
Ảnh minh họa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ.
Đề xuất phân cấp cho bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định
Dự thảo nghị định quy định về phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ.
Gồm lĩnh vực tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương; lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội; việc làm, an toàn, vệ sinh lao động; người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ; người có công; bình đẳng giới; công tác văn thư, lưu trữ nhà nước; thi đua, khen thưởng.
Về lĩnh vực chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Phân cấp cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công nhận xã đảo, xã an toàn khu.
Còn theo quy định hiện hành Bộ Nội vụ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định về tiêu chí, điều kiện, quy trình, thủ tục công nhận xã đảo, xã an toàn khu, vùng an toàn khu.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận xã đảo, xã an toàn khu, vùng an toàn khu.
Đề xuất mới về danh mục địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng
Đáng chú ý, về lĩnh vực tiền lương và bảo hiểm xã hội, dự thảo nghị định đề xuất Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh quyết định lựa chọn địa bàn cấp xã thuộc tỉnh để áp dụng cụ thể mức lương tối thiểu vùng.
Sửa đổi các quy định tại nghị định 74/2024 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Cụ thể, dự thảo quy định danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV như sau:
Vùng I và vùng II, gồm các xã phường thuộc TP Hà Nội.
Vùng I, vùng II và vùng III, gồm các xã phường thuộc TP.HCM và TP Hải Phòng.
Vùng II, vùng III và vùng IV, gồm các xã phường thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau và các TP Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV, gồm: các xã phường thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Nai, Tây Ninh.
Vùng III và vùng IV, gồm các xã phường thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk.
Dự thảo quy định UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa bàn xã, phường để lựa chọn và quyết định áp dụng mức lương tối thiểu cụ thể theo vùng đối với xã, phường.
Bảo đảm mức lương tối thiểu trên địa bàn đơn vị hành chính cấp cơ sở không thấp hơn mức lương tối thiểu tương ứng với địa bàn do Chính phủ quy định hằng năm.
Đề xuất bãi bỏ phụ lục ban hành kèm theo nghị định 74/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Bộ luật Lao động 2019 quy định mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng, và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Lần gần nhất, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh theo nghị định 74/2024, với mức tăng 6%, áp dụng từ ngày 1-7-2024 đến nay.
Theo nghị định này, mức lương tối thiểu vùng hiện ở vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng; vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu theo giờ cũng được điều chỉnh tăng tương ứng, tại vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
BÌNH LUẬN HAY