28/12/2020 14:39 GMT+7

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ cuối: Điều kỳ diệu sau chuyến đào vàng... dài 23 năm

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Ông Trần Văn Hà (quê xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An) chào từ biệt vợ con rồi xách gói vào Tây Nguyên đào vàng để tìm lối đổi đời. Không ai ngờ chuyến đào vàng định mệnh này biền biệt đến 23 năm và người ở nhà đã lập bàn thờ ông.

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ cuối: Điều kỳ diệu sau chuyến đào vàng... dài 23 năm - Ảnh 1.

Chị Loan (bìa phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng ông Hà (giữa) và người thân của ông - Ảnh: Q.NAM

Đặc biệt, ân nhân giúp ông Hà kết thúc hành trình bất hạnh đằng đẵng này là chị Nguyễn Thị Loan, chủ một quầy bán mỹ phẩm tại chợ vùng biên giới Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Người vô gia cư may mắn

Sáng sớm 7-9-2020, ông Trần Văn Tân (em trai ông Hà) và chị Trần Thị Hằng, con gái ông Hà, đã vượt quãng đường gần 400km từ Nghệ An vào Lao Bảo. Vừa gặp mặt, ông Tân đã nhận ra ngay đó là anh trai mình.

23 năm biền biệt khiến không gian ngôi nhà nhỏ ở Lao Bảo như vỡ vụn trong khoảnh khắc máu mủ ruột rà liền lại với nhau, em tìm được anh, con tìm được cha.

Chị Nguyễn Thị Loan, người đăng tin tìm người thân cho ông Hà, đến hiện tại vẫn không thể tin được điều kỳ diệu mình vừa làm được. Chị bán mỹ phẩm tại chợ Lao Bảo. Nhiều năm trước, chị phát hiện người đàn ông vô gia cư này thường đến chợ để xin đồ ăn.

Cùng với mấy người bán ở đây, chị thấy ông không được tỉnh táo, lại không có nơi ăn chốn ở nên thương tình cho đồ ăn, áo quần mặc. Dần dà, chị Loan phát hiện người đàn ông này không hoàn toàn mất trí như vẻ ngoài lạnh nhạt thường thấy, nên chị bắt đầu lân la hỏi chuyện để có cách giúp đỡ căn cơ hơn.

"Biết chỗ ông hay ngồi ở ngã tư cách chợ khoảng một cây số, tui thường đem bún xuống cho ông ăn. Hỏi han câu gì ông cũng như không nghe, nhưng hôm mới đây ông bất ngờ nói mình quê ở Nghệ An" - chị Loan kể.
Khi người đàn ông này nhắc hai chữ "Nghệ An", chị nghĩ ngay đến việc đưa lên mạng xã hội tìm người thân cho ông.

Ngày 31-8 chị đưa tô bún nóng đến cho ông ăn như thường lệ rồi quay một đoạn video. Sau đó chị đăng đoạn video này lên một diễn đàn của người Nghệ An trên mạng xã hội. Chỉ sau vài ngày, những cuộc điện thoại liên tục gọi đến. Trong đó có cuộc gọi của một người phụ nữ ở Thanh Chương nói người trong video rất giống thân nhân mình.

Sau vài cuộc nói chuyện, niềm tin về điều kỳ diệu ngày càng lớn dần ở cả hai người phụ nữ gọi và nghe điện thoại. Một hành trình ngược từ Nghệ An vào Lao Bảo được bàn bạc để mong điều kỳ diệu thành sự thật.

"Em trai và con gái thứ ba của ông Hà vào Lao Bảo gặp tui từ buổi sáng. Vừa đưa họ tới nơi ông Hà hay ngồi là tui biết chắc chắn họ là một nhà rồi. Khuôn mặt ông Hà và cô con gái giống nhau như đúc" - chị Loan xúc động kể lại.

Chị Loan nhớ lúc mới gặp hai người từ Nghệ An vào, ông Hà có chút biểu cảm nhưng gương mặt vẫn lạnh tanh. Hình như tâm trí không bình thường cộng với khoảng thời gian quá dài sống lang thang khiến ông đánh mất nhiều cảm xúc về gia đình.

Chị Hằng thì nhìn chằm chằm vào người đàn ông lang thang đầu tóc rối bù trước mặt mà chỉ biết nghẹn ngào.

Khi cha đi đào vàng chị mới học lớp 6, khoảng thời gian biền biệt 23 năm khiến hình hài người cha có quá nhiều thay đổi, nhưng chị vẫn nhận ra cha mình bằng vết sẹo trên đầu và bằng cả linh cảm của tình phụ tử.

Đến chiều cùng ngày, người con gái đầu của ông Hà ở Nghệ An tên Trần Thị Hồng cũng kịp có mặt tại Lao Bảo.

"Người con gái đầu vừa bước xuống xe, điều kỳ lạ xúc động là người đàn ông vô gia cư vốn lúc tỉnh lúc mê đã nhận ra con mình ngay lập tức. Ông gọi ngay tên con: "Con Hồng".

Đó là lúc không ai còn nghi ngờ gì nữa. Mấy cha con ôm nhau khóc như chưa từng được khóc. Lúc nớ tui cũng nghẹn ngào, thật sự tin vào điều kỳ diệu là có thật" - chị Loan vui vẻ kể.

