Kỳ 1: Những tướng quân trong bóng tối
Những kẻ “buôn vua, bán chúa” này không phải hiếm trong lịch sử. Nhưng ngày nay vai trò của họ thường được che giấu dưới vỏ bọc rất hợp pháp là cố vấn hình ảnh, cố vấn thông tin, cố vấn đặc biệt... Một công việc có lĩnh lương như bao nghề khác.
“Thầy phù thủy” của Putin
Phóng to |
“Thầy phù thủy” Pavlovski |
Năm nay 53 tuổi, Gleb Pavlovski là một trong những prchiki (cố vấn quan hệ công chúng) nhiều ảnh hưởng nhất tại Nga. Bản thân ông lại tự giới thiệu mình như “cố vấn về kỹ nghệ chính trị”. Bởi lẽ theo ông, việc định hướng công luận là một ngành khoa học chính xác: bất kỳ ứng viên nào cũng có thể giành chiến thắng nếu có tiền và nhất là biết cách giáng những đòn mạnh, đặc biệt là những đòn xấu xa nhất, cho đối thủ của mình.
Về khoản này thì Gleb Pavlovski là một bậc thầy không đối thủ. Như trong kỳ bầu cử tổng thống gần đây nhất ở Nga, ông đã làm mất uy tín của cựu thủ tướng Primakov, 70 tuổi, người vào thời điểm đó là một ứng viên hàng đầu. Chẳng hạn Gleb Pavlovski cho thực hiện một phóng sự truyền hình về một cuộc phẫu thuật hệt như cuộc phẫu thuật mà Evgueni Primakov vừa trải qua. Không một chi tiết nào trong cuộc phẫu thuật bị bỏ sót và tất cả được trình chiếu trên các đài truyền hình nhà nước vào giờ đông người xem nhất. Tỉ lệ ủng hộ Primakov giảm xuống tức thì và ứng viên này đành phải rút lui sau đó.
Đối với ứng viên khác là thị trưởng Moscow Yuri Lujkov, Gleb Pavlovski cho lập một trang web mang tên lujkov.ru khiến nhiều người tưởng lầm đấy là trang giới thiệu chính thức chân dung của ngài thị trưởng Moscow. Kỳ thực trên đấy người ta chỉ đọc thấy đủ thứ tin đồn bậy bạ nhất về Lujkov. Trò đơn giản này thế mà thành công: nhiều tờ báo ở Nga đã thộp lấy và cho đăng tải những thông tin không thể kiểm chứng ấy khiến Lujkov đành phải ngậm ngùi chia tay cuộc chơi.
Chưa hết. Đến ngày hôm nay Gleb Pavlovski lại thú nhận rằng vào đầu hè 1999, chính ông đã bí mật vận động những nhân vật thân cận của tổng thống Yeltsin để khởi động cuộc chiến tại Chechnya. Mục đích của hành động đó là tạo cho V. Putin, khi ấy mới vừa được đề cử làm thủ tướng, hình ảnh một chính khách mạnh mẽ và cương quyết có khả năng thay thế Yeltsin sáu tháng sau đó.
Vào đầu thời kỳ lãnh đạo của V. Putin, “thầy phù thủy” Pavlovski vẫn còn nhiều ảnh hưởng trong vai trò cố vấn chiến lược. Ông ta nghĩ ra quan niệm về “nền dân chủ có định hướng” và dùng giới truyền thông cổ xúy cho công chúng quen dần. Tiếp đó, để chứng minh rằng chính quyền Kremli biết lắng nghe xã hội công dân, Pavlovski đã mở diễn đàn công dân để qua đó chính phủ ký một loạt thỏa thuận với các tổ chức phi chính phủ. Buổi lễ ký kết được quảng bá rầm rộ nhưng nhiều người am hiểu cho rằng các tổ chức phi chính phủ bắt tay với chính quyền lúc đó chỉ là những tổ chức giả vừa được thành lập vài ngày trước đó.
Nay thì Pavlovski không còn nhiều ảnh hưởng do những người thuộc bên an ninh và quân sự thân cận với Tổng thống Putin bắt đầu chiếm những vị trí quan trọng. Nhưng các nhà quan sát cho rằng trong các cuộc bầu cử Duma quốc gia (tháng 12-2003) và tổng thống (tháng 3-2004) sắp tới, có lẽ điện Kremli lại phải vời đến tài năng của “thầy phù thủy”.
Và họ đã nhào nặn ra... Tony Blair
Phóng to |
P. Mandelson (phải) đã trở về phụ trợ cho Tony Blair |
Dù là một công chức nhà nước nhưng Campbell chính là người chủ động tung ra những thông tin giật gân và thậm chí là tin đồn vô căn cứ cho báo chí Anh. Về những mánh khóe này thì có thể nói ông ta “chứa đầy một bụng” vì từng theo học chuyên ngành ngôn ngữ ở ĐH Cambridge và làm phóng viên ban chính trị của nhật báo Daily Mirror, một tờ báo nổi tiếng về các vụ việc giật gân. Năm 1994, Campbell mới gia nhập êkip của Tony Blair và chỉ hai năm sau đã trở thành người phát ngôn của Blair. Nhưng quả là “gậy ông đập lưng ông” vì Campbell phải ra đi ngày 31-8 sau cuộc đối đầu với cơ quan phát thanh và truyền hình nhà nước là BBC quanh vụ tự vẫn của chuyên gia vũ khí David Kelly. Nhưng ông ta cũng chẳng thiệt hại gì lắm vì vừa ký được hợp đồng trị giá 5 triệu bảng để kể về những chuyện ngóc ngách của dinh thủ tướng Anh!
Nhưng nếu Alastair Campbell được ví như “kẻ thừa hành” của Tony Blair thì Peter Mandelson, 50 tuổi, chính là “bộ não” của thủ tướng. Mandelson chính là một trong những kiến trúc sư của Tân Công đảng và đã hai lần từng giữ vai trò bộ trưởng. Sau khi Campbell ra đi, Mandelson được mời về phủ thủ tướng trong vai trò cố vấn chính trị mà có người còn cho rằng nhằm thay thế Campbell ở vị trí đối thoại với báo chí. Là một tay độc thân lịch lãm, nhưng Mandelson không e ngại chuyện va chạm với công luận trấn áp các đối thủ theo kiểu hàng chợ, và chính ông ta từng có lần thừa nhận mình là “người bị ghét bỏ nhất nước Anh”. Người ta tin rằng Tony Blair không sai khi chọn Mandelson trong vai trò thao túng công luận vì nhân vật này từng có thời gian làm đạo diễn truyền hình. Ông ta hẳn không lạ gì với những mánh khóe dàn dựng sự kiện!
Tập tành kiểu Pháp
Lối làm chính trị hiền lành và mộng tưởng ở Pháp chưa làm nảy sinh kiểu công nghệ “buôn vua” như ở Anh, Mỹ. Nhưng tình hình đang bắt đầu thay đổi. Fred Martin, chuyên gia viết diễn văn của cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore, nhận định thẳng thắn với nhà báo Pháp: “Những cố vấn chính trị của quí vị đang tính học theo cách của Mỹ, nhưng cách thông tin của Chính phủ Pháp vẫn còn lạc hậu lắm”. Các chính trị gia của Pháp chưa xem trọng lắm vị cố vấn thân cận của mình trong khi ở Mỹ đó là mối quan hệ cộng sinh.
Một trong những nhân vật “buôn vua” đáng kể nhất ở Pháp có thể kể là Jacques Pilhan. Ông này lại phục vụ từ Francois Mitterrand cho đến Jacques Chirac và cả... Alain Juppé. Một trong những học trò của Pilhan là Claude Chirac, cô con gái rượu của Tổng thống Chirac và cũng được xem là cố vấn thân cận của tổng thống. Nhưng vai trò thật sự của Claude chỉ giới hạn ở việc hướng dẫn cha mình cách chọn càvạt và cách đứng ngồi phù hợp khi quay phim, chụp ảnh. Thế nên khi thủ tướng Alain Juppé quyết định sa thải các nữ bộ trưởng trong nội các của mình, một quyết định được cho là sai lầm nghiêm trọng, ông ta chẳng thèm tham khảo qua ý kiến của Claude. Một nhân vật khác như Stéphane Fuks từng được Đảng Xã hội trưng dụng để tổ chức chiến dịch tranh cử tổng thống của Lionel Jospin (thủ tướng) năm 2002 thì bị cấm cửa trong các cuộc họp quan trọng của ứng viên của mình!
Kỳ 2: Kỹ nghệ buôn vua ở Mỹ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận