
Lá của loài cây Macaranga conifera có tiềm năng trong việc điều trị ung thư và tiểu đường - Ảnh: jakartaglobe.id
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Mulawarman ở Samarinda và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Indonesia (YKAN) thông báo đã phát hiện một loại cây bản địa có tiềm năng đáng kể trong việc điều trị ung thư và tiểu đường.
Cây này có tên khoa học là Macaranga conifera và người địa phương gọi là Sange-sange hoặc Sepu, mọc nhiều ở các khu rừng nhiệt đới. Ngoài hàm lượng chất chống oxy hóa cao, loại cây này còn giúp chống lại các tế bào ung thư và có khả năng chữa bệnh tiểu đường.
Macaranga conifera là một trong số nhiều loài thực vật được đười ươi ăn. Nhóm nghiên cứu đã xác định được tiềm năng y học của loài này trong quá trình nghiên cứu rộng hơn về các loại thực vật khác nhau mà đười ươi chọn ăn.
Các nhà nghiên cứu bắt đầu bằng việc kiểm tra 120 loài thực vật, sau đó thu hẹp danh sách xuống còn 60 loài. Trong số đó, Macaranga conifera nổi bật với các hợp chất đặc biệt có lợi, được cấp chứng nhận như một loại huyết thanh làm đẹp để ngăn ngừa mụn trứng cá và lão hóa sớm.
Nghiên cứu được tiến hành dựa trên sự hợp tác với một phòng thí nghiệm tại Đại học Kyushu ở Nhật Bản, bao gồm thử nghiệm chiết xuất Macaranga conifera trên 5 loại tế bào ung thư: gan (HepG2), ruột kết (HCT-116), u nguyên bào thần kinh (SY-Sy5y), vú (MCF-7) và cổ tử cung (HeLa).
Ông Irawan Wijaya Kusuma, trưởng khoa lâm nghiệp thuộc Đại học Mulawarman và là thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết những phát hiện này có khả năng mở đường cho các khám phá thuốc mới.
Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu và sự giám sát theo quy định của Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) trước khi Macaranga conifera có thể được phát triển thành các loại thuốc hoặc sản phẩm thảo dược an toàn và hiệu quả.
Ông Arif Rifki, chuyên gia bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng tại YKAN, lưu ý rằng Macaranga conifera còn có giá trị sinh thái vì đây là một nguồn thức ăn cho đười ươi trong rừng bảo tồn Wehea - nơi có rất nhiều động vật hoang dã quý hiếm và đa dạng sinh học.
Loài cây này thường mọc ở những vùng đất trống hoặc rừng mới khai hoang, vì vậy rất dễ khai thác và không ảnh hưởng đến nhu cầu thức ăn của đười ươi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận