
Một góc đô thị biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - Ảnh: TẤN LỰC
Trong lịch sử, các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có nhiều lần tách nhập, nhưng lần này dư luận mong chờ một làn gió mới trong phương án sáp nhập.
Phát huy hiệu quả hơn lợi thế của từng vùng
Trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước khi sắp xếp lại tỉnh thành, tạo không gian phát triển mới, ông Vũ Hoàng Hà - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định - có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.
Ông Hà nói cá nhân hoàn toàn tán đồng việc sáp nhập tỉnh thành. Trong trường hợp cụ thể của tỉnh Bình Định, nhìn quanh trong số 3 "hàng xóm" Quảng Ngãi, Phú Yên và Gia Lai, việc nhập vào với Gia Lai có thể coi là sáng cửa hơn, dù trước đây Bình Định từng nhập với Quảng Ngãi thành tỉnh Nghĩa Bình.
Theo ông Hà, nếu nhập Bình Định với Gia Lai sẽ mở ra cơ hội phát triển rất mạnh mẽ cho tỉnh mới. Ông có nhận định đó bởi khu vực Tây Nguyên và duyên hải có những đặc trưng, thế mạnh riêng, khi kết hợp lại sẽ cùng nâng đỡ nhau phát triển và bổ sung cho nhau những điểm khuyết.
Cụ thể Bình Định có lợi thế về công nghiệp và du lịch, thương mại - dịch vụ, hạ tầng giao thông, cảng biển quốc tế. Trong khi đó thế mạnh của Gia Lai là nguồn lực đất đai rộng lớn, phì nhiêu cùng lợi thế trong phát triển các loại cây công nghiệp, cây nông nghiệp chủ lực, rau màu và chăn nuôi.
Việc kết hợp hai địa phương sẽ kết nối xuyên suốt hành lang kinh tế Đông - Tây từ cửa khẩu Lệ Thanh nối Campuchia kéo dài tới cảng Quy Nhơn, tạo thành trục phát triển mới cho khu vực. Điều này cũng tương tự nếu sáp nhập các tỉnh khác trong vùng như Quảng Ngãi - Kon Tum, Đắk Lắk - Phú Yên…
"Đây là những lợi thế đặc biệt và không thể xuất hiện nếu các địa phương giữ tư duy sáp nhập theo cách cũ như từng làm trước đây", ông Hà đưa ra nhận định.

Quốc lộ 19 là tuyến giao thông huyết mạch nối Bình Định và Gia Lai - Ảnh: TẤN LỰC
Dù vậy, để ý tưởng sáp nhập này phát huy được hiệu quả, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng điều kiện tiên quyết là đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông và áp dụng quản lý, điều hành xã hội bằng công nghệ số.
Trung ương cần ưu tiên tập trung nguồn lực khởi công và hoàn thành sớm các tuyến cao tốc nối Tây Nguyên và duyên hải như Quy Nhơn và Pleiku, Quảng Ngãi - Kon Tum…
Định hướng kết hợp Đông - Tây là phương án khả quan
Còn ông Huỳnh Thành - nguyên phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, nguyên ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - cho hay qua theo dõi thông tin về sáp nhập tỉnh thành, ông thấy có nhiều luồng ý kiến, nhưng phần đông là ủng hộ chủ trương của Đảng và bản thân ông cũng ủng hộ.

Đô thị Pleiku - thành phố lớn thứ 2 tại khu vực Tây Nguyên - Ảnh: TẤN LỰC
Theo ông Thành, trước đây các tỉnh Tây Nguyên có nhiều lần tách nhập, như Gia Lai - Kon Tum, Đắk Lắk - Đắk Nông. Nhìn chung, việc sáp nhập các tỉnh trong vùng Tây Nguyên chưa mang lại động lực phát triển mới và sự tăng trưởng rõ rệt về kinh tế bởi điều kiện tương đồng, khó khăn như nhau, mà nói như lời ông Thành là "cùng ôm nhau kêu khổ"!
Đến nay, nhiều tỉnh Tây Nguyên chưa tự cân đối được ngân sách, phải nhờ nguồn hỗ trợ từ Trung ương. Từ đó dẫn tới khó khăn trong việc dành nguồn lực đầu tư phát triển, kinh tế khó bứt phá.
Trong bối cảnh lần sáp nhập này, ông Thành cho rằng định hướng kết hợp Đông - Tây, nhập tỉnh miền núi và tỉnh ven biển có thể xem là một phương án khả quan, tạo ra dư địa và không gian phát triển mới cho vùng Tây Nguyên. Việc kết hợp này không những thay đổi về địa giới mà còn thay đổi về con người, tư duy phát triển.
BÌNH LUẬN HAY