25/07/2014 10:04 GMT+7

Phương án nào cho một kỳ thi quốc gia?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 và tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, Tuổi Trẻ nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia và bạn đọc về việc cần sớm thực hiện một kỳ thi quốc gia, nhằm tránh những lãng phí, tốn kém, giảm áp lực xã hội...

P5aCadCM.jpg
Đồ họa: N.Khanh

Những vấn đề mà bạn đọc góp ý cho một kỳ thi quốc gia, Tuổi Trẻ xin được trích đăng để bạn đọc cùng tiếp tục tham gia ý kiến.

Thi theo môn

Theo phương án này, kỳ thi sẽ có tám môn gồm: toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ. Những năm sau có thể bổ sung các môn khác như: tin học, công nghệ, giáo dục công dân... thuộc chương trình THPT. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi bốn môn gồm hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn và hai môn do thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại.

Kết quả của bốn môn thi được sử dụng kết hợp với kết quả học tập cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT và kết quả bốn môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài bốn môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quyết định.

Một kỳ thi, hai mục đích

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ ngày 19-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết định hướng của việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là làm sao cho kỳ thi nhẹ nhàng, hiệu quả, thiết thực và công bằng, tạo thước đo chung để có thể vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ.

“Chúng ta sẽ tiến tới một kỳ thi quốc gia sử dụng hai mục đích trên. Đây là chủ trương rất mới nên hiện vẫn chưa biết đi theo hướng nào tốt nhất. Bộ GD-ĐT mong muốn các nhà khoa học, các nhà giáo, toàn xã hội đóng góp ý kiến cho đề án này được hoàn thiện nhất” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thành đề án, trong quý 3-2014 sẽ đưa ra tham khảo ý kiến của công luận.

Về đề thi, hầu hết thí sinh đáp ứng được các nội dung mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng để tốt nghiệp THPT. Chỉ những học sinh có học lực từ trung bình khá trở lên mới đáp ứng được yêu cầu các nội dung ở mức độ vận dụng cao để có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi (yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó).

Thi theo bài

Với phương án này, các môn học ở lớp 12 gồm toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành năm bài thi, gồm: bài thi toán, bài thi ngữ văn, bài thi ngoại ngữ, bài thi tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học và sinh học) và bài thi xã hội (gồm các môn lịch sử và địa lý). Mỗi thí sinh phải thi bốn bài thi gồm hai bài thi bắt buộc là bài thi toán và bài thi ngữ văn. Hai bài thi do học sinh tự chọn từ bài thi tự nhiên, bài thi xã hội hoặc bài thi ngoại ngữ.

Đề thi của mỗi bài thi là tổng hợp các câu hỏi của từng phần (mỗi phần là một môn học). Trong năm đầu, bài thi chỉ là tổng hợp các câu hỏi của mỗi môn học, những năm sau các câu hỏi của bài thi nâng dần theo hướng tổng hợp, tích hợp giữa các môn.

Thời gian và địa điểm thi

Thời gian tổ chức kỳ thi vào tuần thứ hai của tháng 6 hằng năm. Theo phương án môn thi: có tám buổi thi trong bốn ngày, mỗi buổi thi một môn thi. Theo phương án bài thi có năm buổi thi trong hai ngày rưỡi, mỗi buổi thi một bài thi. Địa điểm tổ chức kỳ thi được tổ chức thành các cụm thi theo địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Tại mỗi địa phương có thể có một số cụm thi tập trung chủ yếu ở thành phố, thị xã; cá biệt có thể ở trung tâm huyện.

Về coi thi và chấm thi, dự kiến sẽ thành lập các cụm chấm thi theo địa bàn tỉnh. Thành viên của hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi là cán bộ, giáo viên của sở GD-ĐT và cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ.

Tuyển sinh ĐH, CĐ

Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh: công bố phương thức tuyển sinh của trường mình, trong đó có các môn thi/bài thi của kỳ thi quốc gia sẽ được dùng để xét tuyển đối với từng ngành đào tạo và công bố môn thi/bài thi chính sẽ nhân hệ số điểm (nếu có) trong số các môn thi/bài thi xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường. Có thể bổ sung các hình thức khác như: sơ tuyển, thi bổ sung, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ...

Các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh: xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Đề án tuyển sinh riêng cần chỉ rõ phương thức tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.

* GS Đào Trọng Thi (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Cần lộ trình hợp lý

Tôi ủng hộ việc thi bốn môn, trong đó có hai môn tự chọn như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Nhưng đề án tổ chức một kỳ thi quốc gia dự kiến thực hiện vào năm 2015 vẫn khiến tôi băn khoăn. Vì không nên dựa vào chương trình hiện hành với các môn học hiện hành để lập đề án đổi mới thi mà nên có sự chuẩn bị để năm 2017-2018 thực hiện theo chương trình mới như Bộ GD-ĐT đề xuất. Với phương án ra bài thi đánh giá năng lực, áp dụng đại trà ngay thì khó làm được, vì học sinh phải được học thì mới thi được.

