14/05/2025 17:05 GMT+7

Cát miền Tây giá cao và nhỏ giọt, vành đai 3 TP.HCM còn chờ hơn 3,7 triệu m³ để đắp nền

Nếu không sớm thay đổi biện pháp thi công trong bối cảnh thiếu cát san lấp, mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vành đai 3 TP.HCM vào cuối năm nay là một thách thức rất lớn.

vành đai 3 TP.HCM - Ảnh 1.

Tại huyện Bình Chánh, khối lượng cát đắp cho việc gia tải nền đất yếu vẫn thiếu. Trong ảnh là nền đường đang chờ cát, công trường vắng bóng máy móc thi công

Dù đang cận kề ngày thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay nhưng đến nay vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP dài 47km vẫn đang thiếu hàng triệu m3cát san lấp để gia tải, xử lý nền đất yếu. Trong khi đó, thông thường giải pháp xử lý nền đất yếu thường kéo dài gần một năm.

Cát từ mỏ đặc thù và giá cát nhập khẩu từ Campuchia ra sao?

Trên thực tế, việc thiếu nguồn cát san lấp cũng đã được TP.HCM dự liệu ở giai đoạn trước và trong khi trình chủ trương đầu tư dự án vành đai 3 TP.HCM. Khi đó TP đã lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án vành đai 3 TP.HCM, do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường TPHCM) là tổ trưởng, xuống các tỉnh miền Tây rà soát các mỏ cung cấp.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM (nay là Sở Xây dựng TP) cũng đã có rất nhiều báo cáo về dự báo việc thiếu vật liệu đắp nền đường (đặc biệt là cát đắp). Tại các báo cáo kiến nghị trước đây, sở nhấn mạnh thiếu cát đang là một trong những nút thắt bậc nhất, gây khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có vành đai 3 TP.HCM.

Đối với dự án này, Chính phủ cũng đã dành rất nhiều sự quan tâm, tổ chức các cuộc họp, liên tục có các chỉ đạo quyết liệt nguồn cung vật liệu về công trường. TP.HCM cũng đã chủ động làm việc với các tỉnh để thúc đẩy tiến độ mở các mỏ cát tại các tỉnh miền Tây. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải chủ động tìm kiếm thêm nguồn cát thương mại, nguồn cát nhập khẩu huy động về công trường.

Dự án vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP cần khoảng 6,6 triệu m3 cát để xử lý nền đất yếu. Tuy nhiên đến nay dự án mới chỉ huy động được khoảng 2,15 triệu m3, tức còn thiếu gần 3,75 triệu m3.

Số lượng cát huy động về công trường hiện có phần nhiều là cát thương mại (1,2 triệu m3), cát từ Campuchia (0,65 triệu m3). Trong khi đó, đối với mỏ đặc thù ở miền Tây dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng đến nay khối lượng huy động về công trường khoảng 0,31 triệu m3.

Đến nay các địa phương đã cấp phép được 10/14 mỏ với công suất khai thác 2,9 triệu m3/năm. Dự kiến đến tháng 6-2025 sẽ đi vào khai thác toàn bộ 14 mỏ, khi đó tổng công suất khai thác cấp cho dự án năm 2025 là 3,9 triệu m3 (chưa nâng công suất), còn sau khi nâng công suất các mỏ lên tối đa 50%, tổng khối lượng cung cấp 4,8 triệu m3.

Cát miền Tây giá cao và nhỏ giọt, vành đai 3 TP.HCM còn chờ hơn 3,7 triệu m³ để đắp nền - Ảnh 3.

Nguồn cát các nhà thầu huy động về công trường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP.HCM mới chỉ đạt 2,15 triệu m³/6,6 triệu m³ tổng nhu cầu - Biểu đồ: ĐỨC PHÚ

Giá cát tại mỏ đặc thù miền Tây cũng khá cao

Một số nhà thầu thi công vành đai 3 TP.HCM cho biết do công suất khai thác của các mỏ cát đặc thù ở miền Tây dành cho vành đai 3 TP.HCM trong giấy phép khá thấp, không đáng kể với tiến độ theo yêu cầu. Do đó tổng thể số cát đã huy động về công trường, tỉ lệ cát đưa từ các mỏ miền Tây không nhiều, chỉ 331.000m3.

Bên cạnh đó, giá cát tại mỏ đặc thù cho vành đai 3 TP.HCM ở một số tỉnh miền Tây cũng khá cao. Chẳng hạn giá cát san lấp được địa phương công bố tại mỏ Hòa Hưng 5 (Cái Bè, Tiền Giang) 132.000 đồng/m3, trong khi giá cát Campuchia tại nguồn khoảng 100.000 đồng/m3. Như vậy, cộng thêm với chi phí vận chuyển..., cát từ miền Tây hoặc cát từ Campuchia về đến công trường chi phí tương đương 330.000 - 350.000 đồng/m3.

"Thời gian qua, các nhà thầu cũng đang tăng cường mua cát từ Campuchia và cát thương mại. Nếu các mỏ cát ở các tỉnh miền Tây được nâng công suất và giảm giá thành sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác huy động cát về công trường", một nhà thầu nói với phóng viên Tuổi Trẻ Online.

Theo một số cán bộ đang triển khai thi công các cao tốc, công tác huy động cát về gia tải, xử lý nền đất yếu thường mất thời gian 10 tháng đến hơn một năm. Do đó đây luôn là đường găng quyết định đến tiến độ các dự án. Thông thường sau thời gian khởi công dự án, nguồn cát san lấp phải đảm bảo để triển khai đồng loạt.

Như vậy, khối lượng cát cần huy động về công trường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP khoảng 3,75 triệu m3 là con số rất lớn, trong khi thời gian gia tải, xử lý đất yếu phải chờ khá lâu. Nếu không sớm thay đổi biện pháp thi công, mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm nay là một thách thức rất lớn.

Sản lượng cát huy động từ các mỏ đặc thù ở các tỉnh miền Tây về vành đai 3 TP.HCM là bao nhiêu ? - Ảnh 3.Vành đai 3 TP.HCM lỡ 'thời gian vàng'?

Là công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia, đường vành đai 3 TP.HCM không được phép chậm tiến độ. Tuy nhiên, thực tế đáng lo khi công trường vẫn đang thiếu hàng triệu mét khối cát san lấp, nhiều gói thầu ì ạch, đứng trước nguy cơ trễ tiến độ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên