17/04/2025 09:47 GMT+7

Phát hiện thiên hà 'em song sinh' xa nhất của Dải Ngân Hà

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do Đại học Geneva (UNIGE) dẫn đầu vừa phát hiện một thiên hà xoắn ốc ở khoảng cách xa nhất từng được quan sát.

Phát hiện thiên hà 'em song sinh' xa nhất của Dải Ngân Hà - Ảnh 1.

Hình ảnh Chúc Long, thiên hà xoắn ốc xa nhất từng được nhìn thấy do JWST phát hiện - Ảnh: NASA/CSA/ESA

Thiên hà có tên Zhúlóng (Chúc Long) này tồn tại chỉ 1 tỉ năm sau vụ nổ Big Bang, nhưng đã thể hiện cấu trúc phát triển đáng kinh ngạc với một nhân già ở trung tâm, đĩa sao lớn đang hình thành và các cánh xoắn được định hình rõ ràng.

Chúc Long có nghĩa là "Rồng Đuốc" trong thần thoại Trung Hoa, được phát hiện thông qua dữ liệu từ Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) trong chương trình khảo sát PANORAMIC. 

Điểm đặc biệt của Chúc Long là sự tương đồng đáng kinh ngạc với Dải Ngân Hà về hình dạng, kích thước và khối lượng sao. 

Phần đĩa của Chúc Long trải rộng hơn 60.000 năm ánh sáng, tương đương với thiên hà của chúng ta, và chứa khối lượng sao gấp hơn 100 tỉ lần khối lượng Mặt trời.

Phát hiện này đặt ra thách thức lớn cho các lý thuyết hiện hành về sự hình thành thiên hà. 

Trước đây các nhà thiên văn học cho rằng cấu trúc xoắn ốc phải mất hàng tỉ năm mới phát triển, và các thiên hà khổng lồ chỉ xuất hiện sau khi nhiều thiên hà nhỏ hơn hợp nhất với nhau qua thời gian. Tuy nhiên, sự tồn tại của Chúc Long buộc các nhà khoa học phải xem xét lại cách thiên hà có thể hình thành và phát triển nhanh chóng đến vậy trong vũ trụ sơ khai.

Tiến sĩ Christina Williams, nhà thiên văn học tại NOIRLab và trưởng nhóm chương trình PANORAMIC, cho biết việc phát hiện này được thực hiện nhờ chế độ "song song thuần túy" độc đáo của JWST - một chiến lược hiệu quả để thu thập hình ảnh chất lượng cao trong khi thiết bị chính của JWST đang quan sát mục tiêu khác. 

Phương pháp này cho phép JWST lập bản đồ các vùng rộng lớn trên bầu trời, điều cần thiết để phát hiện các thiên hà khổng lồ vốn rất hiếm gặp.

Phát hiện thiên hà 'em song sinh' xa nhất của Dải Ngân Hà - Ảnh 3.

Hình ảnh phóng to của Chúc Long, thiên hà xoắn ốc xa nhất từng được nhìn thấy do JWST phát hiện - Ảnh: NASA/CSA/ESA

Giáo sư Pascal Oesch, đồng trưởng nhóm chương trình PANORAMIC tại UNIGE, nhấn mạnh phát hiện này cho thấy JWST đang thay đổi căn bản cách nhìn của chúng ta về vũ trụ sơ khai. Các quan sát tiếp theo từ JWST và Đài quan sát sóng milimét lớn Atacama (ALMA) sẽ giúp xác nhận các đặc tính của Chúc Long và tiết lộ thêm về lịch sử hình thành của nó. 

Khi các cuộc khảo sát JWST trên diện rộng tiếp tục, các nhà thiên văn học kỳ vọng sẽ tìm thấy thêm nhiều thiên hà tương tự, mang lại những hiểu biết mới về các quá trình phức tạp định hình thiên hà trong vũ trụ sơ khai.

Phát hiện thiên hà 'em song sinh' xa nhất của Dải Ngân Hà - Ảnh 4.Phát hiện thiên hà khổng lồ, lớn gấp 32 lần Dải Ngân hà

Thiên hà mới được phát hiện nằm cách Trái đất 1,44 tỉ năm ánh sáng, mở ra cơ hội hiếm có để nghiên cứu các thiên hà vô tuyến khổng lồ trong vũ trụ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên