12/05/2025 17:35 GMT+7

Sáp nhập tỉnh và câu chuyện chỗ ở, đi lại của cán bộ tỉnh An Giang

Chiều 12-5, Thường trực UBND tỉnh Kiên Giang và An Giang đã có buổi trao đổi về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn sau sáp nhập đơn vị cấp tỉnh.

Sáp nhập tỉnh và câu chuyện chỗ ở, đi lại của cán bộ tỉnh An Giang - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị trao đổi sáp nhập giữa hai tỉnh An Giang và Kiên Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Bàn chuyện hợp nhất tỉnh trước ngày 15-6

Tại hội nghị, ông Hồ Văn Mừng - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - khẳng định buổi gặp gỡ này có ý nghĩa quan trọng trong việc hợp nhất hai tỉnh Kiên Giang và An Giang.

Ban thường vụ hai tỉnh đã thống nhất sẽ có 14 sở, ngành sau sáp nhập thành tỉnh An Giang. Việc này các sở phải trao đổi và hợp nhất với nhau. Nhiệm vụ này phải hoàn thành trong tháng 5.

Ông Mừng đề nghị thống nhất số liệu kinh tế - xã hội, kịch bản tăng trưởng hai địa phương. Hợp nhất số liệu và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ quan trọng. Đề án bộ máy chính quyền cấp xã cần đồng bộ sau sáp nhập.

“Vấn đề chỗ ở, phương tiện đi lại cần tính toán ngay. Ai đi, ở đâu, kinh phí hỗ trợ thế nào? Việc này cần tính toán sớm để trình HĐND tỉnh. Cần tính toán chi phí đi lại theo km, HĐND tỉnh sẽ quyết định. Việc này không chỉ áp dụng cho người An Giang sang Kiên Giang mà ngược lại cũng vậy”, ông Mừng nêu vấn đề.

Sáp nhập tỉnh và câu chuyện chỗ ở, đi lại của cán bộ tỉnh An Giang - Ảnh 2.

Ông Hồ Văn Mừng, chủ tịch UBND tỉnh An Giang, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: BỬU ĐẤU

Khoán công tác phí hay nhà công vụ?

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - khẳng định việc nhập tỉnh An Giang và Kiên Giang sẽ trở thành tỉnh lớn nhất vùng ĐBSCL, có nhiều tiềm năng, phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch.

Quy mô kinh tế của hai tỉnh cũng rất lớn. Ông Nhàn đề nghị các sở, ngành căn cứ vào kế hoạch cố gắng hoàn thành sớm theo đề án. 

Đặc biệt, Kiên Giang sẽ tính toán lại chỗ làm việc, bao nhiêu cán bộ qua làm việc, bao nhiêu cán bộ đi và ở lại. Việc này sẽ được Kiên Giang bàn bạc thống nhất với An Giang để chuẩn bị trước khi đưa vào vận hành.

“Hợp nhất ảnh hưởng lớn đến trụ sở làm việc các sở, ngành. Việc rà soát tài sản, phương án sử dụng trụ sở đang được hai tỉnh hoàn thiện.

Sở Xây dựng đang tính toán phương tiện giao thông công cộng đảm bảo việc đi lại của cán bộ giữa An Giang và Kiên Giang. Nhà công vụ hiện có nhưng cần xem xét nhu cầu thực tế”, ông Nhàn nói.

Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Kiên Giang Nguyễn Hoàng Thông trình bày kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh sau hợp nhất.

Theo đó, tổ giúp việc số 1 xây dựng các đề án, bao gồm: sáp nhập đài phát thanh - truyền hình và báo Đảng của hai tỉnh; sắp xếp bộ máy các cơ quan chuyên môn, hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh An Giang (sau hợp nhất); sắp xếp Thanh tra tỉnh, HĐND tỉnh An Giang và chính quyền địa phương cấp xã.

Đề án phải hoàn thành trước ngày 15-6.

Sáp nhập tỉnh và câu chuyện đi lại của cán bộ tỉnh An Giang - Ảnh 5.Kiên Giang thông qua 2 đề án sáp nhập thành tỉnh An Giang

HĐND tỉnh Kiên Giang và An Giang đã chính thức thông qua 2 đề án sáp nhập tỉnh An Giang và Kiên Giang lấy tên gọi là tỉnh An Giang có diện tích, dân số lớn nhất ĐBSCL hơn 4,9 triệu người. Đáng chú ý có 3 đặc khu: Phú Quốc, Kiên Hải và Thổ Châu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0