
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại Mỹ ngày 17-4 - Ảnh: REUTERS
Ngày 17-4, lãnh đạo IMF Kristalina Georgieva cho biết IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm "đáng kể" nhưng không rơi vào suy thoái.
Kinh tế thế giới vẫn hoạt động tốt
Theo đó, IMF sẽ hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trong Báo cáo kinh tế thế giới sẽ được công bố vào tuần sau.
Các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây những biến động thị trường chưa từng thấy kể từ đại dịch COVID-19, và hầu hết các nhà kinh tế dự đoán nó sẽ kìm hãm tăng trưởng và đẩy lạm phát lên cao, ít nhất là trong ngắn hạn.
Dù vậy, bà Georgieva tin rằng nền kinh tế thực sự của thế giới đang hoạt động tốt bất chấp sự bất ổn lớn do cuộc chiến thuế quan leo thang, với thị trường lao động mạnh mẽ và hệ thống tài chính vững chắc.
"Những gì chúng ta thấy là nền kinh tế thực sự đang hoạt động. Thị trường lao động vẫn khá mạnh, rất quan trọng... hệ thống tài chính đang duy trì bất chấp mọi sự lo lắng. Tại sao? Bởi vì, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã có nhiều nỗ lực để xây dựng sức mạnh, chính xác là cho những khoảnh khắc như thế này", Hãng tin Reuters dẫn lời bà Georgieva nói.
Nói về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhà lãnh đạo IMF cho rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần giảm bớt sự bất ổn và thống nhất về một hệ thống thương mại công bằng hơn, dựa trên luật lệ.
Ảnh hưởng lên các nước đang phát triển
Theo tổng giám đốc IMF, căng thẳng thuế quan hiện tại có thể sẽ gây ra ba hậu quả lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó hầu hết các thị trường mới nổi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn do phụ thuộc vào thương mại để tăng trưởng.
Đầu tiên, các doanh nghiệp khó lập kế hoạch nếu không dự đoán được chi phí đầu vào của mình trong tương lai sẽ là bao nhiêu. Thứ hai, các rào cản thương mại gia tăng ảnh hưởng đến tăng trưởng. Thứ ba, chủ nghĩa bảo hộ làm xói mòn năng suất trong dài hạn, đặc biệt là ở các nền kinh tế nhỏ hơn.
Bà Georgieva kêu gọi tất cả các quốc gia "tự sắp xếp lại" bằng cách dần điều chỉnh chính sách tài khóa của mình để giảm nợ và duy trì chính sách tiền tệ "linh hoạt và đáng tin cậy".
Ngoài ra, bà cũng kêu gọi các quốc gia ưu tiên giải quyết tình trạng mất cân đối vĩ mô trong và ngoài nước, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế hàng đầu vạch ra con đường vượt qua tình trạng bất ổn thương mại hiện nay, mục tiêu là "khởi động lại xu hướng toàn cầu hướng tới mức thuế quan thấp hơn và giảm các rào cản phi thuế quan".
Fitch dự báo tăng trưởng toàn cầu dưới 2%
Cùng ngày, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, không tính đến giai đoạn đại dịch COVID-19. Trong bản cập nhật đặc biệt báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu hằng quý, Fitch dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng chậm lại ở mức dưới 2% trong năm nay.
Trong đó tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ vẫn ở mức 1,2%, nhưng sẽ giảm dần trong suốt cả năm và trong quý cuối năm nay chỉ đạt mức tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ năm 2024, còn tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) sẽ vẫn ở mức dưới 1%.
Trước đó, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chậm lại ở mức 2,3%.
BÌNH LUẬN HAY