
Nhu cầu thị trường bán dẫn đang rất lớn, theo các chuyên gia - Ảnh: REUTERS
Nhiều chuyên gia đã có những hiến kế thiết thực về phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, trong lễ chuyển giao chương trình đào tạo ngành công nghệ chất bán dẫn giữa Trường CĐ Quốc tế TP.HCM và ĐH Đại Diệp (Đài Loan).
Đầu tư bán dẫn hàng triệu USD
TS Lý Thanh Hoa - viện trưởng Viện Công nghệ, chịu trách nhiệm ngành bán dẫn ĐH Đại Diệp (Đài Loan) - nhận định trong bối cảnh bán dẫn đang được xem là ngành công nghiệp chiến lược toàn cầu, nhiều quốc gia cũng đã bắt đầu xây dựng những chương trình đào tạo đầu tiên để đáp ứng nhu cầu nhân lực.
"Hiện nhu cầu nguồn nhân lực ngành bán dẫn đang rất lớn", ông Hoa nhận định. Tuy nhiên để ngành đào tạo này thật sự phát triển, vẫn còn nhiều rào cản lớn cần được tháo gỡ.
Chẳng hạn không giống các ngành lý thuyết, đào tạo bán dẫn đòi hỏi giảng viên phải vừa giỏi chuyên môn vừa hiểu rõ quy trình sản xuất thực tế.
Tuy nhiên đây lại là nguồn nhân lực rất hiếm tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt ở bậc cao đẳng - trung cấp, nơi đào tạo thiên về thực hành, việc tìm được người "vừa giảng được - vừa làm được" càng khó khăn.
TS Lý Thanh Hoa cho rằng một rào cản khác là chi phí đầu tư thiết bị. Các máy móc phục vụ sản xuất chip đều có giá từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD.
Nhiều trường đại học hiện chỉ dừng ở mức có thiết bị mô phỏng hoặc phục vụ nghiên cứu cơ bản. Trong khi đó các trường nghề, vốn cần thực hành sát thực tế nhất, gần như không có bất kỳ trang bị nào đúng chuẩn công nghiệp.
Việt Nam hiện vẫn chưa có một chiến lược quốc gia rõ ràng cho đào tạo nhân lực bán dẫn theo chuỗi sản xuất.
Trong khi đó các nước, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hàn Quốc đều đã phát triển các cụm đào tạo theo chuyên ngành, gắn chặt với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng. Nếu không nhanh chóng xây dựng mô hình liên kết - đặt hàng - phân tầng, Việt Nam có thể tiếp tục lỡ nhịp trong cuộc đua bán dẫn.

TS Lý Thanh Hoa chia sẻ tại chương trình - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đón đầu làn sóng bán dẫn tại Việt Nam
ThS Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM - nói hiện cả nước mới chỉ có khoảng 1.000 sinh viên đại học được đào tạo về thiết kế vi mạch mỗi năm, cũng gần như chưa có cao đẳng nào tham gia đào tạo ở mảng sản xuất - đóng gói - kiểm nghiệm.
"Nếu một kỹ sư thiết kế cần 1 người thì các khâu sản xuất, đóng gói, kiểm tra cần tới 25 người. Phân khúc này cần nguồn nhân lực cực lớn nhưng lại chưa được đào tạo đúng tầm", ông nói.
Chương trình đào tạo chất bán dẫn của trường sẽ được triển khai theo mô hình 2+2: học hai năm đầu tại Việt Nam, hai năm sau học tiếp chương trình INTENSE tại Đài Loan, được miễn phí 100% học phí.
Ông Lê Văn Thinh - trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM - khẳng định ngành công nghệ chất bán dẫn là xu hướng và là nền tảng cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh TP.HCM đang ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao, bán dẫn được xác định là một trong những lĩnh vực trọng điểm, cần được đầu tư đồng bộ cả về hạ tầng và nhân lực. Theo ông Thinh, việc đào tạo nhân lực cho ngành này mang giá trị chiến lược quốc gia, chứ không chỉ dừng ở lợi ích kinh tế.
BÌNH LUẬN HAY