Việc vận dụng kiến thức thế nào cần phải học thì mới thi được, không thể không học mà đạt được yêu cầu đổi mới của đề thi. Vì thế cần tính toán lộ trình hợp lý. Theo tôi, trong năm tới vẫn nên duy trì kỳ thi quốc gia như năm nay, trong thời gian chuẩn bị một phương án đổi mới thi với điều kiện chín muồi hơn bên cạnh việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.

* TS Hồ Thiệu Hùng:

Nghiêng về phương án thi theo môn

Tôi không ủng hộ cả hai phương án vì phương án nào cũng chưa đạt độ tin cậy cần thiết của một kỳ thi quốc gia. Nhưng nếu đành phải chọn thì tôi chọn phương án thi theo môn. Tôi thấy rằng cả phương án thi theo môn và phương án thi theo bài bản chất đều là thi theo môn (dù ở phương án 2 có những bài thi tổng hợp các môn với nhau). Trong phương án 2, các trường ĐH sẽ gặp khó khăn khi sử dụng kết quả các bài thi tổng hợp để xét tuyển. Ví dụ, một thí sinh có bài thi môn tự nhiên đạt 6 điểm, nhưng trong đó môn sinh học chỉ được 0 điểm, vật lý 3 điểm và hóa học 3 điểm, trường y không thể biết được em này đạt 0 điểm môn sinh. Tương tự, trường kỹ thuật tuyển kỹ sư điện, kỹ sư cơ khí không thể biết rằng một thí sinh thi được 6,5 điểm nhưng điểm vật lý là 0 điểm. Vì vậy, phương án 2 không tốt bằng phương án 1.

* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Nên tổ chức ngay trong năm 2015

Theo tôi, lộ trình sang năm 2015 thực hiện ngay một kỳ thi quốc gia là phù hợp. Tôi ủng hộ phương án thi theo môn. Còn phương án 2 về lâu dài mới áp dụng được do học sinh chưa quen cách học tập theo hình thức này.

Về coi thi, chấm thi, tôi phản đối việc thi theo từng địa phương, từng cụm trong địa phương. Hiện nay việc tổ chức thi ở không ít địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc. Thực tế có nhiều thí sinh trong kỳ thi ĐH vừa qua có điểm môn toán chỉ được 1 nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT được 9, 10 điểm. Trong khi các trường ĐH không thể rải quân đều ra khắp cả nước để giám sát kỳ thi này được. Theo tôi, nên chọn cách thức tổ chức thi giống như thi ĐH, tức tổ chức thi theo cụm Quy Nhơn, Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng... Từng cụm sẽ có đại diện của các trường ĐH phối hợp với nhau do Bộ GD-ĐT chủ trì.

Với cách tổ chức này, mặc dù học sinh đi thi tốn kém nhưng tôi cho rằng chịu khó tốn mà kỳ thi có chất lượng hơn. Chỉ có kỳ thi ĐH mới đánh giá đúng và nghiêm túc thật sự. Thà chịu khó tốn nhưng cộng lại thì vẫn thua chi phí của việc tổ chức hai kỳ thi.

VĨNH HÀ - LƯU TRANG - TRẦN HUỲNH ghi

Diễn đàn “Phương án nào cho một kỳ thi quốc gia?”

Trong số nhiều ý kiến gửi về Tuổi Trẻ, những vấn đề được bạn đọc quan tâm và đặt vấn đề nhiều nhất là một kỳ thi quốc gia nên tổ chức thi theo môn thi hay bài thi? Có nên lấy thêm kết quả học bạ để xét tốt nghiệp? Thành lập hội đồng coi thi, chấm thi nên theo cụm hay để các tỉnh chấm? Thời gian nào tổ chức một kỳ thi quốc gia là hợp lý nhất? Các trường ĐH, CĐ tổ chức xét tuyển và thi riêng như thế nào?...

Nhằm góp thêm tiếng nói vào kỳ thi quan trọng này, Tuổi Trẻ mở diễn đàn “Phương án nào cho một kỳ thi quốc gia?”. Bạn đọc quan tâm xin vui lòng gửi bài tham gia diễn đàn về [email protected] hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (xin vui lòng ghi rõ bài tham gia diễn đàn, địa chỉ, tài khoản ngân hàng...). Diễn đàn sẽ đăng tải các ý kiến bạn đọc trên nhật báo Tuổi Trẻ và trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn).

Mời bạn đọc cùng tham gia.

TUỔI TRẺ

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên