
Các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá những điểm đến khắp các quốc gia trên mạng xã hội để hút khách Việt - Ảnh chụp màn hình: THẢO THƯƠNG
Mức giá của họ cạnh tranh và di chuyển thuận tiện, đang là sức hút "miễn bàn" với nhiều du khách Việt. Nhiều đơn vị lữ hành trong nước cũng "đua" với du lịch ngoại để đưa khách ra nước ngoài hoặc giữ chân khách tại thị trường nội địa.
Từ quảng bá trên Facebook đến mời khảo sát điểm đến
Ngày 17-5, chị Nguyễn Thu Hương (38 tuổi, giáo viên tại tỉnh Gia Lai) cho biết mùa hè năm nay gia đình chị có kế hoạch du lịch khoảng 10 ngày.
"Bơi" giữa "rừng" tour hè trong nước, chị Hương chuyển sang "ngợp" với những điểm đến ngoại cùng nhiều thông tin hấp dẫn từ chính các đơn vị nước ngoài giới thiệu quảng cáo. Giá rất "mềm", di chuyển vô cùng thuận tiện.
Từ khi có ý định đi du lịch hè, bắt đầu lên mạng xã hội tìm hiểu, thông tin liên quan sau đó cứ tự động chảy về. "Tôi thực sự bị thu hút bởi điểm đến ở khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan... do một YouTuber giới thiệu. Không đắt đỏ như tôi hình dung", chị Hương nói.
Hiện không ít cơ quan chức năng của nước ngoài, đơn vị, doanh nghiệp du lịch ngoại đang đặt chiến lược "hút gọn" khách Việt qua nhiều hình thức quảng bá bên cạnh việc mở kênh thông tin chính thức.
Trong đó, mạng xã hội và các kênh nhắn tin được sử dụng nhiều là Facebook, WhatsApp, Instagram, X (Twitter), Orkut, Hi5, Friendster, QQ, Mixi... Những thị trường có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Singapore, Malaysia... hiện rất "chăm chút" thông tin trên mạng xã hội để thu hút khách Việt.
Ngày 17-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Serene Ng, trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Singapore (STB) tại Việt Nam, xác nhận STB đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác du lịch tại Việt Nam nhằm định vị Singapore như một điểm đến được yêu thích.
Chẳng hạn như chiến dịch tiếp thị phối hợp, các gói ưu đãi dành riêng cho thị trường, quảng bá đồng bộ trên cả nền tảng số và kênh truyền thống...
"Chúng tôi đã hợp tác với nhiều nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung có sức ảnh hưởng tại Việt Nam để truyền cảm hứng và thu hút các du khách tiềm năng. Những nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung mang tầm ảnh hưởng này đã có nhiều trải nghiệm tại các điểm tham quan mới nhất của Singapore. Từ đó, họ chia sẻ trải nghiệm thật của mình để giới thiệu, quảng bá và truyền cảm hứng tham quan, khám phá đến công chúng", bà Serene Ng nói.
STB đã tạo tài khoản Facebook từ năm 2008 với nhiều nội dung đăng tải gắn với hoạt động quảng bá từ nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung...
Tương tự, cũng "đẩy" quảng bá thông qua hợp tác chiến lược với các hãng hàng không, công ty du lịch, tận dụng người ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs), travel blogger (người truyền cảm hứng du lịch) ở Việt Nam... Cục Xúc tiến du lịch Malaysia đang "đẩy" nhiều sản phẩm du lịch để mang hình ảnh Malaysia gần gũi hơn với du khách Việt.
Họ đang tung nhiều ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho thị trường Việt Nam.
"Ngoài quảng bá trên mạng xã hội, để "ăn khít" với hình ảnh thực tế, chúng tôi phối hợp cùng các đối tác chiến lược để tổ chức các chuyến du lịch khảo sát nhằm giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch mới nhất tại Malaysia. Từ đó các đơn vị lữ hành xây dựng chương trình tour mới và hấp dẫn du khách Việt Nam", Cục Xúc tiến du lịch Malaysia tại Việt Nam thông tin.
Nhiều điểm đến ở các nước hiện diện khá mạnh trên các nền tảng trực tuyến, khách Việt gần như được "đập vào mắt"...
Trong đó, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc "chạy" trên mạng quảng bá các loại hình tour Hàn Quốc khá đặc biệt như tour khen thưởng (incentive), tour thẩm mỹ K-beauty, tour giao lưu trường học Hàn Quốc - Việt Nam... với thiết kế riêng cho từng nhóm khách hàng.
