
Chị Chu Uyên lấy hồ sơ trên robot hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thủ Đức, TP.HCM để chứng thực hồ sơ xin việc làm chiều 1-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khi đó, đi kiểm tra cụ thể, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng ghi nhận sự hài lòng của người dân; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được thì khẳng định phải làm cho bằng được việc triển khai thủ tục phi địa giới hành chính.
Bước đầu kết quả tốt
Chiều 1-7, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương đã đi khảo sát, kiểm tra việc vận hành chính quyền 2 cấp tại Hà Nội với 3 địa điểm gồm: xã Phúc Thịnh, chi nhánh số 1 Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội (đường Võ Chí Công) và điểm phục vụ hành chính công phường Tây Hồ (đường Lạc Long Quân).
Tổng Bí thư cho rằng dù mới là ngày đầu tiên mô hình 2 cấp vận hành, nhưng các phường đã chuẩn bị rất chu đáo.
"Qua kiểm tra, nghe báo cáo, chúng tôi thấy rất yên tâm. Người dân, cán bộ rất đồng tình, ủng hộ với chủ trương này, đi tiếp xúc với người dân ở đây đi làm thủ tục hành chính thấy họ rất phẩn khởi. Rất nhanh, rất tiện, thậm chí lại còn tốt hơn trước, hay hơn trước. Điều đó tôi đánh giá rất cao", ông nói.
Tại phường Tây Hồ, Tổng Bí thư nhận xét: "Hôm nay các công việc, thủ tục của người dân tôi thấy không hề bị gián đoạn, không hề bị chậm, người dân rất hài lòng, bước đầu kết quả tốt".
Về công việc trong thời gian tới với các phường, Tổng Bí thư Tô Lâm nói sẽ còn rất nhiều, khi đã phân cấp hàng nghìn thủ tục hành chính về cơ sở. Cho nên ông yêu cầu các phường phải nắm chắc chuyên môn để tư vấn, hướng dẫn, phục vụ cho người dân.
Ông yêu cầu cán bộ phường phải làm việc với tinh thần đến nơi đến chốn, có kết quả, làm cho người dân hài lòng, chứ không phải làm việc cho tròn trách nhiệm.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã khảo sát tình hình hoạt động tại phường Dĩ An. Tại đây ông Được nhấn mạnh TP.HCM đã, đang và sẽ lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo chính.
Bên cạnh đó, ông Được lưu ý giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới là điều kiện bắt buộc phải làm, khó đến đâu cũng phải làm, để có nhiều tiện ích hơn cho người dân và doanh nghiệp lựa chọn.
"TP.HCM không nói khó, không nói khổ, không nói không có tiền, phải làm cho bằng được", ông Được nói. TP sẽ rà soát trụ sở 168 phường, xã, đặc khu mới để có trụ sở hành chính phục vụ cho người dân tốt hơn, tiện ích hơn và số hóa hơn.
Ông Được cũng yêu cầu các sở ngành hỗ trợ các địa phương củng cố các phần mềm quản lý hồ sơ văn bản, thủ tục giải quyết hồ sơ, hội nghị truyền hình trực tuyến và cổng 1022. Đồng thời các sở ngành sớm công bố rộng rãi toàn bộ thủ tục của cấp TP, sở ngành và xã, phường, đặc khu.
Theo ông Được, TP.HCM sẽ có trung tâm hành chính công cấp TP, trước mắt vận hành mô hình trung tâm hành chính công 2 cấp và dần hình thành 1 cấp, kết nối với quốc gia.

Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân Hưng (quận 7 cũ, TP.HCM) tiếp dân vào sáng 1-7 - Ảnh: THANH HIỆP
Robot hỗ trợ người dân làm thủ tục
Sáng 1-7, nhiều người dân TP.HCM đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thủ Đức (số 36 Thống Nhất) rất bất ngờ và cảm thấy thú vị với 2 robot chạy tới chạy lui hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính bằng giọng nói. Trên các khay của robot này có giấy tờ hồ sơ, nước uống... để mời người dân lấy.
Ông Nguyễn Hoàng Phong, giám đốc Công ty CP thương mại PAN (đơn vị cung cấp các robot phục vụ), cho hay sắp tới sẽ bố trí robot đóng vai trò nữ lễ tân tại trung tâm sau khi thử nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Cảnh (80 tuổi, ngụ khu phố 7, phường Thủ Đức), đến làm thủ tục chế độ hỗ trợ người cao tuổi, nói thấy rất thú vị, trung tâm khang trang, chỗ ngồi rộng rãi, cán bộ hướng dẫn nhiệt tình.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thuần (khu phố 5, phường Thủ Đức) thì nhận xét việc đổi mới cung cách phục vụ người dân như thế này thực sự là bước tiến lớn, mới mẻ.
