
Với hơn 8.000 tấn rác thải nhựa phát sinh mỗi ngày (theo số liệu năm 2021 của WWF Việt Nam), Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về ô nhiễm nhựa - Ảnh: UNDP
Lý thuyết là vậy, nhưng tôi từng chứng kiến một nhân viên khách sạn đổ nước từ chai nhựa 500ml vào chai thủy tinh rồi đem ra cho các đại biểu dùng trong một cuộc hội thảo.
Năm 2019, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ, ký công văn thực hiện phong trào "chống rác thải nhựa": không sử dụng ly, cốc, ống hút bằng nhựa, túi ni lông, chai nước nhựa sử dụng một lần; không sử dụng các sản phẩm văn phòng như túi clear, bìa kính, sticker đánh dấu bằng ni lông.
Không sử dụng pháo sáng trong các hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện; sử dụng màn hình chiếu làm phông nền hoặc sử dụng phông dùng nhiều lần.
Không treo băng rôn, pa nô, backdrop, áp phích, quảng cáo, tuyên truyền bằng nhựa hiflex. Không thanh toán các khoản chi có liên quan đến tiêu dùng các sản phẩm ni lông, nhựa sử dụng một lần tại cơ quan, đơn vị.
Đến năm 2021, ông Nguyễn Văn Phương - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là chủ tịch UBND TP Huế) - ký tiếp công văn về giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn, nội dung thực hiện cũng tương tự như thời ông Phan Ngọc Thọ.
Thực hiện các công văn trên, Huế triển khai nhiều dự án, chương trình nhằm giảm rác thải nhựa nhưng làm kiểu rất hời hợt.
Huế tổ chức ra mắt một số địa điểm du lịch giảm rác thải nhựa, "Chủ nhật xanh" nhưng lại in pa nô, phông bạt bằng vật liệu nhựa hiflex để tuyên truyền, cắt băng khánh thành để ra mắt.
Câu hỏi đặt ra khi chủ trương đề cập việc không được dùng pa nô in bằng vật liệu nhựa hiflex thì sao vẫn được sử dụng? Và những tấm bạt, dải băng dùng để cắt băng khai trương đó sẽ đi về đâu nếu không ra bãi rác?
Những sự kiện lớn như festival hay chương trình nghệ thuật, các tấm pa nô bằng nhựa hiflex quảng bá, in chương trình sự kiện vẫn được dùng rất nhiều.
Điều này đi ngược với những công văn trên. Rác thải nhựa, bao bì ni lông, chai nhựa, ly nhựa dùng một lần vẫn cứ được dùng.
UBND TP Hà Nội vừa có công văn nêu rõ từ năm 2026, khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần. Các chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học bắt đầu từ năm 2027.
Đến năm 2028, trong hoạt động sinh hoạt, các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc chính quyền TP không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Từ năm 2031 dừng sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Những công văn, chỉ thị được soạn thảo đưa ra cuộc sống thì rất đơn giản nhưng việc thực hiện như thế nào thì đó là một bài toán khó.
Và hầu như tôi thấy toàn được thực hiện ngược lại với chủ trương. Thói quen tiêu dùng, thói quen đi chợ và sự tiện lợi khiến người dân khó thay đổi. Ngay cả với các cơ quan công quyền, công văn đưa về họ vẫn khó thực hiện, nếu có cũng kiểu đối phó.
Nếu để ý bạn sẽ thấy các dự án giảm rác thải nhựa, không dùng đồ nhựa một lần ở Việt Nam thường phát triển theo "trend" (xu hướng) và khi hết xu hướng nó sẽ đi vào lãng quên như chưa từng diễn ra, chưa từng triển khai.
Làm sao để việc "hạn chế rác thải nhựa", "giảm rác thải nhựa" đi vào thực chất hơn, tôi nghĩ phải bỏ hết những hình thức đã tồn tại bấy lâu nay.
Việc cấm, hạn chế sử dụng rác thải nhựa đừng làm dàn trải, nên thực hiện thí điểm một vài nơi sau đó rút ra những hạn chế, cái được và chưa được để thực hiện tiếp cho điểm khác. Cứ làm dàn trải, đem con bỏ chợ rất khó để thành công.
BÌNH LUẬN HAY