
Tiền chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở đề xuất giảm đến 70% với diện tích trong hạn mức, 50% với diện tích ngoài hạn mức - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Tài chính mới đây có tờ trình dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định 103/2024 về tiền sử dụng đất đã đề xuất giảm đến 70% tiền đất cho hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở trong hạn mức và giảm 50% tiền đất ngoài hạn mức.
Vậy với đề xuất trên, người dân sẽ đóng tiền sử dụng đất ra sao?
Ví dụ gia đình ông Nguyễn Quốc Hảo được thừa kế thửa đất nông nghiệp rộng 260m2 tại đường Nguyễn Xiển (phường Long Bình, TP.HCM). Trên đất có nhà ở xây dựng từ những năm 2000, phần đất còn lại đất vườn, thửa đất thuộc quy hoạch khu dân cư. Hạn mức đất ở trong hạn mức theo quy định tại khu vực ông Hảo ở là 160m2, ngoài hạn mức là 100m2.
Theo bảng giá đất điều chỉnh của TP.HCM, thửa đất của ông Hảo ở vị trí 2 đường Nguyễn Xiển thì giá đất ở là 28,4 triệu đồng/m2, còn giá đất nông nghiệp là 624.000 đồng. Như vậy chênh lệch giá đất khi chuyển mục đích sang đất ở với mỗi mét vuông đất là 27.676.000 đồng.
Nếu tính theo cách tính hiện nay, tiền sử dụng đất ông Hảo phải đóng là 27.676.000 x 260m2 = 7.195.7600.000 đồng.
Còn theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, tiền đất ông Hảo phải đóng là: ((160m2 x 27.676.000) x 30%)) + ((100m2 x 27.676.000) x 50%)) = 2.712.248.000 đồng.
Tương tự gia đình bà Nguyễn Thị Thúy, có thửa đất rộng 350m2 thuộc ví trí 1 đường Trần Văn Mười (huyện Hóc Môn cũ). Thửa đất có nhà ở hiện trạng và phần đất còn lại là vườn ao. Khu vực này có hạn mức giao đất ở là 250m2.
Bảng giá đất ở đường Trần Văn Mười là 19.600.000/m2, giá đất nông nghiệp là 625.000 đồng/m2, chênh lệch giá đất khi chuyển mục đích là 18.975.000 đồng/m2. Như vậy số tiền sử dụng đất mà bà Thúy phải nộp theo đề xuất của Bộ Tài chính là: ((18.975.000 x 250m2) x 30%) + (18.975.000 x 100) x 50%)) = 1.992.375.000 đồng. Trong khi nếu theo cách tính hiện nay, số tiền bà Thúy phải đóng là: 350m2 x 18.975.000 = 6.641.250.000 đồng.
Như vậy so sánh số tiền mà hộ gia đình, cá nhân phải đóng hiện tại khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở so với theo phương án đề xuất, đề xuất sẽ giúp người dân giảm tiền đất từ 2,5- 3,4 lần.
Đây là mức giảm khá mạnh được Bộ Tài chính đề xuất trong điều kiện bảng giá đất điều chỉnh tăng gây khó khăn cho hộ gia đình, cá nhân, nhất là các hộ gia đình, cá nhân ở vùng ven, có nhu cầu xây nhà an cư, chia đất cho con cái. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm và báo Tuổi Trẻ cũng phản ánh liên tục thời gian qua.
Theo thống kê TP.HCM (cũ) còn khoảng hơn 13.035 thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận, chiếm 0,7% tổng số thửa đất trên địa bàn thành phố.
Trong đó những hộ gia đình, cá nhân có nhà đất bị vướng quy hoạch chưa được chuyển mục đích hoặc những người có nhu cầu xin hợp thức hóa quyền sử dụng đất các diện tích đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư đô thị ổn định gắn liền với nhà ở hiện hữu; hoặc những người có nhu cầu xin tách thửa đất đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở sẽ gặp khó khăn.
Nghị định 103/2024 chưa miễn, giảm tiền đất do lỗi kỹ thuật soạn thảo
Tại tờ trình cho Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định 103/2024, Bộ Tài chính cho rằng nghị định 103/2024 vẫn kế thừa nguyên tắc miễn, giảm tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân áp dụng đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở. Tuy nhiên do lỗi kỹ thuật soạn thảo nên các điều khoản của nghị định quy định chưa rõ nguyên tắc nêu trên.
Vì vậy Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định theo hướng hộ gia đình, cá nhân được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất một lần đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất ở.
BÌNH LUẬN HAY