15/05/2025 18:43 GMT+7

Chủ tịch Nguyễn Văn Được: Vành đai 3 thiếu cát, Ban Giao thông phải nói chính xác nguyên nhân

Lo lắng dự án vành đai 3 TP.HCM bị chậm do thiếu cát, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được yêu cầu chủ đầu tư báo cáo thẳng, kỹ, không lòng vòng.

Vành đai 3 TP.HCM - Ảnh 1.

Ảnh chụp vành đai 3 TP.HCM tại huyện Củ Chi chiều 15-5 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Chiều 15-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cùng các cơ quan sở ngành có buổi thị sát và làm việc về tiến độ dự án vành đai 3 TP.HCM qua huyện Củ Chi. Ông Được yêu cầu chủ đầu tư Ban Quản lý dự án các công trình giao thông (Ban Giao thông) và các nhà thầu nói thẳng nguyên do chậm, phải báo cáo kỹ, không lòng vòng.

Ban Giao thông hứa làm gấp 10 lần để kịp tiến độ

Trình bày về nguyên nhân chậm, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Giao thông - cho biết hiện nay tiến độ chung của các gói thầu phía tây chỉ khoảng 35-37%. Đối với phần cầu thì đảm bảo, riêng phần đường chậm trễ do lượng cát đưa về không như yêu cầu.

"Các tháng vừa rồi cát về có 40-50%, tháng 4 thì mới tăng dần. Tôi đánh giá các nhà thầu không chủ động mua cát ngoài mỏ được cấp. Do giá cao nên nhà thầu chưa quyết liệt. Ngoài ra tốc độ cung cấp các mỏ ở miền Tây còn chậm. Thủ tướng chỉ đạo rất sát nhưng thực tế có sự lệch pha.

Cát đưa về vành đai 3 TP.HCM phía tây mới được 1,5 triệu khối, còn 3,5 triệu khối chưa đưa về. Tháng 5-8 là cao điểm (mỗi tháng 500.000 khối) thì mới đảm bảo được công tác gia cố nền. Ban hứa thực hiện dự án với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm, cố gắng gấp 10 lần trước đây", ông Phúc nói.

Chủ đầu tư hứa mà không có thật. Các đồng chí cứ nói đảm bảo mà không có cơ sở gì. Chúng ta phải báo cáo rõ để Chính phủ nắm, xử lý và gỡ khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP.HCM
Vành đai 3 TP.HCM - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được khảo sát dự án vành đai 3 TP.HCM chiều 15-5 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trước trình bày này, ông Được yêu cầu chủ đầu tư phải báo cáo kỹ, không lướt. Bởi vì cách đây gần hai tháng ông Được đã đi khảo sát, nhưng tới nay các gói thầu không thay đổi.

"Nguyên nhân tại sao phải nói thẳng nói thật. Nguyên nhân chủ quan là gì, do chủ đầu tư, nhà thầu hay vướng ở đâu để gỡ. Từ nay tới cuối năm phải làm sao đúng tiến độ đề ra, phải thông xe kỹ thuật cả tuyến vào 31-12 như Thủ tướng chỉ đạo", ông Được nói.

Ông Được nhấn mạnh ban và các sở, ngành đã làm việc với các địa phương, các mỏ chưa? Tại sao lúc trước báo tháng 3 xong hết, giờ lại bảo tháng 5.

"Các đồng chí phải đi làm việc với họ để có kế hoạch cụ thể, lượng cát cấp từng tháng. Tại sao các nhà thầu nói không có cát, đã ký hợp đồng rồi thì không có lý do gì. Các đồng chí cứ hứa, quyết tâm đẩy mạnh nhưng không có kế hoạch cụ thể là không được", ông Được yêu cầu.

Tạo “luồng xanh”, lập tổ công tác đặc biệt

Ông Lương Minh Phúc cho hay đối với vấn đề cát đã đủ trữ lượng, nhưng các nhà thầu phải chủ động thêm, mua cát từ Campuchia. Sở ngành TP.HCM đã làm việc với các tỉnh liên tục. Toàn bộ từng gói thầu đều có tiến độ chi tiết. 14 mỏ cát cũng có quy trình, kế hoạch. Thách thức lớn nhất là biến mục tiêu thành hiện thực.

Ông Được yêu cầu chủ đầu tư Ban Giao thông phải giải quyết thách thức, lấy đó làm lý do chậm tiến độ là không chấp nhận được.

