
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế tại Đại lễ đường Nhân dân - Ảnh: XINHUA
Theo Tân Hoa xã ngày 26-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với hơn 40 lãnh đạo cấp cao các tập đoàn đa quốc gia, bao gồm Samsung, BMW, Mercedes-Benz, Qualcomm, Blackstone, Pfizer, AstraZeneca, Sanofi, Maersk, Saudi Aramco, FedEx và nhiều doanh nghiệp khác vào sáng cùng ngày.
Tham dự cuộc gặp còn có các quan chức cấp cao của Trung Quốc như Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Thái Kỳ, Phó thủ tướng Hà Lập Phong và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.
Theo Hãng tin Reuters ngày 28-3, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy phục hồi kinh tế và giảm thiểu ảnh hưởng từ bất ổn địa chính trị.
Cam kết về chính sách
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoan nghênh sự hiện diện của các doanh nghiệp quốc tế và ghi nhận đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đối với phát triển kinh tế và công nghiệp của Trung Quốc.
Theo đó, ông Tập gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp FDI đã đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, nhấn mạnh khu vực doanh nghiệp nước ngoài đã hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao năng lực công nghệ và quản trị, đồng thời đóng vai trò trong quá trình hội nhập quốc tế của Trung Quốc.
Ông Tập cũng khẳng định chính sách mở cửa là nguyên tắc cơ bản của Trung Quốc và cho biết nước này sẽ tiếp tục mở rộng tiếp cận thị trường theo hướng minh bạch, dựa trên pháp luật và tiêu chuẩn quốc tế.
Theo toàn văn bài báo cáo trên Tân Hoa xã, Trung Quốc cam kết đảm bảo quyền tiếp cận công bằng cho doanh nghiệp nước ngoài, giảm rào cản gia nhập thị trường, đảm bảo đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Tập cũng đề cập đến các yếu tố được cho là lợi thế của Trung Quốc, bao gồm quy mô thị trường lớn, tầng lớp tiêu dùng đang mở rộng và định hướng phát triển công nghiệp theo hướng chuyển đổi số, xanh và thông minh.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định nước này sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh cải cách thể chế liên quan đến đầu tư nước ngoài.
“Trung Quốc trước đây, hiện tại và trong tương lai chắc chắn sẽ là điểm đến lý tưởng, an toàn và đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Tập phát biểu tại hội nghị.
Theo ông Tập, khu vực doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia, cần phát huy vai trò chủ động trong việc ứng phó với các thách thức kinh tế đang nổi lên trên quy mô toàn cầu.
Về phía doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo tập đoàn quốc tế tham dự hội nghị như CEO Mercedes-Benz Ola Kallenius, CEO Sanofi Paul Hudson, Chủ tịch FedEx Raj Subramaniam và CEO HSBC Georges Elhedery có lời phát biểu và ghi nhận nỗ lực của Trung Quốc trong cải cách và mở cửa.
Theo Tân Hoa xã, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư và mở rộng hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ, logistics và y tế.

Ông Tập chụp ảnh cùng đại diện hơn 40 doanh nghiệp quốc tế - Ảnh: XINHUA
Lời trấn an trong giai đoạn nhạy cảm
Cuộc gặp diễn ra ngay sau Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) 2025 khai mạc ngày 23-3, một trong những sự kiện kinh tế thường niên quan trọng của nước này.
Tại sự kiện CDF, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc trong việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Ông Lý cho biết chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận thị trường đối với các lĩnh vực như tài chính, công nghệ số, viễn thông, y tế và giáo dục.
Theo Reuters, việc ông Tập trực tiếp tiếp xúc cộng đồng doanh nghiệp, thay vì để Thủ tướng Lý Cường đảm trách như thông lệ trước đây, cho thấy vai trò ngày càng trực tiếp của Chủ tịch Trung Quốc trong nỗ lực trấn an giới đầu tư nước ngoài và nội địa.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt thách thức trong việc duy trì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khi số liệu năm 2024 cho thấy mức giảm 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong đó một số doanh nghiệp vẫn bày tỏ quan ngại về môi trường pháp lý chưa ổn định, các quy định được áp dụng đột ngột và sự chênh lệch trong đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc và khu vực nước ngoài.
Việc ông Tập Cận Bình trực tiếp gặp gỡ và đối thoại với các tập đoàn quốc tế được xem là nỗ lực nhằm củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, và thúc đẩy hợp tác kinh tế trong giai đoạn nhiều biến động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận