
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong một cuộc khảo sát tại Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh tư liệu
Dấu ấn của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương với Huế
Hay tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương qua đời hôm 20-5, ông Nguyễn Văn Mễ nói rằng bản thân ông không khỏi tiếc thương.
Trong trí nhớ của mình, ông Mễ kể rằng Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một vị lãnh đạo gần gũi, không câu nệ hình thức, có chính kiến trong chỉ đạo, điều hành và là một người rất quyết liệt.
"Nhiều khi vì công việc gấp gáp, chúng tôi không đăng ký làm việc với anh Lương qua Văn phòng Chủ tịch nước mà đến thẳng nhà riêng của anh ở đường Đội Cấn (Hà Nội) để xin gặp, trao đổi công việc.
Nhiều lúc đã muộn nhưng biết chúng tôi đến, anh Lương vẫn đồng ý gặp và lắng nghe chúng tôi trao đổi công việc" - ông Mễ kể.

Ông Nguyễn Văn Mễ - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) - Ảnh: P.THÀNH
Theo ông Mễ, Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người lãnh đạo không câu nệ hình thức. Đặc biệt, trong mắt nguyên chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch nước là người rất biết lắng nghe cấp dưới và có những phân tích, nhận định thấu đáo, ngắn gọn - đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Dấu ấn lớn nhất của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương với Huế, theo ông Mễ, chính là những ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc xây dựng Nhà máy Xi măng Đồng Lâm ở xã Phong An, thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngược về thời gian, vào khoảng những năm đầu của thập niên 2000, Thừa Thiên Huế vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn.
Lãnh đạo tỉnh lúc này đã đề xuất việc xây dựng một nhà máy xi măng ở khu vực mỏ đá vôi Đồng Lâm để phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình trọng điểm, tạo động lực cho tỉnh phát triển.
Tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng và Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho phép thực hiện một cuộc nghiên cứu liên quan đến việc khai thác tài nguyên tại mỏ đá vôi Đồng Lâm nhằm xây dựng nhà máy xi măng.
Tuy nhiên, ý tưởng này ban đầu không nhận được nhiều sự đồng tình từ một số bộ, ngành Trung ương. Hầu hết đề nghị sẽ nghiên cứu, xây dựng nhà máy xi măng Đồng Lâm vào sau năm 2020.
Ông Mễ cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế lúc đó đã đến xin gặp riêng Chủ tịch nước Trần Đức Lương để trình bày ý tưởng của Huế.
"Tôi lập luận với Chủ tịch nước rằng từ Thanh Hóa trở vào đến Phú Yên lúc đó gần như rất hiếm mỏ đá vôi có chất lượng canxi tốt. Trong khi đó, hàm lượng canxi và các chất khác để làm xi măng ở Đồng Lâm thì rất tốt.
Đặc biệt là nhu cầu sử dụng xi măng tại khu vực miền Trung lúc đó đang rất cao. Tại sao các nhà máy xi măng lớn lại tập trung xây dựng ở miền Bắc, còn miền Trung thì không?" - ông Mễ nói.
Sau khi lắng nghe, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đồng ý với ý kiến của Huế và có những chỉ đạo về việc nghiên cứu, xây dựng nhà máy xi măng tại Đồng Lâm. Dự án sau đó được xem là một dự án trọng điểm và được đưa vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.
Hiện nay Nhà máy Xi măng Đồng Lâm là một trong những nhà máy xi măng lớn ở miền Trung với công suất khoảng 1,6 triệu tấn clinker/năm và hơn 1,8 triệu tấn xi măng/năm.
Dự án đã góp mặt trong hầu hết các công trình trọng điểm trên địa bàn như cầu Nguyễn Hoàng, đường ven biển Thuận An, mở rộng cảng Chân Mây…
Vị lãnh đạo quan tâm đến đời sống người dân
Một trong những ấn tượng của ông Mễ với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là vào trận lũ lịch sử năm 1999. Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một trong những lãnh đạo cấp cao đầu tiên đến Huế thăm hỏi người dân và chỉ đạo khắc phục hậu quả sau thiên tai.
"Chủ tịch nước đã đến thị sát lăng Minh Mạng và nhiều điểm di tích của Huế và chỉ đạo chúng tôi phải lưu ý đến việc vệ sinh môi trường, đặc biệt là phải quan tâm đến việc phục hồi các điểm di tích bị thiệt hại sau khi nước lũ rút.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu chúng tôi làm thật tốt việc điều phối hàng cứu trợ và chăm lo, khôi phục cuộc sống của người dân sau thiên tai" - ông Mễ nhớ lại.
BÌNH LUẬN HAY