
Hiện nay có không ít tình trạng các khách sạn gắn hạng sao trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến khác xa với thực tế, khiến du khách mất tiền oan - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mới đây một số khách sạn ở Đà Nẵng bị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng yêu cầu liên hệ với các nền tảng đặt phòng trực tuyến để gỡ các sao không đúng thực tế.
Theo các doanh nghiệp, tình trạng này đang diễn ra ở nhiều khu lưu trú gây ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng và không công bằng với các cơ sở lưu trú "sao thật, làm thật".
"Khách sạn chuẩn 5 sao không cần rao, rao sao coi chừng… không ra sao"
Ngày 11-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị V.T.X. (25 tuổi, Đà Nẵng) kể năm 2024 có đặt phòng khách sạn trên một nền tảng đặt phòng trực tuyến cho lưu trú 2 đêm tại Hội An.
"Tôi đặt phòng khách sạn 4 sao, thời điểm đó không phải mùa cao điểm, giá 1,2 triệu đồng/đêm. Hình ảnh phòng trên app rất đẹp nhưng đến nơi muốn ngã ngửa. Vì chất lượng dịch vụ phòng, trang thiết bị, tiện nghi phục vụ không tương xứng, thái độ phục vụ của nhân viên không tận tình, wifi chập chờn, mang tiếng có bể bơi song lại không bơi được... Tóm lại không khác gì nhà nghỉ", chị V.T.X. nói.
Phản hồi với nền tảng đặt phòng, chị V.T.X. gọi vào hotline nhưng đường dây bận, chị chấp nhận "bỏ luôn" và thuê một homestay cách đó không xa với giá 400.000 đồng/đêm nhưng chị V.T.X. rất hài lòng.
Chị nói thêm: "Tôi tự rút ra bài học cho mình đừng bao giờ tin hình ảnh khách sạn quảng cáo trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến. Càng tỉnh táo với các khách sạn tầm trung trung, giới thiệu 3-4 sao. Khách sạn chuẩn 5 sao không cần rao, rao sao coi chừng… không ra sao".
Tương tự, trong một group review khách sạn và homestay tại TP.HCM, một tài khoản chia sẻ có thuê phòng khách sạn 4 sao, khi kéo rèm che nắng nhưng rèm cửa rơi xuống, may mắn không trúng đầu.
Chủ tài khoản này kể: "Rèm rơi xuống, tôi gọi nhân viên, nhân viên trả lời rất mất lịch sự: 'Mướn phòng được rồi còn dùng lực mạnh làm gì, chị phải đền tiền'. Cuối cùng tôi phải trả thêm 200.000 đồng rèm cửa".
Khi chủ tài khoản chia sẻ hình ảnh và hóa đơn tính tiền rèm, nhiều "tín đồ" du lịch quan tâm.
Tài khoản Phạm Lan Phương nhận xét: "Khách sạn 4 sao luôn hả? Đọc câu chuyện với cái bill thấy nó sao sao, không xứng tầm khách sạn chuẩn 4 sao".
Trong khi đó chị Phạm Thị Phương (từng làm quản lý resort ở Mũi Né, tỉnh Bình Thuận) cho biết việc chủ khách sạn không gắn sao ở biển đề tên khách sạn nhưng "rao" 3-4 hay 5 sao trên các nền tảng trực tuyến, gắn sao trên website; hoặc bán voucher phòng nghỉ trên một số trang website, fanpage giảm 30-40% nhưng khi ở "đến ngán" là chuyện thường tình.
"Nhưng trong bối cảnh làm ăn và cạnh tranh nhau, "nâng" hạng sao là thông tin chủ cơ sở không thể bỏ qua", chị Phương giải thích.
Không thể kiểm soát hết?
Luật Du lịch năm 2017 có hiệu lực về việc cơ sở lưu trú du lịch tự nguyện xếp hạng sao, không bắt buộc xếp hạng như Luật Du lịch năm 2005. Vì vậy khách du lịch khó có thể biết và kiểm chứng thực tế về sao khách sạn.
Theo đại diện một doanh nghiệp chuyên về dịch vụ tư vấn quản lý khách sạn ở TP.HCM cho biết hiện nay rất nhiều khách sạn tự phong sao trên nền tảng trực tuyến (Online Travel Agency- OTA).
Mỗi OTA, mỗi trang web tự đề ra quy chuẩn sao, hệ thống xếp hạng cơ sở lưu trú cũng khác nhau; thậm chí các tiêu chuẩn không thống nhất với tiêu chuẩn xếp hạng sao theo quy định của luật.
Vị này dẫn chứng Booking.com có xếp hạng chất lượng áp dụng toàn thế giới dựa vào nhiều tiêu chí: tiện nghi, dịch vụ cung cấp; diện tích, số lượng phòng và sức chứa…; còn Agoda dễ thấy hơn ở hệ thống sao vàng và sao hồng để xếp hạng các điểm lưu trú.
Tuy nhiên như chuyện sao khách sạn trên các OTA vẫn khác xa với thực tế, chuyện mới diễn ra ở Đà Nẵng là minh chứng cho các OTA không thể nào kiểm soát hết các hạng sao.
"Việc này ảnh hưởng đến sự cạnh tranh doanh nghiệp và bức xúc cho người dùng, cơ quan quản lý cần siết lại và siết chặt", vị này nhấn mạnh.
Về góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Trương Hiền Hòa - phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết tình trạng các khách sạn sao tự phong trên các website nước ngoài không thể rà soát hết được.
Ông Hòa nói: "Các website, các nền tảng đặt phòng trực tuyến vận hành ở nước ngoài nên ở Việt Nam không đủ thẩm quyền để quản lý. Các sao trên các OTA chỉ rating (đánh giá) cho thị trường nền tảng số.
Để tránh mất tiền oan, khách cần kiểm tra hạng sao chính thức của nơi lưu trú do Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công nhận, và cần hành vi tỉnh táo từ người tiêu dùng".
Từng có "trải nghiệm" đặt khách sạn 4 sao trên các OTA nhưng đến nơi thực chất không khác nhà nghỉ và nhìn nhận dưới góc độ người kinh doanh du lịch, bà Nguyễn Thị Ni Ni (chủ cơ sở Là Homestay ở TP Quảng Ngãi) cho biết để đặt được phòng chất lượng tốt, trước tiên cần kiểm tra trên các hội nhóm online; tham khảo phần đánh giá của những người từng nghỉ tại các khách sạn, resort trên website hay OTA đặt phòng…
Bà Ni nói: "Tất nhiên không phải ý kiến nào cũng đáng tin vì không loại trừ đội ngũ marketing, chủ khách sạn tạo ra đánh giá ảo. Nếu có nhiều nhận xét tích cực, có thể tạm tin tưởng. Sau đó tìm hiểu sâu về chất lượng, dịch vụ phòng cùng với nhiều kiểm tra chéo khác…".
Quý 1-2025, cả nước có 278 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao trong quý 1-2025, cục này đã ban hành 33 quyết định công nhận cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn từ 4-5 sao, trong đó thẩm định mới 5 cơ sở, thẩm định lại 28 cơ sở.
Tính đến ngày 21-3, cả nước có 278 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 92.622 buồng, và 341 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 47.038 buồng.
BÌNH LUẬN HAY