Ghi nhận tại phường Tân Mỹ (sáp nhập từ phường Tân Phú và một phần phường Phú Mỹ, quận 7 cũ) có bố trí một góc xanh để hỗ trợ thủ tục hành chính cho người yếu thế, người lớn tuổi còn hạn chế về công nghệ thông tin.
Tại đây còn có nước uống, thức ăn nhẹ miễn phí... Ông Huỳnh Văn Thanh, đến phường Tân Mỹ làm thủ tục cấp bảo hiểm y tế, mong không chỉ ngày đầu tiên mà trong quá trình phục vụ sau này người dân đến phường sẽ luôn nhận được sự chu đáo, tận tình như vậy.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Sài Gòn (nhập phường Bến Nghé và một phần phường Đa Kao, phường Nguyễn Thái Bình, thuộc quận 1 cũ), anh Lê Hữu Chí (40 tuổi, đến làm thủ tục sang tên chuyển nhượng đất đai) nói đến đây được hướng dẫn rất tận tình, cơ sở vật chất hiện đại, không gian sạch đẹp.
Các chuyên viên mặc đồng phục lịch sự, chuyên nghiệp, tạo cảm giác yên tâm khi đến làm việc.
Cũng tại phường Sài Gòn, một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp quận trước đây như đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... đã được chuyển về phường xử lý.
Nhiều giấy tờ theo phiếu hẹn trước đó của quận cũng đã được phường tiếp nhận và trả kết quả ngay cho người dân.

Người dân làm thủ tục hành chính công tại xã Việt Hồng, tỉnh Lào Cai - Ảnh: C.TUỆ
"Thủ tục làm lẹ lắm"
Trong ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp tại Đà Nẵng, các trung tâm phục vụ hành chính công tại các phường đông đúc người dân đến giải quyết các thủ tục từ sáng tới chiều. Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hải Châu có 14 ô tiếp nhận các thủ tục hành chính so với 7 ô của phường cũ trước đây.
Không những vậy, tại trung tâm còn có thêm 2 bàn hướng dẫn người dân làm thủ tục và hỗ trợ làm thủ tục online qua máy tính bảng. Một số cán bộ phường và cán bộ quận trước đây được sắp xếp cạnh nhau nhằm hỗ trợ tốt hơn trong quá trình giải quyết các hồ sơ, nhiệm vụ.
Ông Hồ Xuân Thảo, cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hải Châu, chia sẻ so với quá trình vận hành thử nghiệm không có khác biệt quá nhiều.
"Hôm vận hành thử nghiệm thì chưa phân công người trực tiếp xử lý, nay với các hồ sơ làm trực tuyến trưởng bộ phận sẽ tiếp nhận rồi phân đến từng chuyên viên giải quyết", ông Thảo nói.
Tại UBND xã Đất Mũi (tỉnh Cà Mau), ông Quách Văn Tịch, người dân ở vùng Viên An (cũ), là một trong những người đầu tiên đến xã làm thủ tục nhận trợ cấp người khuyết tật. "Thủ tục làm lẹ lắm, mấy anh chị cán bộ còn mời nước, hỏi han kỹ lưỡng nữa", ông Tịch cười tươi.
Trong khi đó, anh Hồng Văn Hùng, chủ một tiệm Internet ở xã, đến UBND xã để hủy giấy phép kinh doanh và nộp hồ sơ đất đai, nói: "Chưa khi nào thấy làm giấy tờ mà nhẹ nhàng vậy. Cán bộ chỉ dẫn tận tình, lại gần nhà, không phải đi xa như trước".
Sáng 1-7, người dân cũng đến Trung tâm Hành chính công đặc khu Phú Quốc để làm thủ tục, giấy tờ rất đông đúc. Các đoàn viên, thanh niên hỗ trợ hướng dẫn tra cứu hồ sơ và lấy số thứ tự, thực hiện thủ tục hành chính điện tử kịp thời và nhanh chóng.
"Các bạn thanh niên hướng dẫn tận tình. Tôi thấy mọi công tác rất chỉn chu, rất tốt và làm những thủ tục rất là dễ dàng", anh Đinh Văn Đậm, một người dân ở đặc khu Phú Quốc, nói.
Một người dân khác là anh Nguyễn Trọng Hiếu cũng nhận xét: "Nói chung rất là tốt, chỉ cần tới là có nhiều hướng dẫn, mọi người làm đúng việc của mình, không phải chờ lâu".
Hà Nội: thái độ của cán bộ đã chuyển biến rất tích cực
Tại Hà Nội, 126 điểm phục vụ hành chính công cấp xã, phường mới đã hoạt động. 126 xã, phường cũng đồng loạt tiến hành kỳ họp thứ 1 HĐND cấp phường mới để bàn thảo, quyết nghị những nội dung thuộc thẩm quyền.
Tại trụ sở phường Tây Hồ (đường Lạc Long Quân), phường bố trí một cán bộ ở cổng tiếp đón để hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tới xử lý thủ tục hành chính. Sau khi hoàn thành xong thủ tục sao công chứng giấy tờ, ông Nguyễn Minh Thân (69 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân) cho biết: "Rất hài lòng".
"Thái độ của cán bộ công chức tại phường trong ngày đầu làm việc đã chuyển biến rất tích cực, tác phong làm việc quy củ. Thời gian xử lý thủ tục hành chính nhanh. Nếu tất cả các cơ quan nhà nước chuyển biến như thế này là rất tốt, người dân phấn khởi", ông Thân nói.
Đưa đón, hỗ trợ cán bộ ở xa đi làm

Công dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đặc khu Côn Đảo (TP.HCM) vào sáng 1-7 - Ảnh: THU HUYỀN
Ngày đầu tiên đi làm sau sáp nhập, Sở Xây dựng Đồng Nai bố trí 5 xe khách đưa đón khoảng 220 cán bộ từ Bình Phước cũ qua làm việc.
Theo ông Não Thiên Anh Minh - phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, đến nay có gần 500 người của 25 đơn vị đăng ký nhu cầu đi lại. Theo kế hoạch, có khoảng 1.400 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ Bình Phước về Đồng Nai làm việc và ngược lại.
Các chuyến xe xuất phát từ các sở, ban, ngành Bình Phước cũ vào 5h sáng thứ hai hằng tuần chở đến Đồng Nai làm việc. Đến 16h40 chiều thứ sáu hằng tuần, các chuyến xe đón người tại các sở, ban, ngành ở Đồng Nai trở về Bình Phước cũ.
Cũng kể từ ngày 1-7, TP.HCM tổ chức nhiều chuyến xe miễn phí đưa đón cán bộ từ Bình Dương (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) lên trung tâm TP.HCM làm việc.
Biển số xe ở TP.HCM sau sáp nhập thay đổi như thế nào?
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an), từ ngày 1-7, người dân hoặc tổ chức có nhu cầu đăng ký ô tô, mô tô, xe máy chuyên dùng có thể chọn đăng ký xe tại phòng cảnh sát giao thông hoặc bất cứ công an cấp xã nào ở tỉnh, thành phố mình đang cư trú.
Riêng đối với xe có nguồn gốc tịch thu phải đăng ký tại phòng cảnh sát giao thông.
Đối với xe trúng đấu giá biển số, ngoài việc được đăng ký tại tỉnh thành nơi cư trú hoặc có trụ sở, cá nhân, tổ chức còn được đăng ký tại phòng cảnh sát giao thông quản lý biển số xe trúng đấu giá đó.
Về biển số, biển số xe địa phương sẽ bao gồm biển số của các địa phương trước sáp nhập. Ví dụ TP.HCM sẽ có dải biển số bao gồm: 41, từ 50 đến 59 như hiện tại và có thêm đầu biển số 61 (Bình Dương) và 72 (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Các thủ tục hành chính khác như cấp căn cước công dân, cấp đổi giấy phép lái xe..., người dân có thể đến trụ sở công an phường, xã mới hoặc có thể lên Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện các thao tác đăng ký.
Công nghệ giúp gần nhau hơn
Ông Lý Hoàng Ca, cán bộ trung tâm xã Đất Mũi, nói trước đây hồ sơ giấy tờ nhiều khi thất lạc, chậm trễ. Giờ người dân ở tận mé biển cũng có thể nộp hồ sơ bằng điện thoại thông minh hoặc nhờ con cháu ở xa gửi giúp. Hệ thống kiểm tra và phản hồi nhanh chóng, người dân chỉ cần nhận kết quả đúng hẹn.
Không chỉ xử lý hồ sơ, nhiều cuộc họp nội bộ giữa cán bộ chính quyền xã và cơ quan Đảng được tổ chức qua phần mềm họp trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian di chuyển, đặc biệt trong điều kiện thời tiết mưa bão hay thủy triều lên thường xuyên như vùng Đất Mũi.
BÌNH LUẬN HAY