biệt

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng ông rất ủng hộ đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông của Hà Nội.

Việc này là cần thiết trong điều kiện thực trạng giao thông phức tạp của Hà Nội hiện nay và có cơ sở pháp lý từ Luật Thủ đô.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng bày tỏ băn khoăn trước việc Hà Nội đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5-2 lần với 107 hành vi.

Ông Thanh nêu quan điểm nên cân nhắc kỹ, không nên xử phạt tràn lan mà cần chọn những hành vi vi phạm đặc biệt như cố tình cơi nới thành thùng, chở quá tải, chạy quá tốc độ, uống rượu bia vi phạm nồng độ cồn khi lái xe…

Hoặc các hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khác.

Hà Nội nên cân nhắc đề xuất tăng nặng mức xử phạt vi phạm giao thông - Ảnh 3.Vi phạm luật giao thông: Lỗi nào nên tăng mức phạt?

Dư luận đang có hai luồng ý kiến xoay quanh đề xuất của chính quyền TP Hà Nội, về việc nâng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm, trong lĩnh vực giao thông đường bộ so với nghị định 168.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên