Hòa bình - đức hạnh của nhân loại

Khát vọng hòa bình luôn là lý tưởng cao đẹp mà loài người phấn đấu và hướng tới. Có lẽ đó là mong ước của bất kỳ người dân nào trên Trái đất này, là nguyện vọng từ muôn đời nay của các dân tộc.

hòa bình - Ảnh 1.

Bà Anna và 6 con nhỏ đi di tản trên một chuyến tàu tại một địa điểm không xác định ở khu vực Donetsk do chiến sự Nga - Ukraine - Ảnh: AFP

Nhà thơ, nhà chính trị thiên tài Nguyễn Trãi đã từng mong muốn về "thái bình muôn thuở, tắt muôn đời ngọn lửa chiến tranh" hay đại thi hào Victor Hugo cũng từng chiêm nghiệm "hòa bình là đức hạnh của nhân loại".

Tuy nhiên, ngay cả trong những giai đoạn được coi là hòa bình nhất trong lịch sử thế giới như ngày nay, vẫn có những em bé ở Gaza đang ngày ngày sống trong những căn nhà sụp đổ bởi bom đạn chiến tranh hay hàng triệu người dân thường Ukraine đang phải đi lánh nạn do chiến tranh.

50 năm đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Tổ quốc liền một dải. 50 năm đất nước được sống trong hòa bình, không có tiếng súng, đã có những thế hệ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình.

Nhưng có lẽ chỉ có những người đã trải qua chiến tranh, chịu đựng những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra mới có thể cảm nhận rõ nhất giá trị vĩnh viễn và to lớn của hòa bình.

Cuốn nhật ký Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm không chỉ là bản anh hùng ca đề cao sự dũng cảm, can trường trong chiến đấu mà còn là khát khao hòa bình cháy bỏng và hành trình của một người phụ nữ Việt Nam đi tìm kiếm hòa bình.

Những dấu tích và nỗi đau do chiến tranh gây ra vẫn còn đó. Để có được hòa bình hôm nay, đã có hơn 3 triệu người Việt Nam nằm xuống khắp mọi miền của Tổ quốc.

Một đất nước nhỏ bé có tới hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, 1,2 triệu liệt sĩ. Tại nhiều địa phương, vẫn còn hàng vạn người con chưa có tên trên bia mộ, vẫn còn hàng nghìn gia đình trong cả nước mang nỗi đau vì chưa có thông tin về người đã khuất.

Có những bà mẹ đón nhận tin vui đất nước thống nhất bằng niềm vui sướng tột cùng và bằng cả nỗi chờ mong những đứa con đi xa trở về, thế nhưng những người con của mẹ đã vĩnh viễn nằm lại khắp các chiến trường đất nước.

Thậm chí 50 năm đã qua đi nhưng những dấu tích của chiến tranh vẫn còn đó. Trong hòa bình, máu vẫn đổ khi số bom mìn của chiến tranh nằm trong lòng đất mỗi năm đã cướp đi sinh mạng của bao người dân vô tội.

Những di chứng kinh hoàng của chiến tranh vẫn khiến bao số phận phải chung sống với chất độc da cam/dioxin trong dị tật và đau đớn. Nhiều gia đình vẫn sống cùng nỗi đau hằng ngày của những người thân thiết đã mất đi một phần cơ thể.

Nhìn rộng ra thế giới, lịch sử loài người từ khi hình thành nhà nước cũng là lịch sử gắn liền với những cuộc chiến tranh.

Xuất phát từ tham vọng chinh phục lãnh thổ, tài nguyên, quyền lực, lịch sử loài người được viết nên bởi chiến tranh, từ các cuộc chiến giữa các thành bang Hy Lạp, của đế chế La Mã đến những cuộc chinh phục của vó ngựa Mông Cổ và tham vọng thuộc địa của các nước châu Âu.

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, chính trị cường quyền đã trở thành nhân tố quyết định quan hệ giữa các quốc gia.

Trong cuộc xung đột giữa thành Athens và thành Sparta ở Hy Lạp trước Công nguyên, Melos - một hòn đảo nhỏ cố gắng giữ độc lập và trung lập nên đã chống lại việc Athens biến họ thành một chư hầu.

Trong cuộc thương lượng, các tướng lĩnh Athens đã nói "kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu thì phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận". Câu nói này đã trở thành một ví dụ kinh điển và tư tưởng chi phối về chính trị cường quyền trong quan hệ giữa các nước.

Khi tư tưởng "nước lớn có thể làm những gì họ muốn, nước nhỏ phải chịu những gì phải chịu" trong cuộc đối thoại Melos chi phối cách hành xử của các quốc gia, chiến tranh đã trở thành điều tất yếu và hòa bình chỉ còn là điều xa xỉ.

Ngày nay chúng ta thật may mắn được sống trong thời kỳ hòa bình nhất trong lịch sử.

Nhưng để có được điều đó, nhân loại đã phải trải qua những hậu quả ghê gớm nhất của chiến tranh mà đỉnh điểm là hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20 đã khiến 100 triệu người thiệt mạng cùng hàng loạt cuộc chiến tranh lớn nhỏ khác và sự hủy diệt của những vũ khí do chính loài người sản xuất ra như bom nguyên tử, bom napalm...

Sự xuất hiện của những thể chế như Liên hợp quốc, sự ra đời của luật pháp quốc tế, sự nổi lên của những vấn đề toàn cầu đòi hỏi các nước phải chung tay hợp tác và đặc biệt nguy cơ về một cuộc chiến với vũ khí hủy diệt và khát vọng hòa bình, phong trào phản đối chiến tranh của nhân loại đã góp phần ngăn chặn những ý định châm ngòi chiến tranh.

Nhưng không phải bất kỳ người dân nào trên Trái đất này đều được hưởng niềm vui chung đó. Hàng triệu người vô tội đang là nạn nhân của hai cuộc chiến tàn khốc đang diễn ra ở Ukraine và Gaza.

Những tham vọng của các quốc gia về lãnh thổ, tài nguyên, quyền lực, thậm chí đôi khi được thúc đẩy bởi lợi ích hay tham vọng của một số ít người vẫn đang ngày ngày khiến bom đạn rơi ở nhiều khu vực.

Khi chi tiêu cho quân sự tăng lên mức kỷ lục trong lịch sử hơn 2.400 tỉ USD, khi những loại vũ khí mới vẫn được sản xuất để phục vụ cho chiến tranh và khi những chính trị gia vẫn còn lớn tiếng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, chặng đường để có được hòa bình cho nhân loại vẫn còn dài.

Có lẽ hòa bình sẽ chỉ có được khi người dân trên thế giới này cùng chung tay, khi lương tri của nhân loại cùng lên tiếng đấu tranh cho hòa bình.

Như nhà bác học Albert Einstein đã từng nói "Không thể gìn giữ hòa bình bằng bạo lực, nó chỉ có thể đạt được bằng sự thông hiểu lẫn nhau", xét cho cùng hòa bình là cuộc chiến duy nhất đáng tiến hành.

Hòa bình - đức hạnh của nhân loại - Ảnh 1.50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại

50 năm sau chiến thắng lịch sử 30-4-1975, hội thảo khoa học quốc tế tại Hà Nội ngày 23-4 đã nêu bật vai trò then chốt của ngoại giao Việt Nam trong việc kiến tạo hòa bình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0