Về phía nhà thầu, đại diện cho các nhà thầu nhánh phía tây, nhà thầu Trường Sơn khẳng định nút thắt là cát. Trong quá trình làm việc giữa TP.HCM, các nhà thầu với địa phương thì thực trạng thủ tục cấp cát luôn đúng quy trình, tiến độ. Nhưng so sánh thực tế lại chậm.

"Thủ tục xong thì trữ lượng và chất lượng không đảm bảo do mỏ cát đóng cửa lâu. Chủ mỏ cam kết giá với tỉnh chủ quản, nhưng bán cho nhà thầu giá lại cao hơn, gây đội kinh phí lên", vị này nói.

Nhà thầu này nói thêm muốn dự án hoàn thành tốt thì phải quy hoạch mỏ cát, vật liệu trước mới triển khai. "Chúng ta cũng quy hoạch, nhưng khi làm thì các mỏ đó đã dừng cấp phép. Nhà thầu phải mua cát ngoài về làm để đáp ứng tiến độ. Mong TP xem xét các khó khăn, đồng thời tạo luồng xanh từ các mỏ cát để thuận lợi cho vận chuyển về TP.

Ví dụ có thể cấp logo cát về vành đai 3 để nhận diện, hoặc TP có văn bản gửi các đơn vị đường thủy để hỗ trợ nhà thầu. Sau đó các nhà thầu đăng ký số sà lan. Như vậy sẽ chắc chắn kịp tiến độ đề ra. Từ thời điểm này trở đi mong TP hỗ trợ vấn đề này", vị này đề xuất.

Ban Giao thông cũng nói thêm trên đường vận chuyển thì có khoảng 8 trạm kiểm soát. Có những quy trình làm giống nhau, nhưng cứ qua trạm thì lại gây khó khăn.

Trước đề xuất này, ông Được đặt câu hỏi: "Vận chuyển có vấn đề gì mà luồng xanh, luồng đỏ? Đầu mối là ai để TP.HCM mời làm việc, tháo gỡ?".

Sau khi nghe các đơn vị sở ngành báo cáo, ông Được có chỉ đạo Ban Giao thông cần gấp rút để các nhà thầu làm các giải pháp kỹ thuật gia tải, rút ngắn thời gian.

Ông Được thống nhất để Sở Xây dựng lập tổ đặc biệt theo dõi tiến độ (cung cấp cát, thi công), chất lượng dự án. Định kỳ báo cáo hằng tuần cho UBND chỉ đạo, đặc biệt 5 gói thầu phía tây.

Ông cũng đề nghị có khen thưởng nếu làm tốt. Nhà thầu nào làm không tốt, chậm tiến độ thì xử lý theo quy định, linh hoạt điều chuyển khối lượng việc để đảm bảo tiến độ.

Bên cạnh đó giao Sở Xây dựng theo dõi, đánh giá khó khăn của các đơn vị thi công, gồm cả yếu tố trượt giá... để báo cáo Chính phủ.

Về việc vận chuyển cát, ngay sau hôm nay, giao Ban Giao thông báo cáo nguyên nhân chậm cụ thể là gì và báo cáo lại Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường và có các đơn vị liên quan như công an, biên phòng để bàn bạc.

"Tôi đề nghị nhà thầu, ngành giao thông quyết liệt hơn nữa, làm sát sao để hướng tới hoàn thành đúng tiến độ thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào cuối năm. Có khó khăn thì báo cáo ngay để tháo gỡ", ông Được chỉ đạo.

Vành đai 3 TP.HCM chậm tiến độ cánh phía tây

Là công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia, đường vành đai 3 TP.HCM không được phép chậm tiến độ. Tuy nhiên thực tế đáng lo khi công trường vẫn đang thiếu hàng triệu mét khối cát san lấp, nhiều gói thầu ì ạch, đứng trước nguy cơ trễ tiến độ.

Các gói thầu thuộc khu vực phía tây TP.HCM rất đáng lo ngại. Tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, nhiều đoạn tuyến mới chỉ làm được các công việc chuẩn bị, thi công cầm chừng vì thiếu vật liệu đắp nền.

Vành đại 3 TP.HCM cát về chậm, chủ tịch Nguyễn Văn Được yêu cầu không báo cáo lòng vòng - Ảnh 2.Cát miền Tây giá cao và nhỏ giọt, vành đai 3 TP.HCM còn chờ hơn 3,7 triệu m³ để đắp nền

Nếu không sớm thay đổi biện pháp thi công trong bối cảnh thiếu cát san lấp, mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vành đai 3 TP.HCM vào cuối năm nay là một thách thức rất lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0