
Hàng ngàn xe ùn ứ kéo dài trên đường Mai Chí Thọ, hướng từ cầu vượt Cát Lái rẽ vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, chiều 29-4 - Ảnh: MINH HÒA
Các điểm nóng bắt đầu ùn ứ giao thông lễ 30-4 năm nay như: Nút giao An Phú (TP Thủ Đức), vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân)...
Từ 16h đã đông đúc, xe cộ "rồng rắn" hàng km
Bắt đầu từ 16h, ở khu vực nút giao An Phú, lượng ô tô đổ dồn về nút giao An Phú để lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây về các tỉnh miền Đông, miền Trung khá đông.
Lượng xe kéo dài hàng km ra tới đường Lương Định Của, Mai Chí Thọ đông nghẹt, xe cộ di chuyển khó khăn.

Dòng xe ùn ứ kéo dài trên đường Mai Chí Thọ chiều 29-4. Xe máy, ô tô chen chúc nhích từng chút một - Ảnh: MINH HÒA
Gần đó, dòng xe từ đường Võ Nguyên Giáp nối dài khoảng 2km đến đường Mai Chí Thọ. Đoạn này thường xuyên ùn ứ, nhưng chiều nay căng thẳng hơn khi mật độ xe lên cao tốc tăng cao dịp lễ. Xe cộ nhích từng chút một để thoát ra khỏi khu vực này hướng về đường cao tốc.
Người dân bắt đầu ùn ùn đi nghỉ lễ
Ở hướng ngược lại từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hướng từ cầu Long Thành về TP.HCM cũng xảy ra ùn ứ. Nguyên nhân được cho là người dân đổ về TP.HCM để chuẩn bị xem diễu hành, diễu binh diễn ra ở trung tâm TP.HCM vào sáng 30-4.
Càng về tối, tình hình giao thông qua nút giao An Phú càng thêm căng thẳng khi xe liên tục dồn đến. Nhiều ô tô phải chờ hơn 20 phút mới thoát khỏi khu vực này.

Từ 16h chiều 29-4, dòng xe ken đặc ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM. Xe máy, ô tô, xe tải... đi lại khó khăn - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Còn ở cửa ngõ phía Tây cũng bắt đầu xảy ra tình trạng kẹt xe trên đường Kinh Dương Vương, đoạn hướng về cầu An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM) từ khoảng 16h.
Dòng xe ô tô xếp hàng kéo dài, gần như chôn chân tại chỗ, trong khi xe máy buộc phải leo lên vỉa hè để len lỏi di chuyển, gây hỗn loạn giao thông khu vực.

Chờ đợi dòng kẹt xe khá lâu, nhiều người đi xe máy leo lên lề cầu An Lạc tìm cách di chuyển nhanh hơn - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, dòng xe ùn ứ bắt đầu từ khu vực gần Bến xe Miền Tây, kéo dài tới vòng xoay An Lạc và tiếp tục nối dài trên quốc lộ 1, đoạn qua cầu Bình Điền.
Trong dòng xe chen chúc, phần lớn là xe khách liên tỉnh từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây. Nhiều tài xế tỏ ra mệt mỏi vì phải nhích từng chút một trong gần cả tiếng đồng hồ.
Các lực lượng tăng cường điều tiết
Tại các cửa ngõ, đường nhánh lân cận, lực lượng cảnh sát giao thông được tăng cường, túc trực ở các giao lộ đang "căng mình" điều tiết xe chạy qua nút giao. Dù vậy do lượng xe đổ về mỗi lúc một đông nên đến 17h giao thông mới bắt đầu "dễ thở".
Trước đó, Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM (PC08) cho biết sẽ bố trí lực lượng điều tiết, phân luồng đảm bảo an toàn an toàn cho người dân đi lại ở khu vực lễ 30-4 và các điểm nóng, cửa ngõ thành phố.
Sở Giao thông công chánh TP.HCM cũng cho hay sẽ phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông, các đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình giao thông ở khu trung tâm, cửa ngõ TP.HCM, các bến xe... Từ đó, các bên cùng nhau tổ chức, chỉnh đèn giao thông, phân luồng từ xa... giảm ùn tắc, kịp thời xử lý sự cố giao thông (nếu có).
Một số hình ảnh ghi nhận chiều 29-4:

Nhiều ô tô, xe khách "rồng rắn" nối đuôi nhau ở đường Kinh Dương Vương - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Dòng người hối hả đổ về các tỉnh miền Tây nghỉ lễ 30-4 - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Xe khách đưa khách về miền Tây đi chơi, về quê... cũng bị kẹt lại trong dòng người - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Các bến xe đảm bảo phục vụ bà con về quê đón lễ 30-4
Chiều 29-4, đại diện các bến xe lớn ở TP.HCM thông tin đã bố trí nhân lực, đủ phương tiện đảm bảo phục vụ người dân đi về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây...
Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) dự kiến chiều tối 29-4 là cao điểm nhất dịp lễ với khoảng 14.000-15.000 lượt khách thông qua bến. Còn tại bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), trong ngày 29-4, khoảng 56.000 lượt khách sẽ đi về các tỉnh miền Tây đón lễ.
BÌNH LUẬN HAY