05/04/2017 09:37 GMT+7

​Phòng ngừa bệnh giun

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe

Bệnh giun ở người là những bệnh do các loại giun đũa, giun tóc, giun móc,… thực hiện bằng cách ký sinh ở người để chiếm lĩnh thức ăn, nhất là ở đường tiêu hóa, bệnh thường xảy ra ở những người sống trong điều kiện thiếu vệ sinh.

Theo thông báo của WHO, ước tính khoảng hơn một tỷ người trên thế giới nhiễm các loại giun này, khoảng 2 tỷ người có yếu tố nguy cơ. Sự nhiễm các loại giun có liên quan chặt chẽ với tình trạng cuộc sống.

Các bệnh giun gây nhiều tác hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt đối với trẻ em: làm giảm khả năng phát triển về thể chất, trí tuệ, là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến tử vong.

Tác nhân gây bệnh và chu kỳ sinh học

Tác nhân gây bệnh giun đũa là giun đũa (Ascaris lumbricoides). Giun đũa khi ký sinh trong ruột non của người và đẻ trứng, các trứng này đều ở giai đoạn phôi chưa bắt đầu phát triển và không có khả năng làm lây nhiễm cho người. Trứng cùng với phân rơi vào đất gặp các điều kiện thuận lợi như nhiệt độ thích hợp, độ ẩm đầy đủ và oxy tự do phát triển thành ấu trùng. Trứng có ấu trùng nhiễm vào người qua đường tiêu hóa. Khi vào tới dạ dày, ấu trùng giun đũa thoát khỏi vỏ trứng nhờ sức co bóp của dạ dày và tác động của dịch vị. ấu trùng xuống ruột non, chui qua các mao mạch ở ruột vào tĩnh mạch mạc treo để đi về gan. Thời gian qua gan sau 3-7 ngày. Sau đó, ấu trùng đi theo tĩnh mạch trên gan để vào tĩnh mạch chủ và vào tim. Từ tim, ấu trùng theo động mạch phổi để vào phổi. Tại phổi, ấu trùng tiếp tục phát triển rồi di chuyển theo các nhánh phế, khí quản để tới vùng hầu họng.

Khi người nuốt ấu trùng sẽ xuống đường tiêu hóa và dừng lại ở ruột non để phát triển thành giun đũa trưởng thành. Giai đoạn ấu trùng của giun đũa chu du trong cơ thể, có thể lạc chỗ và ở lại các bộ phận hay ở các mô của cơ thể như: hạch bạch huyết, não, tủy và gây bệnh.

Ngoài lây nhiễm qua đường tiêu hóa, giun đũa và giun tóc còn có khả năng nhiễm vào cơ thể qua đường hô hấp.

Tác nhân gây bệnh giun móc là giun móc (Ankylostoma duodenalis và Necator americanus), 2 loại này giống nhau về mặt hình thái và mặt sinh học. Giun móc đực và cái trưởng thành ký sinh ở tá tràng. Khi ký sinh phần đầu của ruột non, giun ngoạm vào niêm mạc ruột để chiếm thức ăn và hút máu. Sau khi giun cái đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoại cảnh, gặp điều kiện thuận lợi (nhiệt độ, độ ẩm, oxy), trứng giun sẽ phát triển thành trứng mang ấu trùng, sau 24 giờ ấu trùng này phát triển và lớn lên nhờ các chất hữu cơ ở trong đất. Ấu trùng có các hướng động đặc biệt có khả năng chui qua da vào người. Sau khi xuyên qua da, ấu trùng theo đường tĩnh mạch về tim. Từ tim ấu trùng theo động mạch phổi để tới phổi. Từ phế nang, ấu trùng di chuyển theo các nhánh phế quản tới khí quản rồi lên vùng hầu họng, sau đó được nuốt xuống ruột. Ấu trùng dừng lại ở tá tràng và phát triển thành giun móc trưởng thành. Thời gian hoàn thành chu kỳ giun móc khoảng 3-4 tuần. Giun trưởng thành có thể sống trong ruột người từ 10 đến 15 năm.

Phòng ngừa bệnh giun

Người là vật chủ của giun đũa, giun tóc, giun móc nên những điều kiện về địa lý, khí hậu chỉ đủ điều kiện cho trứng giun và ấu trùng giun tồn tại và phát triển ở ngoại cảnh. Trứng giun và ấu trùng giun sẽ không tồn tại sau một thời gian nếu như không được nguồn truyền nhiễm bổ sung thêm mầm bệnh. Từ môi trường, trứng hoặc ấu trùng giun có thể vào được cơ thể con người hay không, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố liên quan đến đời sống sinh hoạt của con người. Tỷ lệ người nhiễm sẽ giảm đi rất nhiều, nếu như không bị tái nhiễm vì giun sống ở ruột người một thời gian nhất định. Những điều kiện đã góp phần ảnh hưởng vào quá trình và biện pháp phòng tránh:

- Quản lý phân người chặt chẽ:

+ Không sử dụng phân người làm phân bón.

+ Sử dung hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi ra môi trường xung quanh.

- Ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh: ăn chín, uống sôi; rửa sạch rau, quả khi ăn; rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; sử dụng bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất, phân.

- Tẩy giun định kỳ cho cả gia đình tối thiểu 6 tháng một lần (ít nhất 2 lần trong năm).

- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những giải pháp hữu ích phòng ngừa bệnh giun.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bệnh giun phòng bệnh