
Tập truyện ký Phía Nam sông Bến Hải của Nguyễn Văn Á - Ảnh: T.ĐIỂU
Dù có thơ văn in báo từ những năm 1980, từng giành được nhiều giải thưởng văn chương và báo chí, nhưng nhà thơ - nhà báo - cựu chiến binh Nguyễn Văn Á vừa mới in sách lần đầu, cùng lúc hai cuốn, cả văn lẫn thơ.
Cùng với tập truyện ký Phía Nam sông Bến Hải, ông cho ra mắt tập thơ Giọt sương bên cửa sổ. Hai cuốn sách nhận được sự chào đón từ các bạn văn.
Phía Nam sông Bến Hải và Giọt sương bên cửa sổ đều có cả chiến tranh và hòa bình trong đó, như chính cuộc đời ông, một cựu binh chống Mỹ. Nhưng dù chiến tranh hay hòa bình thì cả hai cuốn sách này Nguyễn Văn Á đều dành cả cho những người lính quả cảm.
Năm 1971, Nguyễn Văn Á đã chính thức trở thành anh bộ đội sau ba lần viết đơn tình nguyện lên đường đi chiến đấu.
Kể từ đó, cả cuộc đời ông, lúc tại ngũ lẫn giải ngũ, phần sâu nặng nhất vẫn là dành cho những người lính, những bà, những mẹ, những chị, những em mòn mỏi chờ trông và hy sinh vô hạn.
Ở Phía Nam sông Bến Hải, cuộc kháng chiến chống Mỹ trở về sống động, hào hùng mà bi tráng trong những câu chuyện kể về những trận đánh ác liệt, những cuộc đấu trí đấu lực đầy sinh tử giữa ta và địch.
Chúng cho thấy tinh hoa của nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng như ý chí kiên cường bất khuất, lòng dũng cảm, đức hy sinh, lòng yêu Tổ quốc luôn cháy bỏng của bộ đội Cụ Hồ và con dân đất Việt...
Người đọc được chứng kiến cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972; hay trận đánh trên cánh đồng Phương Ngạn, Hô Khê và Đường 9 - Khe Sanh; cuộc hành quân thần tốc để đi tới ngày thống nhất non sông.
Phía Nam sông Bến Hải còn có những trang nhật ký ghi lại cảm xúc của người lính vừa đi qua trận đánh hay đang trong phút nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ vợ, nhớ con nơi hậu phương.
Tập truyện ký dành riêng một phần cho hành trình nhân văn để tri ân đồng đội, các anh hùng liệt sĩ của tác giả và những tấm lòng khác. Cái quý nhất ở tập sách này không phải là nghệ thuật văn chương mà ở sự sống động, chân thực của tư liệu về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc nhờ ký ức của người trong cuộc.
Trung tá - nhà văn Phạm Vân Anh nhận xét tập truyện ký không chỉ là một vùng ký ức chân thực của một cựu chiến binh đã có những tháng ngày cùng đồng đội chiến đấu kiên cường trên nhiều mặt trận để đất nước thống nhất, mà còn là những trang văn học sử giá trị với nhiều biên độ cảm xúc.

Giọt sương bên cửa sổ là tập thơ được viết từ năm 1971 đến 2024, gồm ba phần: Những giọt sương bên cửa sổ, Khúc giao mùa, Hoài niệm.
Trong đó phần một là những bài thơ về đề tài chiến tranh cách mạng, nói về tình yêu của người lính đối với người yêu, quê hương và đất nước.
Người đọc xúc động khi gặp những bài thơ chất chứa tình cảm, như bài Con xin ở lại nơi này viết về trận chiến giữ thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Và đặc biệt ấn tượng với bài thơ Giọt sương bên cửa sổ - một bài thơ tố cáo mạnh mẽ tội ác da cam khi nói về khát vọng nhức nhối được mang thai, được làm mẹ quá nghiệt ngã, gian nan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận