
Chủ tịch UBND TP Huế vừa có chỉ thị yêu cầu các địa phương xây dựng khung giờ yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn ở các khu dân cư - Ảnh minh họa
Ngày 3-7, Văn phòng UBND TP Huế cho biết Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương vừa ra chỉ thị gửi lãnh đạo 40 xã, phường mới ở Huế sau sáp nhập, trong đó có việc yêu cầu xây dựng khung giờ yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn ở các khu dân cư.
Theo đó, chủ tịch thành phố yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền xã, phường vận hành thông suốt theo mô hình chính quyền hai cấp, xây dựng môi trường sống "ba không": không rác, không ồn, không tệ nạn.
Với phương châm "Nắm chắc địa bàn - Chủ động từ cơ sở - Giải quyết ngay tại chỗ", lãnh đạo các xã, phường được giao nhiệm vụ làm chủ địa bàn, trực tiếp điều hành, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, tránh để xảy ra điểm nóng.
Chính quyền cơ sở phải trở thành "bộ máy gọn nhưng tinh, gần dân nhưng mạnh".
Chỉ thị nhấn mạnh việc duy trì chế độ trực lãnh đạo, giao ban định kỳ và kết nối chặt chẽ với tổ dân phố, lực lượng công an, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.
Các địa phương cần phát hiện sớm, xử lý ngay từ cơ sở những vụ việc có nguy cơ gây bất ổn.
UBND TP Huế cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại khu dân cư, nâng cao nhận thức pháp luật và phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là ma túy và các tệ nạn mới. Người dân được khuyến khích sử dụng các nền tảng số như Hue-S để phản ánh vi phạm.
Đối với vấn đề tiếng ồn và ô nhiễm môi trường, các xã, phường kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ảnh hưởng đến cộng đồng, thiết lập khung giờ yên tĩnh và vận động người dân ký cam kết không gây tiếng ồn, giữ gìn trật tự.
Bên cạnh đó, TP Huế yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh thực phẩm, điều chỉnh các "điểm đen" giao thông và tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas, nhà trọ, căng tin…
Các địa phương phải xây dựng hình ảnh xã/phường phát triển, ổn định, đáng tin cậy trong lòng người dân và nhà đầu tư.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh tiếp cận đất đai, vốn, mặt bằng, thủ tục đầu tư; xây dựng thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ đặc trưng tại mỗi xã/phường qua truyền thông số, hội chợ, kết nối tiêu thụ.
Thực hiện liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành: cơ khí, chế biến, nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ du lịch...
BÌNH LUẬN HAY