
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: Q.P
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM - ví von như vậy khi cho ý kiến thảo luận tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Thanh tra đột xuất mới thể hiện nghề thanh tra
Phát biểu thảo luận, bà Lan nêu mặc dù rất nỗ lực nhưng một số hoạt động thanh tra hiện chưa đạt hiệu quả, vẫn chạy theo vụ việc, chưa được như mong mỏi của người dân.
Bà Lan cho biết thanh tra gồm hai loại: kế hoạch và đột xuất. Thanh tra theo kế hoạch cần thông báo trước, làm giảm hiệu quả bởi đơn vị thanh tra được báo trước.
"Ví dụ như vụ lòng se điếu mấy hôm nay, tôi mới thông tin sẽ cho kiểm tra, báo chí đăng tải rất nhiều, sau đó đi đến đâu cũng thông báo em hết lòng rồi, rất khó kiểm tra, thanh tra", bà Lan nêu và cho rằng thanh tra đột xuất mới thể hiện được nghề của thanh tra.
Theo bà Lan, "thanh tra đột xuất là quyền của thanh tra nhà nước, phải làm thế nào để tất cả các đơn vị kinh doanh luôn tự nhủ 'tôi có thể bị thanh tra, kiểm tra bất cứ lúc nào', họ phải sợ điều đó mới lo làm đúng".
Góp ý vào nội dung quy định của dự luật về xây dựng, ban hành, định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra, thượng tướng Trần Quốc Tỏ - thứ trưởng Bộ Công an - đề nghị bổ sung định hướng chương trình thanh tra "cho năm sau".
"Vì làm cho năm trước nhưng định hướng cho năm sau, mà thanh tra nhiều cấp, xây dựng cuối năm, phục vụ cho đầu năm. Nên chăng trong luật cần hạn chế tối đa việc suy diễn hoặc hiểu thế nào cũng đúng...", ông Tỏ lý giải.
Hướng dẫn rõ cách thức kiểm tra của các sở ngành, quận huyện

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) - Ảnh: Q.P
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) cho rằng khi không có thanh tra sở và huyện, các hoạt động thanh tra thuộc thẩm quyền của hai cấp này hiện nay sẽ thuộc quyền của thanh tra cấp tỉnh.
Các cơ quan cấp sở được duy trì chức năng kiểm tra cho nên sẽ không ảnh hưởng lớn đến việc quản lý các đơn vị, tổ chức hành nghề thuộc lĩnh vực sở quản lý.
Tuy nhiên, bà Hạnh đề nghị phải có hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra, cách thức tổ chức như thế nào để các sở, ngành thực hiện, tránh những sai sót dẫn đến việc khởi kiện của đối tượng kiểm tra sau này.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Ngô Trung Thành cho rằng Luật Thanh tra (sửa đổi) đã thu gọn hệ thống cơ quan thanh tra rất tối giản, là cuộc cách mạng rất lớn trong hệ thống thanh tra, hòa chung vào cuộc cách mạng tổ chức bộ máy.
Tuy nhiên, ông đề nghị làm sao bảo đảm vận hành bao quát, khi mà thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành không còn phân định. Ông nhấn mạnh khi không còn cơ quan thanh tra các bộ, ngành, vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ rất lớn. Từ đó, ông đề nghị cần làm rõ xem làm thế nào bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước hiệu quả.
"Chúng ta chuyển một phần hoạt động thanh tra sang cơ quan thanh tra, nhưng phần cơ bản còn lại chuyển thành kiểm tra chuyên ngành. Quan trọng nhất ở đây phân định rõ trách nhiệm giữa phạm vi thanh tra và kiểm tra chuyên ngành như thế nào? Nếu không phân định được sẽ không rõ trách nhiệm", ông nhấn mạnh.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thanh tra toàn bộ đối với việc thực hiện, chấp hành chính sách pháp luật trong các lĩnh vực, ở các bộ, ngành không có thanh tra. Còn các bộ có trách nhiệm kiểm tra, bộ nào kiểm tra bộ đấy.
"Nếu bây giờ xảy ra vi phạm ở các bộ, ngành, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ đến đâu? Trách nhiệm của các bộ, ngành đến đâu? Cần nghiên cứu, phân định rõ...", ông Thành nêu.
Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm làm thế nào để sau sắp xếp hoạt động thanh tra bảo đảm bao quát các lĩnh vực quản lý nhà nước, hiệu lực, hiệu quả; không chồng chéo với hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) đề nghị rà soát toàn diện dự thảo luật để thể chế hóa các nghị quyết quan trọng của Đảng, Bộ Chính trị trong nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Nghị quyết yêu cầu phải chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm.
Đồng thời nêu rõ xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
BÌNH LUẬN HAY