
Nhà ga T3 chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19-4, bắt đầu phục vụ các chặng bay từ TP.HCM đi Hà Nội và Vân Đồn do Vietnam Airlines khai thác, góp phần đáng kể giảm áp lực cho nhà ga T1 trong cao điểm lễ 30-4 - Ảnh: TIA
Dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày năm nay đã tạo nên "cú hích" lớn cho ngành hàng không. Theo thống kê sơ bộ từ Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 29-4 đến 4-5, tổng cộng có hơn 12.600 lượt chuyến bay cất và hạ cánh tại các cảng hàng không trên cả nước, tăng 19,45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng lượng khách thông qua hệ thống sân bay đạt gần 2,1 triệu lượt, tăng 25,8%; sản lượng hàng hóa đạt 23.300 tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Tân Sơn Nhất dẫn đầu, Nội Bài và Đà Nẵng bứt tốc
Là sân bay có quy mô lớn nhất cả nước ở thời điểm hiện tại, Tân Sơn Nhất tiếp tục dẫn đầu với khoảng 4.300 lượt cất hạ cánh, phục vụ 709.600 lượt hành khách và 8.400 tấn hàng hóa.
So với kỳ nghỉ năm trước, lượng chuyến tăng 14,3%, hành khách tăng 19,5% và hàng hóa tăng nhẹ 0,73%.
Tại Nội Bài, sản lượng khai thác cũng bứt phá với 3.480 lượt cất hạ cánh, 578.000 lượt khách, 12.900 tấn hàng hóa - tương ứng tăng 24,6%, 29,6% và 24,4%.
Trong khi đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng đạt 1.670 lượt chuyến bay, 271.170 hành khách và 1.000 tấn hàng hóa, tăng mạnh lần lượt 23,1%, 26,6% và đặc biệt là 207,9% về hàng hóa.
Tính trung bình, mỗi ngày nghỉ lễ có hơn 2.000 lượt chuyến bay, 340.000 lượt hành khách, 3.800 tấn hàng hóa qua các sân bay cả nước - con số cho thấy mức độ nhộn nhịp chưa từng có kể từ sau đại dịch.
Hãng bay tăng chuyến, "cháy vé" nhiều đường bay

Hành khách đi lại ở Tân Sơn Nhất trong dịp lễ 30-4, không chỉ đông ở nội địa mà chặng bay quốc tế khá nhộn nhịp - Ảnh: TIA
Đại diện một hãng hàng không lớn chia sẻ hoạt động khai thác trong kỳ nghỉ lễ năm nay gần như diễn ra liên tục, ngày đêm không nghỉ. Đặc biệt các chuyến bay đến các điểm du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Côn Đảo có tỉ lệ lấp đầy rất cao, nhiều chuyến "cháy vé" từ sớm.
"Dịp lễ 30-4 năm nay nhộn nhịp hơn rõ rệt. Ngoài việc nghỉ kéo dài 5 ngày, còn có yếu tố kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu hút lượng lớn hành khách từ quốc tế đến TP.HCM, các đoàn ngoại giao, công tác, khách quốc tế tham quan. Các chuyến bay đến TP.HCM gần như đầy chỗ, vé bán khá nhanh" - vị này cho biết.
Thực tế, dịp lễ các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines hay Vietravel Airlines đều neo giá vé khá cao.
Giá vé phổ thông trong dịp cao điểm này cũng tăng mạnh, dao động từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/vé cho các chặng nội địa phổ biến, thậm chí lên tới 2,5 triệu đồng/vé vào khung giờ đẹp nhưng nhiều hãng vẫn không đủ chỗ.
Đánh giá của cơ quan quản lý hàng không, những ngày đầu kỳ nghỉ ghi nhận tình trạng chậm chuyến tại một số sân bay, đặc biệt do quá trình chuyển đổi đơn vị phục vụ mặt đất tại Tân Sơn Nhất.
Dù vậy, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng toàn bộ hoạt động khai thác đã được kiểm soát tốt và sớm ổn định trở lại nhờ sự phối hợp giữa các đơn vị trong ngành, xử lý nhanh mọi phát sinh…
Theo các chuyên gia, cao điểm lễ 30-4 và 1-5 là "bài kiểm tra sức bền" đầu tiên cho ngành hàng không trước mùa cao điểm hè dự kiến bắt đầu từ giữa tháng 6.
BÌNH LUẬN HAY