
Đoạn video trên Instagram với tuyên bố: "Chữa khỏi đường huyết trong 3 ngày không cần thuốc" - Ảnh: THIP
Những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền mạnh mẽ một đoạn video trên Instagram với tuyên bố: "Chữa khỏi đường huyết trong 3 ngày không cần thuốc".
Nội dung video cho rằng người bệnh có thể dừng hoàn toàn thuốc điều trị tiểu đường, kể cả insulin, chỉ bằng cách ăn theo chế độ 70% trái cây và 30% tùy chọn.
Thông tin trên lập tức gây xôn xao, đặc biệt trong cộng đồng bệnh nhân tiểu đường và những người quan tâm đến sức khỏe, khiến nhiều người hoang mang và đặt câu hỏi về độ xác thực.
Tuy nhiên sau khi kiểm chứng, các chuyên gia thuộc nền tảng thông tin sức khỏe và kiểm chứng thông tin The Healthy Indian Project (THIP) xác định đây là một tuyên bố sai lệch, thiếu cơ sở khoa học và tiềm ẩn nguy hiểm cho người bệnh.
Theo THIP, người đưa ra tuyên bố này là ông Biswaroop Roy Chowdhury - một nhân vật từng nhiều lần bị chỉ trích vì lan truyền các thông tin sai lệch về y tế, bao gồm cả dịch COVID-19, HIV/AIDS và bệnh tiểu đường.
Ông không được công nhận là bác sĩ chính quy, từng bị khiếu nại hình sự vì mạo danh bác sĩ, cung cấp phương pháp điều trị không được kiểm chứng và liên quan đến cái chết của một bệnh nhân trong hội thảo của mình.
Bên cạnh đó, các quảng cáo của ông về "phép màu chữa khỏi tiểu đường trong 72 giờ" từng bị Hội đồng Khiếu nại người tiêu dùng Ấn Độ (CCC) phán quyết vi phạm luật quảng cáo.

Ông Biswaroop Roy Chowdhury từng bị chỉ trích vì lan truyền thông tin sai lệch về COVID-19 - Ảnh: Media Brief
Về mặt y học, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy bệnh tiểu đường - đặc biệt là type 1 - có thể được chữa khỏi hoàn toàn chỉ trong vài ngày.
Tiểu đường là bệnh mạn tính phức tạp, yêu cầu điều trị liên tục bằng thuốc, chế độ ăn uống hợp lý và vận động thể chất đều đặn.
Với tiểu đường type 1 - một rối loạn tự miễn, bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng insulin suốt đời.
Đối với tiểu đường type 2, tuy có thể đạt được trạng thái "thuyên giảm" trong một số trường hợp nhờ lối sống lành mạnh và giảm cân, nhưng đó không phải là sự "chữa khỏi" và cũng không thể đạt được trong 3 ngày.
Theo hai tiến sĩ Ritesh Bansal - nhà sáng lập và chuyên gia tư vấn cao cấp về bệnh tiểu đường tại Trung tâm Nghiên cứu và Bệnh tiểu đường Saroj (Delhi) và tiến sĩ Naseemuddin N. Shaikh, bác sĩ tư vấn nội tiết tại Bệnh viện Renova Century (Hyderabad), việc tự ý dừng thuốc mà không có chỉ định y khoa có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như tăng đường huyết, tổn thương các cơ quan nội tạng, hoặc thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Ngoài ra, việc ăn quá nhiều trái cây - đặc biệt là dưới dạng nước ép - có thể làm tăng đường huyết do lượng đường tự nhiên (fructose) cao.
Dù trái cây giàu chất xơ và chất chống oxy hóa có thể hỗ trợ kiểm soát bệnh, nhưng không thể thay thế hoàn toàn thuốc điều trị, thậm chí có thể gây kháng insulin và rối loạn chức năng tế bào.
Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ khuyến cáo rằng một chế độ ăn khoa học cần kết hợp thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ, hạn chế tinh bột tinh luyện và đường, đồng thời phải được thiết kế riêng cho từng cá nhân, dưới sự theo dõi của bác sĩ.
Thực tế mọi loại thuốc điều trị tiểu đường đều trải qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Vì vậy bất kỳ thay đổi nào trong phác đồ điều trị - từ liều thuốc đến chế độ ăn - đều cần sự tư vấn của chuyên gia y tế.
Tóm lại, cho đến nay chưa có bất kỳ bằng chứng y học đáng tin cậy nào chứng minh rằng tiểu đường có thể được chữa khỏi hoàn toàn trong thời gian ngắn mà không cần dùng thuốc.
Thay vào đó, cách tiếp cận an toàn và hiệu quả nhất vẫn là tuân thủ điều trị, kết hợp với lối sống khoa học và theo dõi y tế thường xuyên.
BÌNH LUẬN HAY