11/05/2025 06:03 GMT+7

Học 2 buổi/ngày không thu phí: Cơ hội thay đổi, khắc phục bất cập

Việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày không thu phí của người học như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ phải bắt đầu lộ trình thế nào và thay đổi gì so với cách làm hiện thời?

v - Ảnh 1.

Tại Hà Nội hiện có 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Nhưng có những quận, huyện chỉ có khoảng 40-55% học sinh THCS được học 2 buổi/ngày - Ảnh: VĨNH HÀ

Hiện có hai luồng ý kiến, cảm xúc khác nhau từ việc này. Theo đó, nhiều hiệu trưởng, giáo viên hơi băn khoăn khi hình dung việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không thu phí.

Trong khi đó, một số chuyên gia từng có thời gian làm quản lý giáo dục lại cho rằng đây sẽ là cơ hội để thay đổi, khắc phục những bất cập trong việc triển khai dạy 2 buổi/ngày theo hướng thực chất, hiệu quả khi chuyển từ nguồn kinh phí thu của phụ huynh sang nguồn kinh phí do Nhà nước cấp, kết hợp với các nguồn lực xã hội hóa khác.

Trước hết phải tính toán để tăng chi ngân sách cho giáo dục và phân cấp quản lý để có hiệu quả. Tôi cũng cho rằng việc phân bổ tài chính cho giáo dục cần được công khai và giám sát chặt chẽ. Trong đó có cơ chế để cấp kinh phí ổn định cho nội dung dạy 2 buổi/ngày theo đúng lộ trình.
Ông NGUYỄN VINH HIỂN (nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT)

Mục tiêu trong nhiều năm qua

Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng dạy 2 buổi/ngày là một trong các mục tiêu ngành giáo dục thực hiện trong nhiều năm qua, trước hết ở cấp tiểu học và hiện đang mở rộng hơn ở trung học. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để nâng chất lượng giáo dục. 

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tổ chức cho học sinh ở trường cả ngày cũng là điều kiện để làm tốt hơn việc phát triển năng lực, kỹ năng của học sinh qua nhiều hoạt động trải nghiệm, thực hành có thể được tổ chức ngoài thời lượng các môn học đã được bộ quy định trong chương trình giáo dục 2018.

Trên thực tế thời gian qua nhiều trường cũng kết hợp với các đơn vị, tổ chức ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng nằm trong khuôn khổ buổi học thứ hai trong ngày. 

Nhưng khi nguồn kinh phí dạy 2 buổi/ngày thu của phụ huynh nên ở đâu đó cũng tồn tại tình trạng các trường đưa quá nhiều nội dung hợp tác với các đơn vị bên ngoài vào mà chưa tính toán đến hiệu quả và tính thiết thực với học sinh. 

Có những trường chưa làm đúng tinh thần dạy 2 buổi/ngày. Vì thế, cùng với việc điều chỉnh về nguồn kinh phí, việc này cũng phải được xem xét lại một cách toàn diện để khắc phục những điểm bất cập.

Ông Hiển cho rằng "cần phải có một nghị định của Chính phủ là cơ sở pháp lý để các địa phương, bộ, ngành vào cuộc". Theo đó, mỗi địa phương cần có kế hoạch tổng thể cho việc triển khai việc này và thực hiện một loạt các công việc như rà soát điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, lộ trình triển khai tương ứng với tỉ lệ học sinh sẽ học 2 buổi/ngày ở mỗi năm học và có các giải pháp thực hiện. 

Trong các giải pháp, có những nội dung phải đề xuất cấp thẩm quyền phê duyệt, có những giái pháp là trách nhiệm của địa phương, ngành giáo dục cần chủ động. Tinh thần là nơi nào đủ điều kiện mới thực hiện nhưng nếu không có kế hoạch tổng thể và lộ trình thì sẽ khó có thể "đủ điều kiện" để đáp ứng mục tiêu.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, bên cạnh vấn đề tài chính sẽ là các vấn đề khác cũng cần có kế hoạch triển khai đồng bộ. Cụ thể là việc tiếp tục bổ sung trường, lớp để đảm bảo đủ cơ sở vật chất triển khai, đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên để có năng lực trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục của giáo viên.

Cũng chia sẻ về câu chuyện tài chính, một số hiệu trưởng của Hà Nội cho biết hiện kinh phí chi thường xuyên của các trường chỉ còn 19 - 20% vì có trên 80% chi cho lương giáo viên. Nếu không còn nguồn thu từ phụ huynh để dạy 2 buổi/ngày thì cần có điều chỉnh để tăng nguồn chi thường xuyên cho các nhà trường.

v - Ảnh 2.

Học sinh tiểu học ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ trong giờ học - Ảnh: T.LŨY

"Học sinh đến trường cả ngày"

Ông Nguyễn Xuân Thành, hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, cho rằng nên thay đổi tên gọi dạy 2 buổi/ngày bằng tên "học sinh đến trường cả ngày". Theo đó, người làm giáo dục cũng phải thay đổi tư duy và cách làm. 

Việc học sinh đến trường cả ngày không chỉ là được xếp ngồi trong lớp học để giáo viên dạy mà học sinh ở trường để tự học, để đọc sách, tham gia thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động trải nghiệm, để học nhóm, để tham gia các câu lạc bộ…

Học sinh có thể học và làm việc với giáo viên nhưng cũng có thể tự làm việc cùng nhau hay tự học theo hướng dẫn. Mỗi trường khi đó không nhất thiết phải có đủ giáo viên để đứng ở tất cả các lớp trong tất cả các buổi mà có các giáo viên được giao chuyên trách hoặc kiêm nhiệm giám sát chung hoạt động của học sinh. Các trường có thể tạo nên các không gian cho học sinh tự học, tự đọc cho học sinh.

"Với thay đổi về tư duy trong việc đưa học sinh đến trường cả ngày, sẽ không có khái niệm phân biệt "buổi chính và buổi phụ". Các trường có thể chủ động, linh hoạt theo điều kiện (cơ sở vật chất, giáo viên, đơn vị hợp tác) để thiết kế chương trình nhà trường mà không phải cứng nhắc có đủ phòng, đủ giáo viên đứng mỗi lớp mới triển khai" - ông Thành nêu quan điểm.

Trước khi có ý kiến của Tổng Bí thư về định hướng dạy học 2 buổi/ngày không thu phí của phụ huynh, việc này cũng có dư luận khá ồn ào vào cuối tháng 4-2025 nhân việc Bộ GD-ĐT nêu mục tiêu dạy 2 buổi/ngày như một trong những giải pháp để nâng chất lượng giáo dục với chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Cũng từ việc này, một thực tế được bộc lộ là nhiều nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày khá cứng nhắc. Thậm chí, khi thông tư 29 có hiệu lực siết việc dạy thêm trong nhà trường, nhiều trường tận dụng "buổi hai" có nguồn thu để dạy thêm. 

Bộ GD-ĐT từng cho biết sẽ có hướng dẫn nội dung dạy 2 buổi/ngày vào đầu tháng 5-2025 nhưng hiện thời chưa ban hành như hẹn.

Xã hội hóa không phải là "xin tiền…"

Ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng xã hội hóa giáo dục không phải chỉ là "xin tiền các đơn vị, cá nhân" như nhiều người nghĩ mà cần hiểu rộng hơn.

Các nhà trường phổ thông hoặc ngành giáo dục mỗi địa phương có thể chủ động đặt vấn đề hợp tác với các đơn vị khác nhau. Có thể đó là các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ sở sản xuất cụ thể nhưng cũng có thể là sự phối hợp giữa các cơ quan chủ quản của các lĩnh vực khác nhau để thực hiện các nội dung, chương trình giáo dục giúp cho học sinh được trải nghiệm, học tập, thực hành. 

Trong các mối quan hệ hợp tác này, các trường có thể đưa học sinh đến các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, di tích văn hóa, lịch sử để học tập, trải nghiệm hoặc có thể mời người của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, tham gia tổ chức hoạt động…

"Có những nội dung nhà trường không thể làm tốt bằng bên ngoài, nhưng trong việc hợp tác nhà trường, thầy cô giáo vẫn phải là người chủ động "ra đề bài" để các đối tác tham gia, làm sao để không đi chệch mục tiêu giáo dục đã đề ra" - ông Hiển nói. 

Việc xã hội hóa đương nhiên phải tính đến cả trách nhiệm và quyền lợi của hai bên: trường học và đơn vị hợp tác. Quyền lợi ở đây không phải chỉ là một nguồn thu được chia sẻ cho cả trường và đơn vị hợp tác (như từng tồn tại trên thực tế khi các hoạt động được thu tiền của người học) mà có thể là được thụ hưởng các chính sách ưu đãi. Ví dụ doanh nghiệp tham gia hoạt động công ích sẽ được miễn thuế…

Mỗi phụ huynh là một "đại sứ" của trường

Về vấn đề xã hội hóa, cô Nguyễn Thị Thu Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm thời cô còn làm hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), trường đã nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều đơn vị và đặc biệt là rất nhiều phụ huynh.

Mỗi phụ huynh có thể là "đại sứ" của một lĩnh vực đời sống ngành nghề và họ tham gia ở các vai trò như thuyết trình, tư vấn, cung cấp thông tin và kết nối nhà trường với các đối tác để hỗ trợ về mọi mặt cho học sinh có những hoạt động trải nghiệm.

Theo cô Thu Anh, nếu hiểu đúng về xã hội hóa, nhà trường có thể là nơi gặp gỡ của những tấm lòng, trí tuệ, tâm huyết…

Nhiều vấn đề cần được điều chỉnh

Cô Nguyễn Thị Thu Anh, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực VN, cho rằng sẽ có nhiều vấn đề cần được điều chỉnh để có cơ sở pháp lý thực hiện đồng bộ. Ví dụ như tăng lương cho giáo viên, thay đổi quy định liên quan tới định mức tiết dạy của giáo viên để phù hợp với tình hình mới.

Cô Thu Anh cũng cho rằng nguồn tài chính, tài sản tiết kiệm từ việc thực hiện chủ trương tinh giản, sáp nhập cần được rà soát và điều chuyển cho ngành giáo dục để thực hiện các mục tiêu giáo dục mà không phải thu tiền của người học. Đây là những việc cần làm ngay song song với việc thực hiện các nội dung đang được đặt ra với ngành giáo dục.

Ngân sách nhà nước cần bố trí nguồn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - giảng viên cao cấp Viện thương mại và kinh tế quốc tế Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho rằng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm miễn phí học 2 buổi/ngày từ năm học tới là rất phù hợp. Cùng với miễn học phí, việc miễn phí học 2 buổi/ngày cho thấy sự quan tâm đặc biệt, tiếp tục ưu tiên cho giáo dục của Đảng.

Việc dạy học 2 buổi/ngày nhằm tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện kiến thức cũng như kỹ năng sống... Song việc tổ chức học 2 buổi/ngày cần có điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, tài chính... Như cơ sở vật chất thì phòng học đủ và có không gian để dạy những môn nghệ thuật…

Riêng về tài chính, theo ông Lạng, khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày như hiện nay phụ huynh sẽ nộp phí dịch vụ này. Mức phí sẽ do HĐND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quy định. Và từ năm học 2025-2026 theo chỉ đạo của Tổng Bí thư là sẽ miễn phí, vậy vấn đề đặt ra là sẽ lấy nguồn từ đâu để chi trả thù lao cho giáo viên để mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày?

“Theo tôi, kinh phí tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cần thiết khuyến khích xã hội hóa. Đơn cử doanh nghiệp, cá nhân tài trợ cho trường A kinh phí thì quá tốt. Như vậy kinh phí chi chỉ cho địa chỉ cụ thể, trong một thời gian nhất định cho một chương trình nào đó chứ không có tính bền vững lâu dài.

Nên để đảm bảo cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bên cạnh việc khuyến khích xã hội hóa thì Nhà nước vẫn phải là chủ đạo trong đầu tư trường lớp. Đồng thời ngân sách nhà nước cần bố trí chi thù lao cho giáo viên” - ông Nguyễn Thường Lạng góp ý.

Học 2 buổi/ngày không thu phí: Cơ hội thay đổi, khắc phục bất cập - Ảnh 3.

Một tiết học tiếng Việt của cô trò lớp 2 Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM tại thư viện của trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trụ sở dôi dư sẽ ưu tiên để làm trường học

Để khắc phục tình trạng nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM... thiếu trường công lập, ông Nguyễn Tân Thịnh - cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) - cho biết nhà, đất công được ưu tiên để làm trường học.

Cụ thể số lượng tài sản công, nhất là trụ sở cơ quan nhà nước sẽ dôi dư rất lớn sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập và tổ chức chính quyền địa phương theo hai cấp. Do đó trong công văn hướng dẫn xử lý tài sản công vừa gửi cho các bộ ngành, UBND tỉnh, Bộ Tài chính nêu rõ trụ sở cơ quan nhà nước dôi dư sẽ được ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở giáo dục, y tế, thư viện, công viên...

“Qua trao đổi, các địa phương đều quán triệt tinh thần này. Và chúng tôi có lưu ý địa phương cần tính toán quỹ đất phục vụ cho giáo dục, y tế theo mô hình xã mới, tỉnh mới chứ không phải xã, tỉnh trước đây” - ông Thịnh cho hay.

Học 2 buổi/ngày không thu phí: Cơ hội thay đổi, khắc phục bất cập - Ảnh 4.

Giờ học thể dục của học sinh một trường tiểu học ở Đắk Lắk - Ảnh: TRUNG TâN

- Đại biểu TRẦN QUỐC TUẤN (đoàn Trà Vinh):

Cần kế hoạch triển khai đồng bộ

Chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tổ chức học 2 buổi/ngày miễn phí cho học sinh từ năm học 2025 - 2026, hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS ở các xã biên giới, đã tạo tâm điểm thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là phụ huynh học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa…

Để thực hiện hiệu quả chủ trương mang tính chiến lược, đột phá và rất nhân văn về giáo dục và đào tạo, ngoài các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ GD-ĐT cần khẩn trương phối hợp các ban, bộ ngành Trung ương hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm.

