18/05/2025 14:50 GMT+7

Đề xuất phạt tiền gấp đôi vi phạm ở 6 thành phố lớn: Cân bằng giữa nghiêm minh và nhân văn

Đề xuất tăng mức phạt tiền gấp đôi với nhiều vi phạm tại 6 thành phố lớn có nhiều điểm phù hợp, nhưng cũng tồn tại các băn khoăn cần được giải quyết để đảm bảo tính khả thi, công bằng và thống nhất của pháp luật.

mức phạt - Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông TP.HCM lập biên bản người đi ngược chiều - Ảnh: MINH HÒA

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đề xuất bổ sung một số lĩnh vực được áp dụng mức phạt vi phạm bằng tiền tăng gấp 2 lần ở khu vực nội thành của 6 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ. 

Trong đó có các lĩnh vực như giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và an toàn thực phẩm.

Ông Lê Thiết Hùng - phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị - gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết góp thêm góc nhìn về đề xuất này.

Mức phạt phù hợp thực tiễn quản lý, nhưng...

Là một người áp dụng pháp luật trong thực tiễn, theo tôi, đề xuất này là một bước đi đáng chú ý trong nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý quản lý hành chính.

Trước hết đề xuất thể hiện sự phù hợp với thực tiễn quản lý đô thị trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay. 

Các thành phố như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội vùng miền, với mật độ dân số cao và áp lực quản lý đô thị ngày càng lớn. 

Một hành vi vi phạm giao thông đường bộ như dừng đỗ xe sai quy định ở nội thành TP.HCM có thể gây ùn tắc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng ngàn người, trong khi cùng hành vi ở khu vực nông thôn thường chỉ tác động cục bộ. 

Tương tự, vi phạm xây dựng trái phép ở Hà Nội hay vi phạm an toàn thực phẩm ở Đà Nẵng có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn về môi trường, sức khỏe cộng đồng và trật tự đô thị so với các địa phương khác. 

Việc áp dụng mức phạt tối đa gấp đôi mức phạt chung là một biện pháp răn đe cần thiết, giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và giảm thiểu tác động tiêu cực của các vi phạm. 

Đề xuất này cũng phù hợp với nghị quyết 27 ngày 9-11-2022, nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong bối cảnh đô thị hóa nhanh.

Tuy nhiên, áp lực kinh tế mà mức phạt gấp đôi có thể gây ra cho người dân và doanh nghiệp nhỏ tại các thành phố lớn.

Qua kinh nghiệm xét xử ở địa phương, tôi nhận thấy những mức phạt cao đôi khi dẫn đến phản ứng tiêu cực từ người dân, đặc biệt khi họ cảm thấy bị đối xử không công bằng so với các khu vực khác. 

Vì vậy Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã đề nghị đánh giá tác động kinh tế kỹ lưỡng để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu quản lý và quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức. 

Một băn khoăn nữa là tính thống nhất trong áp dụng pháp luật trên phạm vi cả nước.

Việc chỉ áp dụng mức phạt gấp đôi ở sáu thành phố lớn tạo ra sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương. Chẳng hạn, một hành vi vi phạm xây dựng ở Huế sẽ bị phạt cao gấp đôi so với Nha Trang, dù tính chất và hậu quả có thể tương đương. 

Chưa có dữ liệu thực tiễn rõ ràng chứng minh rằng vi phạm ở sáu thành phố này nghiêm trọng hơn đáng kể so với các đô thị khác như Quảng Ninh hay Nha Trang. 

Sự thiếu thống nhất này có thể mâu thuẫn với nguyên tắc công bằng tại điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, vốn yêu cầu xử phạt phải dựa trên tính chất, mức độ, và hậu quả vi phạm, thay vì chỉ dựa trên địa bàn.

Đồng thời đề xuất tăng gấp đôi mức phạt ở địa bàn TP Hà Nội có nguy cơ trùng lặp với Luật Thủ đô 2024, vốn đã quy định mức phạt cao hơn cho các lĩnh vực như văn hóa, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, và an toàn thực phẩm. 

Ngoài ra việc tăng mức phạt gấp đôi cần được xem xét kỹ để tránh mâu thuẫn với các nghị định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính, vốn quy định cụ thể mức phạt cho từng lĩnh vực. 

Nếu không có sự rà soát đồng bộ, quy định mới có thể gây khó khăn cho cơ quan thực thi, đặc biệt ở các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai hay an toàn thực phẩm.

Cân bằng giữa tính nghiêm minh và nhân văn

Để hoàn thiện đề xuất này, trước hết cần loại bỏ hoặc điều chỉnh quy định tăng gấp đôi mức phạt ở Hà Nội, đồng thời làm rõ sự khác biệt với Luật Thủ đô 2024 để tránh trùng lặp. 

Thứ hai, nên tiến hành tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động kinh tế của mức phạt gấp đôi, đảm bảo không gây áp lực quá lớn cho người dân và doanh nghiệp nhỏ. 

Dữ liệu từ các thành phố lớn về tần suất, mức độ vi phạm cần được phân tích để chứng minh sự cần thiết của quy định này. 

Thứ ba, cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về áp dụng mức phạt gấp đôi, bao gồm tiêu chí xác định "khu vực nội thành" và các trường hợp ngoại lệ để đảm bảo công bằng

Thứ tư, nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, doanh nghiệp ở sáu thành phố lớn để đảm bảo quy định phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn và được đồng thuận. 

Cuối cùng, cần tăng cường đào tạo cho lực lượng thực thi, đặc biệt là công an và UBND cấp xã, để đảm bảo áp dụng mức phạt mới một cách thống nhất và hiệu quả.

Nếu được hoàn thiện với các giải pháp đồng bộ, quy định này không chỉ tăng tính răn đe, mà còn củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật, góp phần thực hiện thành công chiến lược cải cách hành chính quốc gia. 

Một chính sách pháp luật tốt cần cân bằng giữa sự nghiêm minh và tính nhân văn, và đây là cơ hội để dự thảo đạt được mục tiêu đó.

Nhận định về đề xuất tăng gấp đôi mức phạt trong dự thảo sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2025 - Ảnh 2.Đề xuất tăng mức xử phạt tiền gấp đôi với nhiều vi phạm tại 6 thành phố lớn

Dự thảo đề xuất bổ sung một số lĩnh vực được áp dụng mức xử phạt vi phạm bằng tiền tăng gấp 2 lần ở khu vực nội thành của 6 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0