18/05/2025 12:07 GMT+7

Làm thủ tục ở sân bay tiếc gì nụ cười, lời chào thân thiện?

Một nụ cười, một lời chào, một sự thân thiện đâu có gì quá khó. Hà cớ gì nhân viên sân bay phải 'tiết kiệm' với khách?

Làm thủ tục ở sân bay tiếc gì nụ cười, lời chào thân thiện? - Ảnh 1.

Khách đi qua cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động tại nhà ga T4 sân bay Changi, Singapore - Ảnh: Reuters

Chuyện nhân viên ở sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) xé vé máy bay của nữ du khách Đài Loan khiến nhiều bạn đọc bức xúc về cách hành xử "lạ lùng" này.

Mặc dù nữ du khách cho biết một ngày sau khi sự việc được công khai (ngày 14-5), đại diện của cơ quan xuất nhập cảnh sân bay Phú Quốc đã thông qua công ty du lịch gửi lời xin lỗi đến chị và gia đình. 

Tuy nhiên nhiều bạn đọc vẫn đề nghị cần xử nghiêm nhân viên trên vì đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành du lịch nói riêng và cả nước nói chung.

Là người thường xuyên tham gia các chuyến bay, bạn đọc Nhất Nguyên gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết chia sẻ xung quanh câu chuyện phục vụ và nụ cười ở sân bay.

Nhân viên "tán dóc" mặc khách đứng chờ

Lần công tác gần nhất đến Singapore cách đây ít hôm, như thường lệ, tôi đều dễ dàng và nhanh chóng thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh cho cả chuyến đi và chuyến về thông qua hệ thống xuất nhập cảnh tự động. 

Với tôi, việc này tương đối quen thuộc nhưng đồng nghiệp trẻ đi cùng - người lần đầu tiên đến Singapore thì luôn tỏ ra hết sức ngạc nhiên. Bạn này không ngớt trầm trồ vì sao họ lại có thể áp dụng quy trình nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, giúp hành khách hoàn tất mọi thủ tục mà không cần phải gặp nhân viên xuất nhập cảnh.

Trong khi đó không ít sân bay, nhân viên nói chuyện cộc lốc với khách, đang làm thủ tục thì đứng lên qua quầy khác "tán dóc" mặc cho khách đứng chờ. Thậm chí mới đây có trường hợp xé luôn vé máy bay của khách, như ở sân bay Phú Quốc.

Không chỉ Singapore, một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà tôi đã có dịp đến như Đài Loan, hay Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, gần đây nhất là Thái Lan đều đã cho phép xuất cảnh tự động thông qua máy móc. 

Thông thường chỉ cần quét hộ chiếu, thẻ lên tàu bay, quét khuôn mặt hoặc vân tay là xong. Mọi thao tác chỉ trong một ít phút hoặc thậm chí vài chục giây.

Điều này không chỉ giúp giảm hình ảnh đứng xếp hàng dài ngoằng để chờ làm thủ tục, mà qua đó khách còn có thêm thời gian để đi vào trong nghỉ ngơi, thư giãn, chuẩn bị cho hành trình kế tiếp. 

Vậy nên chẳng lạ khi du khách rời đi đều cảm thấy thoải mái vì quy trình xuất cảnh nhanh gọn lẹ, cảm thấy hài lòng, rồi sẵn sàng xuống tiền chi cho các dịch vụ ăn uống, mua sắm. 

Sân bay và các doanh nghiệp kinh doanh tại đây có thêm doanh thu, còn phía nhân viên xuất nhập cảnh cũng được giảm tải, chỉ phải hỗ trợ những ai không thể dùng máy quét xuất cảnh tự động. 

Ai cũng hưởng lợi, tất cả đều vui vẻ!

Còn với khâu nhập cảnh, đa phần chưa cho phép hành khách nhập cảnh tự động mà vẫn phải di chuyển vào khu vực được quy định để làm thủ tục. 

Tuy nhiên những nơi kể trên thường đã phân luồng khách từ xa với nhiều biển báo, hướng dẫn rõ ràng, có cả nhân viên hướng dẫn rất tận tình, vui vẻ. 

Thái Lan hay Hong Kong còn đặt luôn biển báo cho biết thời gian chờ có thể là 15 phút, 20 phút hay 30 phút kể từ điểm mà khách đang xếp hàng. 

Nhân viên sân bay đừng để khách "tụt" hết cảm xúc

Đáng khen nữa là nhân viên xuất nhập cảnh bao giờ cũng vui vẻ, niềm nở, chào hỏi, luôn dùng những từ như "vui lòng", "cảm ơn" dù bản thân họ có thể cũng đang phải trải qua một ngày mệt mỏi vì đông đúc. 

Sự thấu hiểu, thân thiện của nhân viên nhập cảnh với khách, những người vừa trải qua một hành trình dài, đôi khi kéo dài đến hơn chục tiếng, đi cùng với sự chênh lệch múi giờ, thay đổi thời tiết, rồi lại phải xếp hàng... chính là những ấn tượng đầu tiên mà du khách có được khi đến một quốc gia mới. 

Như Singapore, dù đã có nhập cảnh tự động, họ vẫn duy trì các làn nhập cảnh thủ công, và không bao giờ thiếu những lọ kẹo nhỏ xinh đặt ngay ngắn trước mặt hành khách, ai thích có thể lấy nhâm nhi trong lúc chờ làm thủ tục. 

Có lẽ vì những điều tưởng nhỏ mà không nhỏ như thế này đã mang lại cái được là không ai cảm thấy khó chịu.

Trong khi đó, trên các diễn đàn du lịch, các trang nhận xét, chia sẻ kinh nghiệm, người ta đa phần than phiền thái độ cộc lốc, nói chuyện không chủ ngữ, vị ngữ cùng gương mặt lạnh băng, không bao giờ nở nụ cười hay có lời chào với hành khách.

Khách đến hay khách đi gì cũng thấy "tụt" hết cảm xúc.

Sân bay xây đẹp, nhiều tiện ích, dễ dàng để nối chuyến chắc chắn sẽ thu hút khách, thành lựa chọn ưu tiên cho hành khách. 

Một điểm đến hấp dẫn, với nhiều cảnh đẹp, món ăn ngon chắc chắn sẽ thu hút khách đến. 

Nhưng dường như chúng ta đang quên rằng sự thân thiện nơi khu vực xuất nhập cảnh của các sân bay cũng là một phần của sản phẩm du lịch, là lời chào đón nồng ấm, cũng là lời cảm ơn chân thành để tiễn khách đi. 

Một nụ cười, một lời chào, một sự thân thiện đâu có quá khó. Hà cớ gì phải "tiết kiệm" với khách?

Tiếc gì mà không mỉm cười, chào khách thân thiện khi làm thủ tục xuất nhập cảnh? - Ảnh 2.Dùng 'làn sóng xanh' để giảm ùn tắc trên đường Cộng Hòa, đi vào nhà ga T3 thoáng hơn

Hành khách có chuyến bay ở nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất gặp khó khăn bởi ách tắc giao thông trên đường Cộng Hòa. Sở Giao thông công chánh TP.HCM sẽ áp dụng 'làn sóng xanh' để giải quyết tình trạng này.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0