
Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi thăm và động viên nhóm học sinh Đắk Lắk đoạt giải - VĂN DUẨN
Nhóm học sinh khởi nghiệp với dự án "Nghiên cứu một số sản phẩm từ hạt K'nia - món quà từ đại ngàn" đang học lớp 11 Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (tỉnh Đắk Lắk).
Dự án đã lọt vào top 30 dự án tiêu biểu toàn quốc tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên lần thứ 7 năm 2025.
Học sinh khởi nghiệp từ hạt K'nia
Nhóm có bốn học sinh lớp 11 gồm Hà Gia Bảo, Nguyễn Phạm Huyền Linh, Đỗ Hạnh Nguyên và Lê Trần Trâm Anh, thực hiện đề tài dưới sự hướng dẫn của cô Phạm Thị Huyền Trang.
Cây K'nia là loài gỗ quý, biểu tượng văn hóa của người Tây Nguyên, với hạt có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, do khai thác không bền vững và thiếu đầu ra ổn định, hạt K'nia vẫn chưa được chú ý đúng mức.
"Mình sinh ra ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) nên từ nhỏ đã quen cảnh trẻ em đi nhặt hạt K'nia để bán nhưng thu nhập rất bấp bênh vì ít ai biết đến giá trị của nó. Mình và nhóm bạn muốn làm gì đó đối với loại hạt ngon, bùi, bổ dưỡng này", Gia Bảo chia sẻ.

Nhóm học sinh giới thiệu sản phẩm tại một hội chợ để tiếp thị đến người tiêu dùng - Ảnh: MINH PHƯƠNG
Từ trăn trở đó, nhóm đi khảo sát thực tế ở các huyện Krông Bông, Lắk và tìm hiểu thành phần dinh dưỡng của hạt K'nia.
Theo các tài liệu quốc tế, hạt K'nia chứa chất béo tốt và protein cao, vượt trội so với nhiều loại hạt nổi tiếng như mắc ca hay hạnh nhân.
Nhóm chế biến thử nghiệm nhiều sản phẩm như muối hạt K'nia, kẹo, bánh quy và bánh tráng không gluten. Sản phẩm được làm thủ công, chi phí thấp, đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Người tiêu dùng đặc biệt thích bánh tráng vì không chứa gluten, phù hợp với người ăn kiêng hoặc dị ứng tinh bột. Ngoài ra, các sản phẩm của nhóm nhanh chóng được đón nhận tại các hội chợ đặc sản và ngày hội khởi nghiệp trong tỉnh", Huyền Linh cho hay.
Linh cho biết nhóm nhận thấy nhiều nông sản đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số chưa được khai thác hiệu quả. Với lợi thế sống gần vùng nguyên liệu, nhóm của Linh đã chọn hạt K'nia làm nguyên liệu chủ lực và phối hợp với người dân trong khâu sơ chế, gia công.
Hạt K'nia được nhóm thu mua từ các đại lý địa phương, sau đó tập trung cải tiến bao bì, mẫu mã để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Nhờ đó, các sản phẩm bán chạy và nhận phản hồi tích cực từ khách hàng.
"Mình nghĩ điều quan trọng là tạo ra chuỗi giá trị bền vững từ người nhặt hạt đến người tiêu dùng cuối cùng", Linh nói.
Gieo mầm đổi mới từ giá trị bản địa
Cũng theo Huyền Linh, dự án hiện chưa có lợi nhuận rõ ràng do vẫn trong giai đoạn khởi động. Tuy vậy, nhóm đã xây dựng kế hoạch tài chính bài bản, dự kiến doanh thu năm đầu khoảng 735 triệu đồng, tăng lên hơn 1,4 tỉ đồng sau ba năm.
Các bạn dự định trích 30% lợi nhuận để trồng lại cây K'nia và hỗ trợ cộng đồng. Tuy nhiên trước mắt, nhóm sẽ tạm dừng hoạt động để tập trung kỳ thi đại học, sau đó sẽ tái khởi động với kế hoạch chuyên nghiệp hơn.

Dự án từ hạt K’nia đạt giải 3 tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên lần thứ 7 năm 2025 - Ảnh: VĂN DUẨN
Hiện nay, nhóm tiếp tục lan tỏa thương hiệu "món quà từ đại ngàn" qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và cửa hàng thực phẩm sạch.
"Mình và các bạn không chỉ muốn làm ra sản phẩm mà còn muốn gìn giữ một biểu tượng Tây Nguyên đang dần biến mất", Huyền Linh chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Duẩn - hiệu trưởng Trường THPT Thực hành Cao Nguyên - cho biết trường đã phối hợp với một tiến sĩ chuyên ngành kinh tế Trường đại học Tây Nguyên để hỗ trợ nhóm xây dựng kế hoạch và lập dự toán.
Một giáo viên hướng dẫn có kinh nghiệm để hỗ trợ, thảo luận cho các em về việc tính toán đầu vào nguyên liệu, thiết kế bao bì, đầu ra sản phẩm đến tay người tiêu dùng...
Tại ngày hội khởi nghiệp, gian hàng của nhóm vinh dự được Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi ghé thăm, động viên.
Thủ tướng căn dặn các em hãy giữ vững tinh thần đổi mới và phát triển sản vật quê hương.
TS Lê Thị Thảo - trưởng Phòng Giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk) - nhận xét: "Dự án K'nia cho thấy khi học sinh được tạo điều kiện để phát triển ý tưởng gắn với thực tiễn, các em sẽ phát huy được năng lực sáng tạo và tinh thần trách nhiệm xã hội".
BÌNH LUẬN HAY