Điểm đến và các tour du lịch Trung Quốc cũng dày đặc trên mạng xã hội. Theo ghi nhận, giá tour du lịch tại quốc gia này rất cạnh tranh với mức 5 triệu đồng cho đường bộ và dao động từ 10 - 20 triệu đồng cho đường hàng không, cùng nhiều ưu đãi...

Du khách Việt Nam tham quan tỉnh Roi Et, Thái Lan tháng 2-2025 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đầu tư bài bản, chiến dịch dài hơi
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, đánh giá cao những chiến lược quảng bá của các quốc gia như Thái Lan, Singapore hay Malaysia. Theo bà, họ đầu tư rất bài bản, có chiến dịch dài hơi cùng với các công ty du lịch lớn tại Việt Nam và đánh trúng tâm lý, thị hiếu của du khách Việt.
"Đặc biệt, họ rất linh hoạt trong quảng bá truyền thông trên nền tảng số cũng như linh hoạt điều chỉnh sản phẩm, luôn có nhiều sản phẩm và dịch vụ mới... Chính sách giá tốt, đặc biệt là hợp tác với các hãng lữ hành lớn để tiếp cận trực tiếp khách hàng tiềm năng. Nhờ vậy, mùa hè này, lượng khách Việt đi outbound tăng mạnh", bà Hoàng nói.
Vietravel cũng ghi nhận lượng khách đăng ký tour Singapore, Malaysia, Trung Quốc... hè này tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, và có những tour du lịch ngoại gần như đã bán hết. Nhiều tuyến như Malaysia - Singapore, Bali, Đài Loan rất hút khách với nhiều lịch trình mới...
Để điểm đến nội địa giữ chân du khách, bà Hoàng cho rằng doanh nghiệp Việt cần làm mới sản phẩm, khai thác những vùng đất mới, xây dựng tour chuyên đề theo mùa, theo sự kiện hoặc cá nhân hóa trải nghiệm du lịch, tạo giá trị khác biệt qua dịch vụ cao cấp, hành trình độc quyền...
Đồng tình, ông Nguyễn Đức Hiệp, tổng giám đốc Công ty du lịch Viettourist, nhìn nhận các chiến dịch quảng bá của các quốc gia như Malaysia, Singapore, Thái Lan rất bài bản, liên tục và có tính cập nhật cao. Các gói combo ưu đãi (miễn phí visa, giảm giá vé máy bay, combo khách sạn...), cộng với việc nắm bắt nhanh xu hướng du lịch, đang hút khách tốt.
Ông Hiệp còn dẫn chứng các quốc gia thu hút khách du lịch chiến dịch theo mùa (như "Visit Thailand Year", "Malaysia Truly Asia", "SingapoReimagine"...). Họ không chỉ quảng bá điểm đến mà còn xây dựng phong cách sống, cảm xúc, trải nghiệm - điều thu hút khách Việt trẻ hiện nay.
Trong khi đó, nhìn dưới góc độ quản lý nhà nước, giám đốc một sở du lịch thuộc tỉnh miền Trung, thừa nhận việc người Việt Nam ưu tiên chi tiêu nhiều cho du lịch quốc tế phản ánh nhu cầu cá nhân và xu hướng mới về du lịch đang hình thành.
Cẩn thận chi phí ngầm
Giữa "rừng" tour du lịch ngoại, để tránh lừa đảo, bà Trần Thị Phương (giảng viên khoa du lịch một trường đại học ở TP.HCM) cho rằng du lịch ngoại không nên chỉ quan tâm đến giá tiền mà cần chú ý nhiều hơn đến uy tín của công ty tổ chức tour, phương tiện di chuyển, lịch tham quan...
"Khi đã "chấm" tour nào đó rồi, khách hàng nên hỏi kỹ về các điều kiện kèm theo. Chẳng hạn như có bao nhiêu thời gian tự do, được miễn phí những gì, nhất là chuyện ăn ở, vé thăm quan (vé tham quan các điểm du lịch ở một số nước rất cao).
Chỉ giao dịch qua kênh chính thức, kiểm tra kỹ hợp đồng để tránh các ưu đãi bất thường. Khách hàng đến trực tiếp văn phòng uy tín để xác minh bảng giá cũng như hợp đồng trước khi chuyển khoản", bà Phương nói.
BÌNH LUẬN HAY