
Ông Láng - chủ trọ ở Quang Châu, Việt Yên (Bắc Giang) - nhắc nhở chị Hạng Thị Say đóng cửa cẩn thận trước khi đi làm - Ảnh: HÀ QUÂN
Đó cũng là tâm sự của chị Hạng Thị Say, quê Xín Mần, Hà Giang, khi đang dọn phòng, chuẩn bị đi làm ở một nhà máy điện tử tại Việt Yên (Bắc Giang).
Nỗi lòng người mẹ công nhân xa con
Phòng trọ gần 20m² được chị Say thuê với giá khoảng 1,3 triệu đồng, chưa tính điện nước. Giá cao hơn so với nhà trọ trước đây, được cái mát mẻ, sạch sẽ, chủ trọ quan tâm, có thang máy, chỗ để xe riêng. Nhưng chị không giấu được lo lắng mỗi lần bật bếp, mùi thức ăn ám đầy quần áo, cửa sổ phải mở toang, quạt chạy hết công suất.
Lương cơ bản gần 5 triệu đồng/tháng, cộng phụ cấp, tăng ca, cao nhất có thể nhận gần 10 triệu đồng. Nhưng vì còn con nhỏ sống với ông bà cách đây 400km, hai vợ chồng phải tiết kiệm từng đồng.
Nhớ con, chị tính nghỉ lễ về nhà, nhưng đắn đo vì vé xe khách khứ hồi khoảng 800.000 đồng - đủ để vợ chồng ăn uống trong một tuần.
Chị mong Nhà nước có thêm chính sách cho công nhân vay mua nhà ở giá rẻ, xây trường công mở đến chiều muộn (sau 17 - 18h) gần khu công nghiệp để đưa con lên ở cùng...
Cách đó vài trăm mét, bên kia cao tốc Hà Nội - Bắc Giang với xe cộ chạy vun vút, với nguồn vốn ưu đãi, nhiều lao động đã có mái ấm riêng của mình.
Trong căn hộ mới, anh Nguyễn Văn Dương, quê Thái Bình, kể hai vợ chồng xa quê hơn 10 năm, quá hiểu khó khăn khi ở trọ như chật hẹp, sinh hoạt khó khăn nên bàn nhau vay 500 triệu ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thời hạn 25 năm. Mỗi tháng họ trả nợ khoảng 3 triệu đồng. Có nhà, anh xin cho con học gần đây.
Tương tự anh Dương, chị Giáp Thị Thoa - công nhân Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) - tâm sự cũng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua nhà. Từ ngày có căn hộ hơn 300 triệu, chị không phải lo đi sớm về muộn mỗi khi mưa gió. Ở đây, chị có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm con, sang hàng xóm chơi.
"Lúc nhận được tin sắp có nhà, tôi vui lắm vì làm công nhân chẳng bao giờ nghĩ sẽ có nhà riêng", chị Thoa bộc bạch.
"Khi thuê trọ, ước mơ lớn nhất của hai vợ chồng là mua nhà, mua xe. Ai có con nhỏ cũng biết, đêm con khóc, bố mẹ dỗ không được, chỉ sợ ảnh hưởng hàng xóm. Hôm nghe tin sắp có nhà, hai vợ chồng vui lắm, mừng lắm, biết từ nay không phải thuê nhà nữa", anh Nguyễn Văn Dương tâm sự - Ảnh: HÀ QUÂN
Nhu cầu nhà ở xã hội tăng gấp đôi
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Ngọc Thuận - phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Việt Yên (Bắc Giang) - dự báo năm 2025, nhu cầu vay vốn tập trung vào mua nhà, tăng gấp đôi cùng kỳ 2024, chủ yếu là công nhân làm ở các khu công nghiệp như Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám...
Trong đó có nhiều bạn trẻ sinh năm 2000 và 2001 có tích lũy và đề nghị vay mua nhà ở xã hội.
Còn ông Nguyễn Văn Cảnh - phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang, cho hay năm 2024, ngân hàng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người lao động trên địa bàn, số tiền khoảng 87 tỉ đồng.
"Năm 2025, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong tỉnh sẽ mở bán hơn 2.800 căn hộ. Trong khi đó, ngân hàng được phân bổ 210 tỉ đồng, cộng với nguồn hỗ trợ của tỉnh Bắc Giang khoảng 30 tỉ đồng nữa, như vậy với khoảng 240 tỉ đồng, chúng tôi hy vọng có thêm nhiều người lao động có nhà ở", ông Cảnh thông tin.
Theo Sở Xây dựng Bắc Giang, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai 14 dự án nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp. Quy mô sử dụng đất trên 60ha. Tổng mức đầu tư khoảng 19.800 tỉ đồng. Tổng số căn hộ dự kiến hoàn thành khoảng 29.000.
Ông Trần Đức Toàn - trưởng ban quản lý khu nhà ở xã hội Evergreen (Việt Yên, Bắc Giang), đối diện nhà máy của Foxconn (đối tác của Apple) - cho hay nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhất là người lao động đến từ các địa phương khác, có nguyện vọng sinh sống, làm việc lâu dài tại Bắc Giang. Ước tính số hồ sơ nộp để xét duyệt của lao động ngoại tỉnh tại khu nhà này khoảng 30%
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Nghĩa - trưởng ban quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết chủ trương của Tổng liên đoàn là cân đối nguồn lực tài chính, tập trung thực hiện các dự án nhà ở cho thuê tại các "điểm nóng" như Bắc Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, tiến tới thúc đẩy ở Bắc Giang, Long An, Hưng Yên...
"Công đoàn cam kết sử dụng hiệu quả nguồn lực để có thêm nhà ở cho công nhân thuê ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, từ đó góp phần cải thiện điều kiện sống, để đoàn viên lao động yên tâm công tác, sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Việc quan tâm nhà ở cho công nhân còn khẳng định tiềm lực, vị thế, uy tín của tổ chức công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động", ông nói.

Chủ trọ Hoàng Thị Hoa, thôn Quang Biểu, Quang Châu, Việt Yên (Bắc Giang), phối hợp với công đoàn duy trì mô hình nhà trọ an toàn với hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động, có camera giám sát an ninh, công khai số điện thoại của công an
Chăm lo đời sống tinh thần công nhân
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, tỉnh hiện có gần 340.000 đoàn viên, trong đó nữ chiếm trên 60%.
Những năm qua, công đoàn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động ở các nhà trọ, chú trọng tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con, phòng chống bạo lực gia đình…
Tại các doanh nghiệp, công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể để có tiền lương, phúc lợi, giờ làm, môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động. Tháng Công nhân 2025, Liên đoàn Lao động tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang tổ chức khám sức khỏe sinh sản cho 300 nữ đoàn viên.
BÌNH LUẬN HAY