
Cầu Ba Son được nhiều người ví von là một trong những “view” đắt giá bậc nhất nhì TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Thế nhưng để có những hình ảnh đẹp đó là nhờ có cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son, cầu Phú Mỹ, hầm vượt sông Sài Gòn nối kết giữa khu đô thị cũ với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
30 năm trước không dễ xây cầu Thủ Thiêm
Cách đây 30 năm, năm 1995, TP.HCM mong muốn sớm xây cầu Thủ Thiêm đầu tiên trên đường Tôn Đức Thắng quận 1 (vị trí cầu Ba Son hiện nay) vượt sông Sài Gòn nối với quận 2 để phát triển khu đô thị Thủ Thiêm, nhằm giảm áp lực dân số tăng ở khu đô thị hiện hữu.
Thế nhưng, vốn ngân sách lúc ấy rất khó khăn. Vì vậy, TP đề nghị Tập đoàn Dywidag (Cộng hòa Liên bang Đức) nghiên cứu đầu tư xây cầu này.
Tập đoàn này ước tính xây dựng cầu Thủ Thiêm tĩnh không thấp tương đương cầu Sài Gòn là 9m có chi phí 72 triệu USD, đổi lại Dywidag đầu tư khoảng 2 tỉ USD xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm trên diện tích khoảng 270ha với thời hạn sử dụng đất 49 năm.
Tuy nhiên, việc xây cầu Thủ Thiêm ở hạ lưu sông Sài Gòn có tĩnh không thấp chẳng khác nào bít đường tàu thuyền ra vào cảng biển Tân Cảng Sài Gòn (gần cầu Sài Gòn) và nhà máy sửa chữa, đóng tàu Ba Son...
Do đó, TP.HCM đề nghị Tập đoàn Dywidag nghiên cứu xây cầu cao (độ tĩnh không 30m hoặc 45m cho tàu có tải trọng 10.000 đến 20.000 tấn lưu thông dưới cầu) hoặc cầu quay (nhịp giữa cầu có thể xoay ngang).
Lúc đó, trả lời chúng tôi về dự án cầu Thủ Thiêm, một cán bộ của Công ty Dịch vụ phát triển đô thị (UDESCO) thuộc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết Dywidag ước tính vốn xây cầu cao hoặc cầu quay sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 140 triệu USD.
Đồng thời, vốn đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng tăng lên 4 tỉ USD và diện tích đất tăng lên 540ha. "Dywidad cho rằng bỏ ra số vốn đầu tư quá lớn sẽ không hiệu quả nên họ xin dừng dự án", vị cán bộ UDESCO nói.
Để giải bài toán xây cầu không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của cảng biển và nhà máy Ba Son, năm 1998 Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đề xuất xây cầu mở. Đây là loại cầu mở nhịp ở giữa rộng 80m đạt yêu cầu tàu thuyền qua cầu.
Dù vậy, TEDI cũng đề xuất trong trường hợp có vốn sẽ xây cầu cao để giải quyết triệt để về giao thông đường bộ, đường thủy... Thế nhưng, trở ngại lớn nhất vẫn là không có vốn nên không thể triển khai dự án xây cầu.
Năm năm sau - năm 2003 Ban Quản lý đầu tư - xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm tiếp tục đề xuất xây cầu mở tại đường Nguyễn Hữu Cảnh - Ngô Tất Tố từ quận Bình Thạnh qua quận 2.
Và cho biết phương án 1 xây dựng cầu mở có vốn đầu tư 1.029 tỉ đồng trong trường hợp Tân Cảng Sài Gòn và nhà máy Ba Son chưa di dời. Phương án 2 xây cầu thấp có vốn đầu tư 892 tỉ đồng khi các đơn vị đã di dời.
Điều đáng mừng là trong năm 2003, trung ương có quyết định yêu cầu tất cả cảng biển phải có kế hoạch di dời ra khỏi nội đô TP, trong đó có Tân Cảng Sài Gòn và nhà máy Ba Son di dời. Quyết định này đã tháo gỡ nút thắt cho dự án cầu Thủ Thiêm bị đình trệ nhiều năm.
Từ đây, TP đã chọn phương án xây cầu Thủ Thiêm thấp với kinh phí 1.099 tỉ đồng gồm vốn xây dựng và đền bù giải tỏa. Tháng 4-2004, UBND TP. HCM trình Thủ tướng thay đổi hình thức đầu tư BOT dự án xây cầu Thủ Thiêm sang hình thức ngân sách ứng vốn trước, sau đó hoàn vốn thu phí giao thông bằng cách bán quyền thu phí giao thông. Tuy nhiên, sau này TP đã không tổ chức thu phí cầu Thủ Thiêm.
Tháng 4-2005 khởi công xây cầu Thủ Thiêm nối quận Bình Thạnh và quận 2 và tháng 1-2008 khánh thành chiếc cầu này. Lãnh đạo Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - chủ đầu tư - nhấn mạnh có cầu Thủ Thiêm giúp phát triển mạnh mạng lưới giao thông khu vực, kết nối trung tâm TP hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm, giảm bớt áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn và đặc biệt nhất là góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho khu đô thị mới.

Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
Xây thêm cầu, hầm vượt sông Sài Gòn
Từ năm 1996 đến 2000, một số đơn vị tư vấn quốc tế về giao thông đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất các kịch bản quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM.
Trong đó nhấn mạnh cần phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm bằng kịch bản với khoảng cách từ 500 - 1.000m xây cầu hoặc hầm để đáp ứng nhu cầu đi lại giữa đô thị cũ và mới. Bởi vì nhiều đô thị hiện đại trên thế giới đã thực hiện "mô típ" này.
Sau khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM tầm nhìn đến năm 2020, từ năm 2000 đến nay TP đã ứng dụng "mô típ" trên xây dựng và hoàn thành nhiều công trình vượt sông Sài Gòn. Gồm cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu 2, cầu Phú Mỹ, cầu Ba Son, hầm sông Sài Gòn.
Có thêm nhiều cầu, hầm đã đem lại hiệu quả rất lớn là giao thông thông thoáng khi xe cộ có nhiều hướng lưu thông từ quận 1, 7, 12 và Bình Thạnh vượt sông Sài Gòn.
Sắp tới, TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng thêm cầu Thủ Thiêm 3 có tên mới là cầu Thủ Ngữ (quận 4 nối TP Thủ Đức) và cầu Thủ Thiêm 4 (quận 7 - TP Thủ Đức) có tên mới là cầu Bến Nghé, và tương lai sẽ xây thêm hầm cho đường sắt đô thị băng qua sông Sài Gòn.
Một cán bộ cảng Sài Gòn cho biết trong những năm qua cảng đã và đang thực hiện chủ trương của trung ương di dời cảng biển ra khỏi nội đô.
Theo đó, cảng đã xây dựng và đưa vào hoạt động cảng Sài Gòn - Hiệp Phước mới tại Nhà Bè nên đã thu hẹp dần hoạt động xếp dỡ hàng hóa ở cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.
Hơn nữa, một số cảng nội đô TP đã hoàn thành di dời ra Cát Lái (TP Thủ Đức), Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai hoặc đã chuyển đổi công năng từ cảng biển thành khu dân cư, trung tâm thương mại... Do đó, sắp tới các công trình xây cầu qua sông Sài Gòn không còn gặp trở ngại về mặt bằng thi công.
Hiện nay, trong kế hoạch đầu tư xây cầu Bến Nghé, đơn vị tư vấn đã thiết kế nhịp mở giữa cầu có thể nâng hạ tĩnh không đến độ cao 45m cho tàu có tải trọng 30.000 tấn chở khoảng 2.000 khách du lịch qua cầu vào cập bến tàu khách quốc tế tại khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.
Dự án bến tàu khách quốc tế và tại khu đất có cầu Thủ Ngữ sẽ trở thành khu đô thị đa chức năng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ hiện đại.
Trong đó gồm công viên cây xanh, khu nhà ở, khu phức hợp, khu thương mại dịch vụ văn phòng, văn hóa, giải trí và hệ thống giao thông - hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Một cán bộ ở khu đô thị mới Thủ Thiêm khẳng định khi có đầy đủ các cầu và hầm nối trung tâm TP.HCM với Thủ Thiêm sẽ làm giảm áp lực gia tăng dân số và đầu tư xây dựng quá mức ở trung tâm hiện hữu. Đồng thời sẽ tạo điều kiện hấp dẫn, thu hút đầu tư ước tính lên đến hàng chục tỉ USD.
Tại đây sẽ hình thành những tổ hợp công trình hiện đại, gồm trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm, khu công viên văn hóa, thể thao, vui chơi và du lịch với quy mô tương tự như các thành phố hiện đại trong khu vực và quốc tế...
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
TP đã khởi công dự án xây dựng cầu đi bộ từ công viên Bến Bạch Đằng, quận 1 băng qua sông Sài Gòn nối với công viên bờ sông khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.
Cầu dài 261m, rộng 6-11m, tĩnh không cao 10m. Dự kiến cầu đi bộ sẽ khánh thành vào dịp 30-4-2026. Theo đó, người dân từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến công viên Bạch Đằng lên cầu đi bộ đến khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á
Ngày 20-11-2011, thông xe hầm Thủ Thiêm (sau này gọi là hầm sông Sài Gòn), đây là công trình vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á. Hầm dài 1,49km, rộng 33m, cao 9m, với 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ô tô và xe máy.
Theo các chuyên gia giao thông, xây hầm qua sông Sài Gòn tại khu vực trung tâm TP có ưu điểm là không phá vỡ cảnh quan không gian đô thị so với xây cầu. Tuy nhiên, chi phí xây dựng và chi phí bảo dưỡng hầm cao hơn so với cầu.
BÌNH LUẬN HAY