
Ô tô của tài xế N.V.T. và 2 xe máy bị hư hỏng sau khi rớt xuống vị trí sụt lún, 5 người ngồi trên các phương tiện bị thương - Ảnh: B.Đ.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, vụ sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh vào ngày 11-5. Vị trí sụt lún dài khoảng 35m, sâu khoảng 3m.
Kinh phí xây dựng cầu Hòa Bình hơn 37 tỉ đồng từ ngân sách. Cầu có chiều dài 450m. Phần đường dẫn hai bên đầu cầu dài hơn 410m, được thảm bê tông nhựa nóng.
Bảy người bị ngã xuống hố sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình, tỉnh Tây Ninh, trong đó 5 người bị thương. Theo cơ quan chức năng, bước đầu nhận định nguyên nhân do túi bùn cục bộ bị trượt.
Kỹ sư Trần Văn Tường chia sẻ ý kiến xung quanh vấn đề này.
Những nguyên nhân có thể dẫn đến sụt lún
Sụt lún nền đường sau khi đưa vào sử dụng chủ yếu phụ thuộc mức độ chất lượng nén lớp vật liệu, biến dạng tích lũy từ tải trọng các phương tiện và sụt lún phần móng.
Hai yếu tố đầu có thể lường trước rủi ro thông qua tính toán thiết kế, thi công.
Trong khi đó, trường hợp biến dạng bởi túi bùn bên dưới, sụt lún móng là vấn đề phức tạp có liên quan địa chất và thủy văn.
Kiểm soát sụt lún nền đường vẫn là thách thức lớn, khó giải quyết triệt để, đến nay chưa có lý thuyết tính toán kiểm soát mức độ sụt lún nền đường chính xác sau thi công.
Nền đất yếu có thể xem là nơi chứa nước hoặc có dòng chảy, độ rỗng cao nên khả năng sụt lún lớn. Xử lý nền móng qua khu vực này nhằm nâng cao độ cứng, tăng khả năng chịu tải.
Quan tâm đúng mức theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao vô cùng quan trọng với mỗi cơ quan, đơn vị như một mắt xích trong sợi dây, phối hợp tốt sẽ giảm thiểu rủi ro.
Đối với mặt đường, hầu hết được sử dụng bê tông nhựa nóng nếu thi công không tốt, độ rỗng cao cũng có thể ảnh hưởng nền móng. Khi bị bong tróc tại vị trí nào đó sẽ gây thấm nước lúc mưa làm giảm độ bền cũng như độ kết dính các vật liệu, lan rộng ra xung quanh.
Không phá hủy tức thì cũng sẽ biến dạng tích lũy dần gặp những lúc mưa lớn kéo dài tạo dòng chảy bên trong làm trôi lớp cát, nhão lớp đất đắp gây sạt trượt dẫn đến sụt lún nền đường.
Nâng thời hạn bảo hành để tăng trách nhiệm nhà thầu
Vai trò cơ quan quản lý không chỉ phê duyệt hồ sơ, cấp phép mà còn kiểm soát sự tuân thủ quy định và lường trước các rủi ro sụt lún.
Liên quan kết cấu không gian ngầm, khu vực nền đất yếu hoặc những nơi có nguy cơ đòi hỏi công tác khảo sát chi tiết hiện trạng, địa chất, thủy văn để phân tích toàn diện giúp phát hiện các bất ổn và kịp thời khắc phục trong quá trình thi công.
Tùy điều kiện thực tế có thể bổ sung nội dung giám sát tại chỗ bằng cách cảnh báo mức độ sụt lún, dịch chuyển ngang, áp lực đất, mực nước ngầm, áp lực nước lỗ rỗng.
Lắp đặt các cọc đo sụt lún nền mặt đường, ống quan trắc, bố trí thiết bị đo mức độ sụt lún đa điểm giúp theo dõi sự thay đổi giữa các tầng địa chất khác nhau, kịp thời xử lý.
Nâng thời hạn bảo hành công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách sẽ tăng cường trách nhiệm trong thi công và tiết kiệm chi phí duy tu, sửa chữa hằng năm.
Cơ quan quản lý hoặc người quyết định đầu tư có thể xem xét nâng mức tối thiểu về thời hạn bảo hành công trình xây dựng đưa vào hồ sơ mời thầu, thỏa thuận trong hợp đồng thi công.
Với lĩnh vực giao thông, không ít hơn 48 tháng đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I, không ít hơn 24 tháng đối với các công trình cấp còn lại. Ngoài ra tùy điều kiện thực tế mà chủ đầu tư có thể linh hoạt nâng thêm thời hạn bảo hành cho phù hợp, đưa vào hồ sơ mời thầu.
Đang vào mùa mưa, cơ quan quản lý, đơn vị khai thác hạ tầng giao thông nên xem việc đảm bảo an toàn trên các tuyến đường bộ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, chủ động tiếp nhận thông tin phản ánh các bất ổn.
Tăng cường kiểm tra khắc phục các vị trí bong tróc hay "ổ gà" cũng góp phần giảm thiểu rủi ro sụt lún nền đường, góp phần an toàn giao thông.
BÌNH LUẬN HAY