Trong đó, cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đặc biệt là nhanh chóng cải tạo phòng học tại các vùng khó khăn, tận dụng không gian cộng đồng, nhất là tận dụng các trụ sở cơ quan sau sắp xếp. Đảm bảo có đủ phòng học, phòng thực hành thí nghiệm, thiết bị công nghệ (máy tính, máy chiếu) và đảm bảo kết nối Internet ở vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, đảm bảo có nước sinh hoạt, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, có sân chơi, chỗ ở cho giáo viên, trong đó có cả không gian sinh hoạt cộng đồng cho học sinh học tập các môn kỹ năng mềm.

Cần chuẩn bị tốt chương trình học tập linh hoạt, có thể buổi sáng tập trung vào môn chính (toán, văn, ngoại ngữ…). Buổi chiều dành cho hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống, hoặc phụ đạo. Mời chuyên gia, sinh viên sư phạm hỗ trợ giảng dạy hoặc tổ chức hoạt động ngoài giờ.

Một nội dung khác là từng địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, ngân sách hỗ trợ, lộ trình, đối tượng và địa bàn triển khai áp dụng ngay trong năm học 2025 - 2026, sau đó sẽ nhân rộng áp dụng cho đối tượng và địa bàn rộng hơn. Chính phủ cần nghiên cứu tăng tỉ trọng chi ngân sách cho giáo dục, ưu tiên vùng khó khăn.

Quá trình triển khai phải đi kèm với giải pháp truyền thông, phổ biến lợi ích của học 2 buổi/ngày qua truyền thông địa phương, họp phụ huynh. Cũng cần có giám sát chặt chẽ, không để xảy ra thu phí trái phép, đảm bảo thực hiện hiệu quả nội dung kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm.

- Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (phó Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương):

Tránh buổi 2 thành học thêm không thu tiền

Tổng Bí thư Tô Lâm đã thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên.

Việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện. Thời gian thực hiện từ năm học 2025 - 2026. Tôi cho rằng đây là chủ trương rất nhân văn, phù hợp.

Để thực hiện được việc này cần xây dựng lộ trình hợp lý qua từng năm học chứ không thể ngay lập tức áp dụng, 100%, bởi năm học 2024 - 2025 sắp kết thúc và năm học 2025 - 2026 đã sắp tới.

Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường phải chuẩn bị rất kỹ về cơ sở vật chất. Bởi muốn dạy và học thì chắc chắn phải có trường, lớp. Hiện nay tình trạng thiếu lớp học vẫn xảy ra và ngay tại Hải Dương là tỉnh trung tâm Đồng bằng sông Hồng vẫn thiếu lớp học.

Trong đó, nhiều nơi học sinh phải học các lớp học tạm, không có đầy đủ trang thiết bị theo yêu cầu hay số lượng học sinh quá lớn, trong khi thiếu phòng học dẫn đến phải học 2 ca. Vì vậy, phải đảm bảo và coi đây là ưu tiền hàng đầu.

Điều thứ hai, hiện nay, theo thống kê của ngành giáo dục còn thiếu hơn 100.000 giáo viên trên cả nước nên phải có cơ chế, chính sách để tuyển đủ được giáo viên.

Điều quan trọng không kém là ngành giáo dục, các địa phương, trường cần xây dựng chương trình học buổi 2 thế nào cho hợp lý, tránh học buổi 2 thành học thêm không thu tiền. Khi đó, lại nhồi nhét thêm kiến thức, có thể dẫn đến gia tăng áp lực lên học sinh.

Việc Tổng Bí thư nhấn mạnh khuyến khích tăng thời lượng dạy kỹ năng sống, các môn nghệ thuật là rất hợp lý, cần xây dựng chương trình cho hợp lý. Hiện nay, các trường đều thiếu giáo viên nghệ thuật, kỹ năng sống nên cần có phương án, lộ trình tuyển dụng, mời các chuyên gia tham gia hỗ trợ giảng dạy.

Một số giáo viên băn khoăn lẽ ra chỉ dạy một buổi, còn giờ tại sao dạy thêm buổi thứ 2 lại không được thu tiền? Tôi cho rằng việc này không đáng lo, bởi tại kỳ họp Quốc hội này sẽ xem xét thông qua Luật Nhà giáo với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho giáo viên.

Trong đó, lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hệ thống nhà nước. Ngoài ra, tùy theo địa bàn mà giáo viên sẽ được nhận nhiều hỗ trợ, chính sách đặc thù khác…

Học 2 buổi/ngày không thu phí: Cơ hội thay đổi, khắc phục bất cập - Ảnh 5.Học 2 buổi/ngày không thu phí, bất công với giáo viên, bất cập với học sinh?

Đề xuất dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh THCS và THPT nhưng không thu phí tiếp tục gây tranh luận trong bạn đọc, về việc giáo viên phải dạy thêm giờ và hiệu quả học tập của học sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0