
Học sinh Trường Đông Du chế tạo máy tách vỏ sầu riêng bán tựđộng. Ảnh phải: máy tách vỏ sầu riêng của học sinh - Ảnh: MINH PHƯƠNG - Học sinh cung cấp
Các phát minh này thể hiện sức sáng tạo và có tiềm năng ứng dụng thực tế, giúp nông dân tối ưu công việc.
Chứng kiến mẹ vất vả tách vỏ sầu riêng bằng tay, Phạm Anh Thư (lớp 11A1 Trường THCS, THPT Đông Du) cùng Đặng Hoàng Dũng chế tạo máy tách vỏ sầu riêng bán tự động.
"Tụi mình xem nhiều video nước ngoài và nhận thấy Việt Nam chưa có máy tách vỏ chuyên dụng. Vì vậy bọn mình muốn tạo ra một thiết bị không chỉ giúp nông dân mà còn ứng dụng vào các cơ sở chế biến", Anh Thư chia sẻ.
Khó khăn lớn nhất là làm sao để lưỡi cắt chính xác mà không làm ảnh hưởng đến phần thịt sầu riêng. Nhờ kinh nghiệm tham gia nhiều cuộc thi trước đó, nhóm phát hiện lỗi và điều chỉnh thiết kế để máy hoạt động hiệu quả hơn.
Dũng cho biết: "Nhờ chút kinh nghiệm hàn xì học từ người chú hàng xóm, mình tự tay lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm theo bản vẽ". Nhóm hy vọng sản phẩm sẽ được nâng cấp để ứng dụng trong các xưởng sản xuất vừa và nhỏ cũng như hộ gia đình.
Trong khi đó, xuất phát từ khó khăn trong việc theo dõi chất lượng cây cà phê, Nguyễn Ngọc Bảo Đơn (lớp 10A1) và Nguyễn Tiến Minh (lớp 11A2 Trường TH, THCS, THPT Hoàng Việt) đã chế tạo hệ thống sử dụng AI để giám sát dinh dưỡng và sinh trưởng của cây.
"Vườn ươm cà phê rất nhiều nhưng việc theo dõi chất lượng cây giống chưa thực sự hiệu quả. Bọn mình muốn tạo ra một hệ thống giúp nông dân tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn đảm bảo cây đạt chất lượng cao nhất", Bảo Đơn chia sẻ.
Thiết bị sử dụng cảm biến đo độ ẩm, dinh dưỡng đất và camera AI để phân tích tình trạng cây. Sau tám tháng thử nghiệm, nhóm điều chỉnh thiết kế nhiều lần, đạt độ chính xác 98%. Giá thành thiết bị chỉ bằng 1/5 so với sản phẩm nhập ngoại có chức năng tương đương.
Sau khi giành giải nhất cấp tỉnh, hai em tiếp tục đạt giải nhì cấp quốc gia và đang hoàn thiện sản phẩm để ứng dụng thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận