14/07/2025 11:37 GMT+7

Hạn chế xe xăng ở TP.HCM sẽ bắt đầu từ ai và khu vực nào?

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy chạy xăng vào đường vành đai 1 từ 1-7-2026, TP.HCM đang tích cực rà soát phương án đề xuất hạn chế xe có mức phát thải cao tại các khu vực.

xe 

Hạn chế xe xăng ở TP.HCM sẽ bắt đầu từ ai và khu vực nào? - Ảnh 1.

TP.HCM có khoảng 400.000 shipper, tài xế công nghệ hoạt động. Mỗi ngày một tài xế di chuyển trung bình 80 - 120km, gấp 3 - 4 lần người dân thường. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất 4 giai đoạn chuyển đổi xe của nhóm tài xế này sang xe điện - Ảnh: T.T.D.

Hầu hết người dân ủng hộ việc hạn chế xe xăng, dầu để giảm phát thải bảo vệ môi trường trong tình hình hiện nay.

Đồng thời người dân mong muốn TP.HCM rà soát kỹ, bắt đầu cấm từ ai, khu vực nào để triển khai có lộ trình phù hợp.

Tập trung chuyển đổi xanh 100% xe buýt, lập 3 vùng phát thải thấp

Trên cơ sở chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, khí metan của Chính phủ và nghị quyết 98, UBND TP.HCM phân công Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông phù hợp với quy mô TP.HCM mở rộng.

Đề án kiểm soát khí thải xe chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1: Xây dựng lộ trình chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Áp dụng từ năm 2025, mục tiêu đến năm 2030 100% xe buýt của TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh.

Giai đoạn 2: Xây dựng đề án và tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP ban hành chính sách giảm khí thải các xe còn lại. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi...

Đề án cũng nghiên cứu giải pháp phân vùng, ưu tiên cho xe năng lượng xanh, hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các khu vực như trung tâm TP.HCM, khu Cần Giờ (cũ), đặc khu Côn Đảo...

Sở Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị nhanh chóng nghiên cứu, tính toán, đề xuất phương án hạn chế xe cộ có mức độ phát thải cao tại những khu vực nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

ThS Lê Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) - nhận định TP.HCM đang có những bước đi thận trọng trong kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn đem lại những kết quả nhất định.

Trong đó phải kể đến những chuyển biến rõ rệt từ xe buýt, hiện hệ thống xe buýt thành phố đã có khoảng 31,1% xe sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch thân thiện với môi trường (xe điện, xe CNG).

Nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục đề xuất tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, xe buýt điện. Ngày 1-8 tới đây, TP.HCM dự kiến đưa 37 tuyến buýt vừa đấu thầu vào hoạt động với hàng trăm xe buýt điện.

"Việc cấm hẳn xe máy xăng, dầu trong nội đô cần có lộ trình từng bước để nhận được sự đồng thuận cao, hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân.

Thời gian tới, các đơn vị cần xác định rõ ràng hơn những loại xe nào xả thải nhiều nhất theo số liệu thực tế (như shipper, tài xế xe công nghệ). Địa bàn nào có phạm vi dễ khoanh vùng áp dụng chính sách làm trước (Cần Giờ, Côn Đảo...).

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi xanh cho xe buýt đảm bảo mục tiêu 100% xe buýt ở TP.HCM là buýt xanh; tính toán thu phí xả thải khu vực nội đô", ông Hải nói.

Ưu tiên chuyển đổi xanh 400.000 xe của shipper, xe công nghệ

Ông Lê Thanh Hải thông tin Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đang nghiên cứu chuẩn bị trình UBND TP.HCM đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện cho đội ngũ shipper, tài xế công nghệ trong tháng 7-2025. Dự kiến áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích từ 1-1-2026.

TP.HCM có khoảng 400.000 shipper, tài xế công nghệ hoạt động, và mỗi ngày một tài xế di chuyển trung bình 80 - 120km, gấp 3 - 4 lần người dân thường (số liệu khảo sát), nên nhóm này cần được triển khai chuyển đổi trước tiên.

Hình ảnh shipper, tài xế công nghệ di chuyển nhiều bằng xe điện sẽ góp phần thay đổi nhận thức, thúc đẩy nhu cầu dùng xe điện trong cộng đồng dân cư.

Nhiều doanh nghiệp vận tải, giao hàng hiện sẵn sàng chuyển đổi hạn chế xe xăng, triển khai thí điểm dùng xe điện cho đội ngũ tài xế, họ sẽ mở rộng khi có chính sách phù hợp từ nhà nước.

Nhóm nghiên cứu đề xuất 4 giai đoạn chuyển đổi đối với shipper, tài xế công nghệ: 

- Giai đoạn 1 (đến tháng 12-2025) đạt 30% khoảng 120.000 xe; 

- Giai đoạn 2 (đến tháng 12-2026) đạt 50% khoảng 200.000 xe; 

- Giai đoạn 3 (đến tháng 12-2027) đạt 80% khoảng 320.000 xe; 

- Giai đoạn 4 (đến tháng 12-2029) đạt 100% khoảng 400.000 xe.

Đề xuất chính sách hỗ trợ từ TP.HCM cho shipper, tài xế công nghệ và người dân mua mới xe máy điện:

- Hỗ trợ lãi suất cho vay theo tinh thần nghị quyết 198, dự kiến lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh.

- Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân sản xuất và kinh doanh xe máy điện được nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

- Hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các tài xế công nghệ và giao hàng và thực hiện các hỗ trợ pháp lý cho ngân hàng nhanh chóng thu hồi nợ xấu.

- Hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe máy điện phối hợp cùng ngân hàng thiết kế sản phẩm tín dụng cho vay chuyển đổi xe máy điện.

- Hỗ trợ tạo điều kiện cho kinh doanh trạm dừng nghỉ kết hợp sạc điện; hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe máy điện áp dụng các chính sách ưu đãi khuyến khích tài xế chuyển đổi sang sử dụng xe máy điện.

- Hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua, thu đổi, xử lý tái chế, loại bỏ xe hai bánh chạy xăng cũ ra khỏi lưu thông...

Đề án cũng kiến nghị trung ương miễn thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy đăng ký và cấp mới biển số lần đầu cho xe máy điện trong vòng 2 năm kể từ 1-1-2026. Đồng thời hoàn thuế giá trị gia tăng trên mỗi chuyến xe, hỗ trợ cho tài xế sử dụng cung cấp dịch vụ bằng xe máy điện.

Dự kiến chuyển đổi 80% xe shipper, tài xế công nghệ sang xe điện trong 2 năm

Khi tất cả các đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ được chấp nhận, nhóm nghiên cứu dự kiến trong 2 năm có thể cơ bản chuyển đổi được trên 80% tài xế công nghệ và giao hàng 2 bánh sang xe điện.

Tiếp đó TP.HCM và trung ương sẽ tiếp tục có những biện pháp quyết liệt để hạn chế xe xăng nói chung, và có thể có lộ trình cấm hẳn xe xăng tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách và giao hàng.

Hạn chế xe xăng, dầu ở TP.HCM bắt đầu từ ai, khu vực nào? - Ảnh 2.Chủ tịch Nguyễn Văn Được chỉ đạo nghiên cứu giao thông xanh toàn TP.HCM mở rộng

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Tập đoàn Vingroup đồng hành cùng thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố xanh và thân thiện với môi trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0