
Nhiều người bị vẹo cột sống, đau lưng vì tập thể dục thể thao sai cách - Ảnh: C.T
Vì sao bị vẹo cột sống?
Đó không phải một câu chuyện đùa hay chuyện quá hy hữu, mà là vấn đề ngày càng xuất hiện nhiều với cộng đồng đam mê thể dục thể thao, khi thói quen lành mạnh lại là yếu tố gây ra chứng vẹo cột sống.
Giới chuyên gia xương khớp - chỉnh hình chỉ ra nguyên do đến từ việc chơi thể thao không đúng kỹ thuật hoặc mất cân đối vận động trong thời gian dài.
Tiến sĩ Scott Blumenthal, chuyên gia phẫu thuật cột sống tại Đại học Oregon (Mỹ), xác nhận: “Rất nhiều ca vẹo nhẹ cột sống ở vận động viên không phải do bệnh lý, mà do thói quen vận động không cân xứng. Điều chỉnh sớm sẽ không sao, nhưng để lâu có thể trở thành biến dạng thật”.
Ông Blumenthal cũng cảnh báo rằng tình trạng này đặc biệt phổ biến ở những người chơi các môn thể thao dùng một bên cơ thể như tennis, golf, bóng chày hoặc nâng tạ lệch.
Các tác động lặp đi lặp lại theo một hướng sẽ khiến hệ cơ - xương phát triển không đồng đều, kéo theo trục cột sống dần bị xoay lệch.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Pediatric Orthopedics năm 2021 khảo sát hơn 200 thiếu niên chơi thể thao đã phát hiện 15% có dấu hiệu cong nhẹ cột sống mà không hề có dị tật bẩm sinh.
Tác giả nghiên cứu, bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình Thomas Dewar, cho biết: “Cột sống trẻ đang phát triển rất nhạy cảm với tác động cơ học. Nếu chỉ dùng một bên cơ thể trong thời gian dài, hoặc tập sai tư thế liên tục, cột sống có thể bắt đầu biến dạng dần theo cơ chế tự điều chỉnh trọng tâm cơ thể".

Những môn cầm vợt rất dễ dẫn đến vẹo cột sống - Ảnh: P.A
Không chỉ ở lứa tuổi thiếu niên, người trưởng thành cũng không nằm ngoài nguy cơ. Một nghiên cứu năm 2016 trên Journal of Spine & Musculoskeletal Rehabilitation theo dõi 78 người trưởng thành tập gym không có huấn luyện viên cá nhân.
Sau 18 tháng, có đến 19 người (tức khoảng 24%) bị cong lệch cột sống nhẹ, chủ yếu do tư thế nâng tạ sai và mất cân bằng cơ thể trong khi tập.
Về mặt cơ chế khoa học, vẹo cột sống do thể thao không đến đột ngột mà tiến triển từ từ. Nguyên nhân thường bắt đầu từ việc một số nhóm cơ - như cơ lưng, cơ vai hoặc cơ hông - phát triển mạnh hơn ở một bên.
Ví dụ người chơi tennis thuận tay phải thường có cơ vai và cơ lưng bên phải to và khỏe hơn. Qua thời gian nhóm cơ này tạo lực kéo không cân bằng lên cột sống, khiến trục xương sống bị nghiêng hoặc xoay nhẹ.
Nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, sự lệch này dần trở nên cố định. Ngoài ra, những người thường xuyên nâng tạ với tư thế nghiêng người, vặn lưng hoặc gồng sai kỹ thuật cũng vô tình tạo áp lực không đều lên các đốt sống.
Khi hành vi sai lệch này được lặp lại trong thời gian dài, cột sống bắt đầu thích nghi theo hướng biến dạng để giữ thăng bằng cho cơ thể - hậu quả là tình trạng vẹo xảy ra mà người tập không hề hay biết.
Một yếu tố khác góp phần làm tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn chính là thói quen bỏ qua các bài tập giãn cơ và cân bằng cơ bắp.
Nhiều người chỉ chú trọng phần chính trong buổi tập mà không quan tâm đến việc hồi phục sau vận động. Hậu quả là một bên cơ thể có xu hướng co rút mạnh hơn bên còn lại, kéo cột sống lệch khỏi trục giữa theo thời gian.
Cách để thoát khỏi nỗi lo
Điều đáng mừng là vẹo cột sống do thể thao - còn gọi là “vẹo chức năng”, hoàn toàn có thể phòng ngừa và cải thiện nếu được phát hiện sớm.
Các chuyên gia khuyến nghị người tập thể thao nên thường xuyên kiểm tra đối xứng cơ thể trước gương, chú ý đến các dấu hiệu như vai không đều, hông lệch, hoặc cảm giác đau lưng chỉ xuất hiện ở một bên.

Ai cũng có thể tự kiểm tra vấn đề vẹo cột sống - Ảnh: CP
Khi thấy dấu hiệu bất thường, nên đi khám chuyên khoa chỉnh hình hoặc phục hồi chức năng để đánh giá chính xác.
Bên cạnh đó việc tập luyện nên được thiết kế cân bằng hai bên cơ thể, kết hợp các bài tập giãn cơ, tăng cường nhóm cơ đối lập để giữ trục cơ thể ổn định.
Người chơi thể thao một bên như golf hay tennis nên được bổ sung thêm bài tập thân giữa (core), tập tạ hai tay cân đối và giãn cơ thường xuyên. Đặc biệt, với người mới tập gym hoặc trẻ em đang phát triển, việc được hướng dẫn đúng kỹ thuật ngay từ đầu là yếu tố sống còn để tránh sai lệch lâu dài.
Tập thể thao là phương pháp tuyệt vời để nâng cao sức khỏe, nhưng nếu không đúng cách, nó có thể trở thành nguyên nhân âm thầm khiến cột sống vốn khỏe mạnh trở nên cong vẹo.
Việc hiểu đúng, tập đúng và lắng nghe cơ thể là chìa khóa để đảm bảo thể thao thực sự là liều thuốc bổ cho cơ thể, nếu không sẽ trở thành căn nguyên của những lệch lạc hình thể khó sửa về sau.
BÌNH LUẬN HAY