Trong ký ức, tôi nhớ quán phở của Bà Mùi có cái bàn gỗ sơ sài, có mâm thịt bò, bên cạnh là hai bếp than đá, một bên là nồi nước sôi trụng phở, một bên là nồi nước lèo.
Chỉ cần đi gần tới bàn bán phở là đủ cảm thấy có thể ăn hết 2-3 tô, hoặc cơn đói như chầu chực ngấu nghiến bao tử bạn, hoặc bởi khứu giác được đánh thức quá mãnh liệt bằng mùi thơm của phở.
Thời đó, phở là món ăn xa xỉ với chị em tôi. Tôi không biết tại nhà mình nghèo hay tại bà Mùi bán mắc mà hiếm khi mẹ cho tiền đủ để ăn phở.
Tiền ăn sáng chỉ đủ để ăn cháo đậu đỏ, của bà bán cách quán phở bà Mùi vài bước chân, hoặc ăn bánh mì pate không chả của bà bán đối diện bà Mùi.
Hoặc hôm nào nhiều tiền hơn một chút do dồn tiền 2 bữa sáng, tôi có thể ăn được tô bún canh chỉ nấu với tôm khô, da heo và huyết heo được bà gì đó bán gần nhà.
Phở Bà Mùi vẫn chỉ là... niềm ao ước mỗi sáng của tôi, là thứ xoa dịu không khiến tôi quá bực mình bởi việc chờ đợi bà bán bánh mì hay bà bán cháo đậu đỏ. Mùi thơm phở bò sẽ làm tôi thấy thư thái dễ chịu, cho tôi cảm giác như mình đang ăn phở, dù rằng trả tiền cho bà bán cháo.
Bánh phở bà Mùi trong ký ức của tôi có độ mềm, độ dai và cả mùi thơm lạ lùng từ gạo. Tôi kén chọn quán bán phở, lý do đầu tiên chính là ở cọng bánh phở. Tôi cực kỳ ghét cọng bánh phở được cán mỏng lét, trơn lùi. Những cọng bánh phở của những tiệm phở Bắc cũng là một trong những điều nằm trong sự "cực đoan ghét phở" của tôi.
Nước lèo phở Bà Mùi tôi từng nghĩ là "thần dược", vì gần như chúng tôi có đứa nào cảm, ho, sốt, nhức đầu hay thậm chí đau bụng thì ngay sáng hôm sau mẹ tôi đều bắt một đứa khoẻ xách cà mên ra Bà Mùi mua phở cho đứa bệnh.
Mẹ cũng bắt phải uống cho hết nước lèo phở, vì bổ dưỡng, bổ máu, bổ gì đí tôi chẳng thể nhớ hết được lời mẹ nói. Cũng có những lần tôi trách mẹ sao lúc khoẻ không cho ngày nào cũng ăn phở, cứ phải giả bệnh hoặc bệnh thiệt mới cho ăn phở...
Nước lèo của phở phải thơm là điều đầu tiên, phải trong veo và có một chút xíu màu vàng của mỡ bò trên bề mặt. Thịt bò phải cắt ngược sớ để thịt không mềm nhũn cũng không dai như cao su. Bò không khô phải đúng chuẩn vừa mềm mượt vừa thơm thơm.
Và có lẽ để nước phở có thể là "thần dược", bà Mùi đã phải ninh xương ống, xương sườn bò từ tám đến hơn mười tiếng để có thể có được nồi nước lèo mà giờ đây chỉ có ngồi nhớ lại tôi cũng ước gì hồi nhỏ mình bệnh nhiều nhiều.
Nhớ năm lớp 5 phải vô bệnh viện cắt amidan, tôi hơi... giận mẹ. Bởi trước khi cắt amidan, tôi thường xuyên sốt nên số lần được ăn phở rất dày đặc. Lúc nghe mẹ nói cắt amidan phải nằm viện, tưởng lại có cơ hội được uống "thuốc phở"!
Ai dè khoảng thời gian ấy chỉ có nước cháo và nước cháo, sữa Ông Thọ và sữa Ông Thọ. Và bi kịch hơn nữa, sau khi cắt amidan, những cơn sốt đã không còn thăm viếng, phở từ đó cũng xa vắng.
Giờ đây công nghệ có thể giúp ai cũng nấu phở được. Nhưng cái cách để nấu ra nồi phở thiệt nhanh, thiệt ít tốn kém từ công sức đến tiền mua thịt bò đã làm mai một phở, khiến tôi cảm thấy ghét phở.
Phở của những năm tháng sau này không khiến tôi khoẻ, mà chúng chỉ làm tôi say xẩm vị bột ngọt, làm tôi khó chịu mất hứng bởi hành lá cắt nhuyễn thiệt nhuyễn bỏ vào tô phở. Tại bánh phở, tại nước lèo, tại sự lạnh lùng thô ráp không hương vị lẫn tinh tế của những quán phở công nghiệp... làm tôi luôn từ chối chọn phở vào bữa sáng.
Có lẽ tại tôi từng có một ký ức rất đẹp đẽ và lộng lẫy về phở.
Nhằm tôn vinh và quảng bá món ăn "quốc hồn quốc túy" của người Việt, cũng như mong muốn nhận được những ý tưởng góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa Ngày của phở, báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi Ký ức về phở.
Mời bạn viết về kỷ niệm với một quán phở cụ thể, một lần ăn phở đặc biệt, một kỷ niệm gắn liền với món phở; hoặc ấn tượng về một nhân vật có thật, gắn bó/có ảnh hưởng với món ăn truyền thống này.
Bài viết tối đa 1.000 chữ. Vui lòng gửi về: [email protected].
Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 12-11-2018. Các giải thưởng sẽ được công bố vào chương trình Ngày của phở 2018, dự kiến diễn ra ngày 12-12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận