
Bức ảnh Khoảnh khắc yên lặng giữa chiến tranh - Ảnh: NSX
Đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ với Tuổi Trẻ Online ở triển lãm ảnh Mưa đỏ với chủ đề Tri ân từ khuôn hình, diễn ra chiều 17-7 tại Hà Nội.
Đây là một hoạt động bên lề phim Mưa đỏ do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất, dự kiến ra rạp ngày 22-8 tới.
Mưa đỏ tái hiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị - nơi máu, nước mắt và lòng quả cảm của những người lính đã hòa vào dòng Thạch Hãn đỏ lửa.
Mưa đỏ dự kiến khởi chiếu ngày 22-8
Chiến tranh khốc liệt không phải khi nào cũng nằm ở bom đạn
Trong những bức ảnh trưng bày tại triển lãm Mưa đỏ, có một bức ảnh tên là Khoảnh khắc yên lặng giữa chiến tranh ghi lại cảnh nhân vật Tú (Đình Khang đóng), người em út hồn nhiên, vô tư nhất của tiểu đội, mặt mũi lấm lem, đang cười rất bình yên; trên ngón tay cậu có một chú chim nhỏ.
Diễn viên Đình Khang nói với Tuổi Trẻ Online, đó là một trong những khoảnh khắc anh thích nhất của nhân vật này, của phim Mưa đỏ.
Trong phim, chú chim xuất hiện từ đầu tới cuối phim, là người bạn của nhân vật Tú.
Nó là nhân vật mang tính biểu tượng của hy vọng và mầm sống quý giá, có khả năng xoa dịu tất cả những căng thẳng của cuộc chiến và gợi lên một điều gì đó đời thường nhất và an tâm cho mọi người.
"Khoảnh khắc yên lặng giữa cuộc chiến cũng đồng nghĩa với một mất mát vô cùng lớn, tôi không biết diễn tả về những hy sinh cao cả của thế hệ cha chú đi trước để chúng ta có được nền hòa bình, độc lập như hôm nay", Khang chia sẻ.

Diễn viên Đình Khang bên bức hình nhân vật Tú do mình hóa thân - Ảnh: Đ.DUNG
Đạo diễn Đặng Thái Huyền kể sau những đại cảnh hoành tráng, bom đạn tơi bời, chị đã từng rất tò mò không hiểu lúc đó những người lính nghĩ gì, mong gì, mơ gì?
"Tôi nghĩ đó là lúc họ mơ về hòa bình, nhớ gia đình, cha mẹ, kỷ niệm tuổi trẻ… Là lúc con người ta chiêm nghiệm, nhìn nhận mọi thứ và đối diện với chính mình rõ nhất", Đặng Thái Huyền nói.
Với đạo diễn, trong chiến tranh, sự khốc liệt nhất không phải lúc nào cũng nằm ở bom đạn mà nằm ở những khoảnh khắc im lặng nhất. Trong phim Mưa đỏ có rất nhiều khoảnh khắc im lặng của chiến tranh như vậy.




Triển lãm ảnh trưng bày không chỉ là tư liệu hậu trường quý giá, mà còn là lát cắt giàu tính biểu cảm. Qua từng khuôn hình - ánh mắt, tư thế, khung cảnh, hiện lên khí phách, vẻ đẹp và chiều sâu tâm hồn người lính Việt Nam - Ảnh: NSX
"Mưa đỏ có những cái hay mà Địa đạo không có"
Thượng tá Nguyễn Thu Dung - giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân - kể ban đầu khi chọn Đặng Thái Huyền làm đạo diễn Mưa đỏ, đơn vị khá băn khoăn. Bởi đây là một phim chiến tranh nặng ký, giao cho đạo diễn nữ, liệu có đảm trách được hết không?
"Đặng Thái Huyền đã không phụ lòng mọi người và làm ra một bộ phim rất hoành tráng về chiến tranh mà vẫn không kém phần nữ tính", đại diện đơn vị sản xuất phim nói.
Năm nay điện ảnh Việt Nam có hai phim chiến tranh hoành tráng. Một là Địa đạo, đã ra rạp và đạt doanh thu 172 tỉ đồng (theo Box Office Vietnam), trở thành phim chiến tranh, lịch sử ăn khách nhất lịch sử rạp Việt.
Phim còn lại chính là Mưa đỏ, phim hoành tráng và quy mô nhất của Điện ảnh Quân đội nhân dân trong 10 năm trở lại đây.
Đặt trong tương quan với thành công của Địa đạo, ê kíp Mưa đỏ có áp lực gì không?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung nói: "Rất hồi hộp nhưng tự tin. Phim Địa đạo có cái hay của nó và Mưa đỏ cũng có cái hay riêng mà Địa đạo không có".
Xem thêm hình trong triển lãm Mưa đỏ:

Sa bàn mô phỏng phim trường Mưa đỏ - Ảnh: Đ.DUNG

Kịch bản phim do nhà văn, đại tá Chu Lai (phải) chấp bút - Ảnh: Đ.DUNG

Triển lãm diễn ra tới hết ngày 18-7 - Ảnh: Đ.DUNG

Sa bàn bối cảnh phim Mưa đỏ

Ngoài ảnh, triển lãm trưng bày cả đạo cụ, trang phục trong phim - Ảnh: Đ.DUNG
BÌNH LUẬN HAY