
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị - Ảnh: C. TUỆ
Ngày 10-5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt nghị quyết 57).
Ứng dụng công nghệ gene, công nghệ sinh học để tạo ra sự đột phá
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành, khi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp tuần hoàn đa giá trị đã trở thành xu thế tất yếu.
"Chúng ta bắt buộc phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm nền tảng cho phát triển" - ông Duy nói.
Theo ông Duy, thời gian qua ngành nông nghiệp và môi trường đã có nhiều nỗ lực phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực, song để đáp ứng yêu cầu đột phá, phát triển theo tinh thần nghị quyết 57 vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Đầu tiên là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính để khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ trong khu vực công mà còn cả khu vực tư.
"Chúng ta cần phải thay đổi thể chế, chính sách như thế nào để huy động sự vào cuộc, sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của ngành", ông Duy nói.
Vấn đề thứ hai được ông Duy nêu ra là các giải pháp để nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa ngành nông nghiệp và môi trường.
Đặc biệt xác định các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh để triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ nhằm tạo ra sự phát triển đột phá của ngành như là công nghệ sinh học, công nghệ gene.
"Chúng ta có thể đi nhanh, đột phá theo những lĩnh vực nào thì có những ý kiến các nhà khoa học đề xuất tập trung vào công nghệ gene hay công nghệ sinh học. Vậy còn có thể có những lĩnh vực nào khác nữa và trong công nghệ gene, công nghệ sinh học thì đâu là những lĩnh vực mà chúng ta có thể ưu tiên để phát triển", ông Duy đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn tham quan các sản phẩm ngành nông nghiệp - Ảnh: C. TUỆ
Cần đề xuất chính sách để thu hút chuyên gia, nhà khoa học
Vấn đề thứ ba được ông Duy nêu ra là đổi mới hoàn toàn phương thức giao nhiệm vụ khoa học công nghệ hằng năm theo cơ chế đấu thầu, đặt hàng.
Các sản phẩm nghiên cứu phải được thương mại hóa phục vụ sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm.
"Có một thực tế trong thời gian qua việc đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ yếu từ các cơ sở khoa học công nghệ công lập, mà ít có những đề xuất từ thực tiễn, từ doanh nghiệp, từ nông dân.
Bởi vậy nhiều đề tài nghiên cứu không gắn với yêu cầu thực tiễn phát triển, và vì thế nghiên cứu xong rồi thì rất khó để thương mại hóa", ông Duy nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa được ông Duy nêu ra là phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh.
Trong đó cần đề xuất cơ chế, chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt từ khối doanh nghiệp tư nhân, các hội, hiệp hội ngành hàng cùng chung sức đồng lòng với bộ, với ngành để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.
"Chúng ta đã có nghị quyết rất đúng đắn, kịp thời và đột phá của Bộ Chính trị, đã có kế hoạch hành động chi tiết của bộ, đã có sự đồng hành của các địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học. Vấn đề còn lại là ý chí hành động, sự kiên định, quyết tâm đổi mới trong triển khai thực hiện", ông Duy nói.
BÌNH LUẬN HAY