"Răng chưa thấy Loan về?"
23 năm mất tích thì có hơn chục năm người dân Lao Bảo thấy ông sống lang thang ở khu chợ vùng biên này.

Ông sống được trong hơn mười năm đó cũng phải nhờ đến sự yêu thương đùm bọc của chị Loan cùng một số người tốt bụng khác. Họ xót thương hoàn cảnh nên không ai bảo ai, cứ đến bữa là mang cho ông từ chén cơm ông ăn mỗi ngày hay tấm áo ông mặc qua đêm rét.

Có lẽ hơn mười năm đó quá dài làm ông Hà ngay cả khi đã về nhà vẫn lưu luyến tình cảm với những người cưu mang mình. Đến mức nhiều người ở quê ông Hà còn ngỡ rằng chị Loan là con của gia đình này chứ không phải chỉ là một người dưng ở tận miền biên giới Quảng Trị.

Chị Hồng kể từ ngày trở về quê nhà, tâm trí ông có ổn định hơn. Ông có thể đi chơi quanh xóm, nhận biết người quen. Nhưng có một cái tên mà ông Hà như khắc vào tâm trí, đó là tên của chị Loan.

"Cha vẫn thường hay nhắc đến tên chị Loan như con mình. Khi tỉnh táo chút thì kêu con gọi điện cho chị Loan. Ngay cả khi tâm trí có phần chập chờn bất ổn, cha vẫn nhớ đến tên chị Loan" - chị Hồng kể.

Ở biên giới Lao Bảo giữa mùa sương lạnh, chị Loan vẫn xúc động kể rằng đó như là một cái duyên giữa cuôc đời này. Chị giúp ông Hà vì tình người, không hề nghĩ ngợi được đền đáp, nhưng giờ đã được cả gia đình này đáp lại bằng tình người.

Trên mạng xã hội, lúc đăng tin tìm người thân cho ông, chị viết: "Ai người Nghệ An vào xem đúng thân nhân của mình hãy đem chú về. Mặc dù chú không tỉnh táo mấy nhưng chú cũng cần hơi ấm gia đình và tình thương yêu".

Chị nói có lẽ điều này đã chạm vào trái tim của nhiều người nên thông tin được cộng đồng mạng truyền đi rất nhanh. Chỉ trong một buổi chiều đã có hàng chục cuộc gọi đến.

Lang bạt khắp nơi đến 23 năm, những ngày đầu ông Hà về với gia đình, ông không quen với cách ăn uống của nhà mình. Hơn mười năm sống trong sự đùm bọc của chị Loan và một số người ở Lao Bảo, ông quen luôn với cách ăn uống ở đó. Chị Hồng phải gọi vào hỏi chị Loan về cách sinh hoạt ăn uống của cha.

"Nấu chi, cha cũng lắc đầu không ăn. Cha nói chỉ thích ăn những thứ chị Loan mua cho. Sau hỏi chị Loan mới biết cha thích ăn thật cay và mặn. Nấu bún hay cơm cũng phải có thêm chén nước mắm thật nhiều ớt" - chị Hồng kể.

Trong những cuộc trò chuyện qua điện thoại, ông Hà vốn lầm lì nhưng thi thoảng cũng nói chuyện được với chị Loan vài câu. Ông chỉ nói được rất ngắn ý của mình là muốn chị Loan về Nghệ An chơi. Chị Loan nói sẽ về, từ đó ông thường xuyên hỏi con: "Răng chưa thấy Loan về?".
Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ cuối: Điều kỳ diệu sau chuyến đào vàng... dài 23 năm - Ảnh 2.

Chị Loan còn cưu mang ông Tiệp lang thang ở chợ Lao Bảo nhưng chưa tìm được người thân - Ảnh: Q.NAM

Thêm người vô gia cư cần giúp

Trong góc chợ Lao Bảo, nhiều năm qua ngoài ông Hà còn có một người đàn ông lớn tuổi khác cũng không gia đình được chị Loan và một số người giúp.

Người đàn ông này trở thành niềm ray rứt lớn của chị Loan vì sau ông Hà, chị đã tìm nhiều cách để tìm người thân cho ông nhưng đến nay chưa có kết quả. Ông cũng không được tỉnh táo và chỉ duy nhất một lần nói mình tên Tiệp, quê Quảng Bình.

Theo những người buôn bán lâu năm ở đây, ông Tiệp đã sống ở khu chợ này hơn 20 năm nay. Mỗi ngày, ông được chị Loan và một số người khác mua cơm cho ăn. Tối lại về ngủ trước sảnh một khách sạn ở khu thị trấn Lao Bảo.

Đợt lũ tháng 10 vừa qua, ông Tiệp đang ngủ ở bậc thềm trước khách sạn thì nước dâng. Chị Loan phải gọi nhờ người đưa thuyền ra cứu ông mới thoát chết trong gang tấc.

"Ông Tiệp cũng đáng thương lắm. Giờ không biết gia đình ở đâu mà về. Cũng có vài người đọc bài tui đăng trên mạng xã hội nên tìm đến nhận người thân nhưng đều không phải" - chị Loan nghèn nghẹn kể.

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 4: Người nối cầu cho ngày đoàn tụ Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 4: Người nối cầu cho ngày đoàn tụ

TTO - Từ mẩu tin nhắn tìm người thân lạc trôi trên mạng, một anh công an tốt bụng công tác ở Công an Đà Nẵng đã âm thầm đi tìm kiếm.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên